Nhà văn nổi tiếng của Ý đến Việt Nam giới thiệu tiểu thuyết trinh thám
(Dân trí)- Đưa một cuốn tiểu thuyết trinh thám sành điệu, cô đọng và lôi cuốn đến nghẹt thở mang phong cách Ý tới Việt Nam, nhà văn Gianrico Carofiglio đã có buổi giao lưu với độc giả Hà Nội vào chiều 15/10.
Là một trong những tác giả đương đại Ý nổi tiếng với loạt tiểu thuyết trinh thám pháp lý ăn khách, sách của Gianrico Carofiglio được xếp vào danh mục nhiều người đọc nhất tại Ý cũng như nhiều nước trên thế giới. Đến Việt Nam lần này nhân tuần lễ Tiếng Ý Thế giới lần thứ XII và trong khuôn khổ Chương trình Ý-Việt 2012, ông có vẻ ngoài lịch lãm phù hợp với vai trò Thượng nghị sĩ Cộng hòa Italia đương nhiệm hơn dáng dấp của một nhà văn. Qua cầu dẫn là nhà văn Di Li và ngài Lorenzo Angeloni (Đại sứ Italia), Gianrico Carofiglio đã có những chia sẻ thú vị với độc giả về sự nghiệp văn chương nói chung và cuốn tiểu thuyết trinh thám kì thú “Quá khứ là miền đất lạ” nói riêng.
Tiểu thuyết “Quá khứ là miền đất lạ” của Gianrico Carofiglio mới được chuyển ngữ sang Tiếng Việt dưới ngòi bút của dịch giả Nguyễn Hồng Hạnh.
Nhà văn không có ý định viết tự truyện
Từng đạt giải thường văn học uy tín Premio Bancarella năm 2005 (giải thưởng đã vinh danh Ernest Hemingway) với “Quá khứ là miền đất lạ”. Có thể gọi Gianrico Carofiglio là nhà văn đa phong cách khi sự nghiệp của ông còn gắn với tiểu thuyết đồ họa Cacciatori nelle tenebre (Những kẻ đi săn trong bóng tối) năm 2007 trong vai trò họa sĩ, tuyển tập truyện ngắn Non esiste saggezza (Không khôn ngoan) và bài luận La manomissione delle parole (Giải phóng khỏi ngôn từ) cùng trong năm 2010. Nhà văn cho biết mình có cảm xúc đặc biệt với văn học từ khi còn nhỏ, năm 8, 9 tuổi khi mới biết đọc, biết viết ông đã muốn cho ra đời cuốn sách của mình. Ông quan niệm “Viết là được tạo ra thế giới cho riêng mình”. Song “ Khi ao ước quá mãnh liệt lại không dám làm vì sợ sẽ làm sai. Phải 30 năm sau khi kinh nghiệm sống và ý tưởng đã chín muồi tôi mới thực hiện ước mơ ngày nhỏ”. Khoảng thời gian đó rất dài trong cuộc đời một con người nhưng với Gianrico viết được đã là một hạnh phúc, ông mỉm cười “cuộc sống đã ưu ái cho tôi quá nhiều. Nếu đánh giá hạnh phúc theo quy chuẩn khi chúng ta lớn lên có thực hiện được những mơ ước trong quá khứ hay không?”
Trong “Quá khứ là miền đất lạ” nhân vật chính cũng bắt đầu viết văn từ khi còn nhỏ, nhà văn Di Li đã thắc mắc không biết đó có phải là hình bóng của ông không? Gianrico có nói, “Nhiều lần tôi cũng tự hỏi, nhân vật có phải là mình ngoài đời không? Câu trả lời luôn là có và không. Không vì mỗi nhân vật là một quá trình tìm tòi, sáng tạo riêng. Có bởi tôi lấy cảm hứng từ bản thân mình truyền vào nhân vật”. Trong quá trình cầm bút, nhà văn Gianrico thấy hạnh phúc khi “vẽ” nên trước mắt người đọc những nhân vật rất riêng mà trong đó thấp thoáng những nét tính cách của ông. Chính vì vậy, trước khi vào buổi trò chuyện với độc giả, ông đã chia sẻ với phóng viên: “Tôi không có ý định viết tự truyện hay hồi kí bởi con người tôi thể hiện ở mỗi nhân vật trong các tác phẩm mà tôi đã viết rồi”.
Đặt ra quy chuẩn cho thể loại trinh thám
Lấy bối cảnh cổ điển là cảng biển Bari thập niên 80 của thế kỷ trước, tiểu thuyết không cũ kĩ bởi những chương rất ngắn, lối viết sành điệu, nhanh, kịch tính mã vẫn chan chứa chất thơ. Nhà văn đặt hai câu chuyện, cuộc gặp gỡ giữa sinh viên kiểu mẫu Giorgio là con nhà trung lưu gia giáo, tương lai sáng sủa với Francesco nguy hiểm có hấp lực khôn cưỡng. Dường như không liên quan với hàng loạt vụ bạo dâm dã man xảy ra trong thành phố tưởng nằm cạnh nhau. Để làm nên một tiểu thuyết trinh thám rất mới, vượt ra ngoài những quy chuẩn đã có như nhà văn Di Li (người nổi danh với nhiều tác phẩm trinh thám ở Việt Nam) nhận định: “Tiểu thuyết trinh thám luôn đặt ra những câu đố để người đọc giải mã. Tác giả luôn cố giấu tội phạm đến những trang viết cuối cùng. Độc giả có khi sử dụng công nghệ hình sự học, bài toán giải mật mã có khi lại dùng tới hiểu biết về tâm lí tội phạm để tìm ra đáp án. Thành công của độc giả là thất bại của tác giả và ngược lại”. Song “Quá khứ là miền đất lạ” đi ngược lại lối thông thường của nhiều nhà văn trinh thám khác, chỉ mặt thủ phạm ngay từ những trang viết đầu tiên”.
Lý giải về điểm “kì lạ” này, Gianrico cho hay: “Khi viết tôi muốn tập trung chủ yếu lên diễn biến tâm lí của nhân vật hơn là câu chuyện. Tất cả tình tiết chỉ là công cụ đưa ra để phân tích tâm lí. Bởi theo tôi, thế giới không phân chia người tốt, người xấu mà mỗi con người luôn đi giữa ranh rới mỏng manh tốt và xấu”. Không giấu giếm nhưng vẫn kịch tính là nét rất riêng trong tác phẩm, theo cách nói của nhà văn Di Li: “Đọc sách tôi như đứng trên cao nhìn hai chiếc xe hơi chắc chắn sẽ đâm vào nhau. Song tôi vẫn hồi hộp vì không biết khi nào tai nạn mới xảy ra và xảy ra như thế nào?”
Bài và ảnh: Đinh Nha Trang