Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vẽ lại Hà Nội trên những tốc độ chuyển động

Lê Tiên Long

(Dân trí) - "Tôi muốn thông qua mô tả về bức tranh giao thông để vẽ lại bản đồ Hà Nội trên các tốc độ chuyển động khác nhau...", nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ.

Đến gặp người viết sau khi vừa kết thúc buổi dạy "khản cổ" tại Đại học Văn hóa Hà Nội, nhà văn Nguyễn Trương Quý vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết khi nói về Hà Nội và những nét văn hóa, lịch sử đáng yêu của thành phố mà anh gắn bó và yêu thích.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vẽ lại Hà Nội trên những tốc độ chuyển động - 1

Nhà văn Nguyễn Trương Quý (Ảnh: Bá Ngọc).

Chào anh Nguyễn Trương Quý, xin được mở đầu với hai cuốn sách mới của anh vừa ra mắt là "Triệu dấu chân qua những cửa ô" và "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc". Anh hài lòng với hai tác phẩm này chứ?

- Nói chung là hài lòng. Cuốn Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc khiến tôi hài lòng vì đã vượt qua được mình trong đề tài vai trò văn hóa đại chúng trong dòng chảy lịch sử, tôi chọn mảng tân nhạc làm chủ đạo. Trong đó, tôi tìm cách lý giải cơ chế những bài ca thập niên 1940 ở Việt Nam đã góp phần kiến tạo ý niệm quốc gia-dân tộc (nation-state), một vấn đề khá then chốt trong ngành truyền thông và xã hội học thế giới. Sự chuẩn bị cho đề tài này đã có từ cuốn nghiên cứu về âm nhạc trước của tôi, cuốn Một thời Hà Nội hát, nhưng cũng là nhờ quá trình học cao học trước đó, khi tôi học được phương pháp nghiên cứu, cách đi điền dã, phỏng vấn, rồi các thao tác phân tích diễn ngôn qua văn bản, phân tích bối cảnh lịch sử để nhận diện đời sống chính trị xã hội quá khứ dưới góc độ rộng hơn.

Tôi là người thích tìm hiểu bối cảnh lịch sử và thường cố gắng theo đuổi đến cùng đề tài của mình, nhưng thực sự việc này rất tốn công.

Còn cuốn "Triệu dấu chân qua những cửa ô", vẫn là đề tài liên quan đến Hà Nội, nhưng chủ đề cụ thể là gì vậy?

- Tôi bắt đầu bằng hình ảnh những cửa ô của Hà Nội. Vốn dĩ người ta vẫn coi đó là những đặc trưng, thậm chí biểu tượng cho Hà Nội. Việc trở thành biểu tượng này không tự nhiên mà có, vì thực địa đã có các cửa ô từ xưa, nhưng tôi muốn tìm hiểu sâu về quá trình tạo ra nghĩa của nó thông qua văn bản văn hóa chi phối đến cách nhìn của chúng ta về Hà Nội. Tôi lấy hình ảnh cửa ô vì nó là lối nhập thành, để khảo sát đường, phố, những chuyến đi của con người trong các thời đại đã qua, xem họ đã sống như thế nào, trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật, văn bản văn hóa đã khắc họa như thế nào qua những chuyến đi.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vẽ lại Hà Nội trên những tốc độ chuyển động - 2

"Thời thanh xuân tân nhạc ái quốc" và "Triệu dấu chân qua những cửa ô" của nhà văn Nguyễn Trương Quý (Ảnh: Bá Ngọc).

Vậy trong cuốn 'Triệu dấu chân qua những cửa ô'", anh muốn nói lên điều gì?

- Trong cuốn sách này, tôi thấy mình đã làm những việc hơi hóc búa. Tôi định làm một cuốn sách về chuyện xê dịch, đi lại của con người trên các con đường ra vào Hà Nội, hoặc về các phương tiện như đi bộ, xe đạp, xe ngựa, hay cả tàu thủy… các dấu vết về các loại phương tiện qua các dữ liệu văn hóa, thơ ca, văn học.

Tôi mượn sự xê dịch, chuyển động của con người trong thành phố để nói về những biến thiên của thời đại, như nhắc về tàu điện "leng keng" trong rất nhiều sản phẩm thơ nhạc mà nay đã biến mất. Thậm chí tôi muốn thử gợi lại xem với tâm thế chúng ta bây giờ, một câu thơ kiểu "Tiếng xình xịch chạy dọc đường Nam Bộ" của Tố Hữu đọc lên sẽ có cảm giác thế nào? Qua sự biến thiên này, tôi cũng muốn làm rõ sự thích ứng của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng với thời đại.

Nhưng bắt đầu từ đâu, anh hướng đến đề tài sự dịch chuyển của cư dân thủ đô thời xưa?

- Tôi thấy ở Hà Nội, sự thích ứng của con người với cuộc sống rất cao. Tôi muốn tập trung vào tính năng động, dịch chuyển, thích ứng của con người. Sự vận động này vừa là cái ẩn dụ, vừa là cái hiện thực.

Tôi muốn thông qua mô tả về bức tranh giao thông để vẽ lại bản đồ Hà Nội trên các tốc độ chuyển động khác nhau. Tôi đóng khung câu chuyện quanh các cửa ô, mà lâu nay các cửa ô đều đã trở thành những biểu tượng về các giới hạn của thành phố, là giới hạn giữa nông thôn và đô thị, giữa quê và tỉnh. Các yếu tố cửa ô, phương tiện… đều tham gia quá trình tạo nghĩa cho không gian văn hóa.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vẽ lại Hà Nội trên những tốc độ chuyển động - 3

"Tôi muốn tập trung vào tính năng động, dịch chuyển, thích ứng của con người. Sự vận động này vừa là cái ẩn dụ, vừa là cái hiện thực", nhà văn Nguyễn Trương Quý nói (Ảnh: Bá Ngọc).

Độc giả tò mò muốn biết, việc hình thành một cuốn sách khảo cứu như thế nào?

- Đầu tiên là sự thúc bách trả lời một câu hỏi nào đấy. Sau đó phải tìm ra cấu trúc nội tại của cuốn sách. Sau khi ra được cấu trúc, tìm ra đường dây để dẫn dắt vấn đề là công đoạn mệt nhất. Còn việc dẫn được đến đâu thì cũng khá… vô lường, vì đề tài có thể liên quan đến quá nhiều nhân vật, nhiều diễn biến chính trị - xã hội ở nước ta qua nhiều năm lịch sử còn nhiều điều khuất lấp.

Như cuốn sách Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, tôi chủ yếu khảo về giai đoạn những năm cuối thập niên 1930 cho đến cuối thập niên 1940, trong đó có những văn bản tiếng Pháp, tôi phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều bạn bè là chuyên gia, giảng viên ở Pháp, hay một việc thường xuyên là phải lục lọi, thu thập từ rất nhiều nguồn, từ trung tâm Lưu trữ Quốc gia I-III đến Thư viện Quốc gia, thậm chí các Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM hay Thư viện Quân đội, đặc biệt tìm đến các bộ sưu tập tư nhân.

Đôi khi mình cũng phải nhẫn nại, qua thời gian có khi lên đến vài năm, tuy nhiên mình biết là nó sẽ đến, và do cũng đã có kinh nghiệm tìm kiếm tư liệu cho các cuốn sách trước nên cũng đỡ mất công hơn nhiều.

Nhưng cuốn sách trước đó của anh, 'Một thời Hà Nội hát', là cuốn đầu tiên anh biên soạn về chủ đề âm nhạc?

- Phải minh định một chút cho rõ là tôi khảo cứu về phạm vi của văn bản ca từ và ảnh hưởng mang tính xã hội của nó. Trước đó tôi đã có viết một số bài rải rác và một số cuốn ở mức độ trực cảm về câu chữ thuần túy. Khi chuyển sang khảo cứu sâu, tôi thấy ca từ trong tân nhạc cung cấp rất nhiều dữ liệu để diễn đạt hay để khảo lại dấu vết của đời sống xã hội thời đã qua. Tân nhạc chính là một cái mỏ để chúng ta khảo về cái sự thay đổi, về cách nhìn của đại chúng về Hà Nội.

Thực sự, các bài hát đã trở thành phương tiện mũi nhọn, thậm chí trong thời kỳ chiến tranh cách mạng được coi là vũ khí tinh thần. Thời xưa, các ca khúc không khác gì mạng xã hội bây giờ. Ngày xưa, người ta trình bày quan điểm hay tình yêu, tình cảm về quê hương đất nước, con người thông qua các ca khúc.

Phương pháp nghiên cứu của anh là gì?

- TS Ngữ văn Trần Ngọc Hiếu cho rằng tôi đang vận dụng phương pháp nghiên cứu Tân duy sử hay Lịch sử mới (New historicism), hoặc trước đó, chuyên chú vào những khía cạnh vi lịch sử (microhistory). Tôi cũng thấy một số tác giả Việt Nam gần gũi cách thức này như Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Mạnh Tiến. Phương pháp này thay vì theo đuổi những câu chuyện lớn kiểu đại tự sự, các diễn biến có tính quy mô; nó làm điều khác đi: khảo cứu những góc nhỏ của lịch sử như phong tục, lối sống, các dấu vết văn hóa để lại trong sự biến đổi của lịch sử.

Nhưng anh có đặt ra cho mình phạm vi nghiên cứu chứ?

Tôi quan tâm đến những diễn ngôn về văn hóa trong các dữ liệu, văn thơ, các dữ liệu về đời sống, công trình kiến trúc, xe cộ, địa lý… nói tóm lại là những thành tố cấu tạo nên không gian văn hóa.

Tuy nhiên tôi đặt ra giới hạn về thời gian là trong vòng 100 năm trở lại đây.

Vì sao?

- Tôi cho rằng mốc thời gian này là quan trọng, vì nó hình thành nên khung cảnh hiện đại của nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng.

Như vậy, phạm vi nghiên cứu của anh sẽ loại trừ giai đoạn thời phong kiến?

- Thực ra, các dấu ấn của thời kỳ phong kiến (trung đại) vẫn còn rõ nét ở Hà Nội và ở nước ta đến tận giữa thế kỷ XX. Tuy nhiên chính thời trung chuyển để đi đến sự hiện đại hóa lại có vẻ mờ nhòe trong ký ức cộng đồng, do những tác động của lịch sử.

Tôi không đặt nặng vấn đề phán xét cái đúng, cái sai, hay dở của các sự kiện, dữ liệu đã xảy ra. Tôi quan tâm hơn đến cách ứng xử một cách nghệ thuật, văn hóa, hay sự thích nghi của cư dân Hà Nội với những thay đổi này.

Tôi có cảm nhận là người Hà Nội dễ thích nghi với những thay đổi, từ lối sống đến văn hóa, sau khi người Pháp sang?

- Cũng không có gì khó hiểu. Đó là sự tiếp nhận, tiếp biến của các nền văn hóa thế yếu đối với các nền văn hóa có sức mạnh của vật chất của các dòng chảy kinh tế, của các sự khai thác. Nghiên cứu của tôi thường tìm kiếm ở những dấu vết văn hóa để lại trong chính những gì tôi trải nghiệm.

Hai cuốn sách vừa ra mắt của tôi có nhiều mảng khá là giống nhau trong việc phục dựng lại một bối cảnh của một giai đoạn lịch sử của Hà Nội và đất nước.

Trong cuốn "Triệu dấu chân qua những cửa ô", anh có đưa ra một ý tưởng khá độc đáo về việc người ta chỉ lựa chọn con số năm cửa ô của Hà Nội, rồi xếp nó thành hình ngôi sao?

- Vâng, trong bài đầu tiên ở cuốn sách, tôi có viết: Trước đây, không có khái niệm về năm cửa ô. Người ta chỉ nói Hà Nội có các cửa ô thôi. Thậm chí trong các ghi chép cũ còn nói đến con số 18, 21 cửa ô...

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vẽ lại Hà Nội trên những tốc độ chuyển động - 4

Nguyễn Trương Quý: "Mục đích nghiên cứu của tôi là tìm ra cái hay, cái đẹp của đề tài. Chứ nghiên cứu xong mà không tìm ra cái hay, cái đẹp thì cũng chẳng để làm gì" (Ảnh: Nguyễn Hiếu).

Có thể thấy trong bài "Ba Đình nắng", thơ Vũ Hoàng Địch, được Bùi Công Kỳ phổ nhạc năm 1947, với những câu hát: "Ba mươi sáu phố phường hôm ấy, là những ngành sóng đỏ sóng cờ. Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại. Năm cánh xòe trên năm cửa ô…".

Cho đến những câu hát của Văn Cao trong "Tiến về Hà Nội": "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…"

Tôi cũng đưa vào trong sách chi tiết: Những người đầu tiên được nhạc sĩ Văn Cao cho nghe bài "Tiến quân ca" là hai họa sĩ Tạ Tỵ và Bùi Xuân Phái. Sau này, Bùi Xuân Phái là họa sĩ nổi tiếng với những bức tranh về Hà Nội, còn Tạ Tỵ sau khi vào miền Nam, năm 1955, đã viết bài thơ có câu "Thương về năm cửa ô xưa…".

Nhưng vì sao lại là năm cửa ô nhỉ?

- Vì năm cửa ô này nằm đúng theo phương vị trên thực tế: Ô Yên Phụ ở phía Bắc, Ô Cầu Giấy ở phía Tây, Ô Quan Chưởng ở phía Đông, Ô Cầu Dền ở phía Đông Nam và Ô Chợ Dừa ở phía Tây Nam. Nối năm cửa ô này lại ta sẽ có hình ngôi sao năm cánh. Rất nhiều cửa ô khác đã bị bỏ qua, người ta chỉ chọn năm cửa ô này và cái ý niệm này được trao truyền cho nhau, phát triển tiếp. Như Tạ Tỵ đã viết "Năm nẻo đường đất nước, trôi từ vạn nẻo sông hồ…", tức là ông ấy đã mặc nhiên chấp nhận một biểu tượng được sinh ra từ thời kháng chiến.

Tất cả những điều này nó là kết quả của một thao tác văn hóa. Người ta tạo hình từ tư duy về cách mạng, lập quốc. 

Vậy những manh mối nào đưa anh đén với mạch câu chuyện hình thành trong các cuốn sách này?

- Có hai đường dẫn. Đường dẫn thứ nhất là chặng đường di chuyển của con người. Đường dẫn thứ hai là dấu vết trong các tác phẩm của các nhân vật, từ lời ca, lời thơ, lời văn. Nó cho thấy chuyển động trên chữ nghĩa, chuyển động cả về thực địa, chuyển động cả trong tư tưởng… của các tác giả.

Đọc về các nghiên cứu của Nguyễn Trương Quý thì rất đa dạng về đề tài. Vậy có thể nói, đâu là mảng "thuộc về Nguyễn Trương Quý"?

Tôi khá quan tâm đến những câu chuyện về truyền thông về văn hóa, về cơ chế tạo nghĩa của các tác phẩm văn hóa, đặc biệt tôi lưu tâm đến thao tác phân tích bối cảnh. Nhưng quan trọng là chọn các mảng đề tài tôi có thể hấp thụ được. Cho nên cũng có những mảng đề tài khác rất khó mà tôi đành đầu hàng, như diễn ngôn về quyền lực, hay những phạm trù triết học vô cùng rậm rạp…

Mục đích nghiên cứu của tôi là tìm ra cái hay, cái đẹp của đề tài. Chứ nghiên cứu xong mà không tìm ra cái hay, cái đẹp thì cũng chẳng để làm gì.

Trở lại thời kỳ đầu khi anh ra mắt cuốn sách đầu tiên "Tự nhiên như người Hà Nội", thì anh đã hình thành cho mình một phương pháp nghiên cứu chưa?

- Lúc đầu tôi viết bằng vốn học, vốn đọc hồn nhiên, tự phát. Cho nên cuốn sách cũng mang cái tên có chữ "Tự nhiên". Tôi học kiến trúc ra nên lúc đó cũng muốn nói về vấn đề kiến trúc, quy hoạch của Hà Nội, mảng đề tài tôi đã có thời gian học, đọc, có chút thực tế. Tất nhiên tôi cũng áp dụng một số kiến thức nền về lịch sử kiến trúc hay lịch sử Hà Nội, để có thể hình dung ra một cái bản đồ không gian của Hà Nội. Trong không gian đó, có rất nhiều không gian về văn hóa, về văn học, nghệ thuật…

Ban đầu viết dần từng bài đăng trên mạng, sau đó nhà văn Phan Thị Vàng Anh liên hệ, đề nghị viết thêm và tập hợp lại in ở Nhà xuất bản Trẻ, nên tôi cũng hào hứng mà viết tiếp. Lúc đó có gì là cứ dồn hết vào các bài viết này nên cũng khá thoải mái.

Cuốn đầu tiên đó lại được cái may mắn là đề tài khá tập trung quanh Hà Nội, về kiến trúc, cảnh quan, không gian văn hóa. Một cái may nữa là lúc đó độc giả cũng đang rất quan tâm đến đề tài này, đồng thời thể loại tản văn, tiểu luận đang lên ngôi nên sự tiếp nhận khá tốt. Tôi cũng học được từ rất nhiều những người đã viết về Hà Nội, bắt đầu từ chính những tác giả lớp trước như Tô Hoài, Hoàng Đạo Thúy, Vũ Bằng, Thạch Lam… Tất nhiên điều đầu tiên học được là họ đã viết về những gì rồi, thì mình cần viết khác đi.

Sau đó, tôi làm thư kí tòa soạn cho một số tạp chí, rồi làm biên tập viên ở nhà xuất bản Trẻ. Thời gian này tôi lại có cơ hội tiếp xúc bản thảo và biên tập cho một loạt tác giả cũng viết về Hà Nội đương đại như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến, Đỗ Phấn. Quá trình đó giúp tôi đọc và học được nhiều thứ có ích cho các nghiên cứu, sáng tác của tôi sau này.

Vậy cuốn sách nào đánh dấu bước phát triển trong việc nghiên cứu của anh, từ việc lên ý tưởng, xây dựng sườn nội dung, đến phát triển ra thành trang viết và hoàn thiện?

- Tất nhiên mỗi cuốn nó có những câu chuyện khác nhau. Như cuốn thứ hai của tôi là Ăn phở rất khó thấy ngon, lúc đó tôi giữ một chuyên mục trên tờ tạp chí Đẹp, viết về đời sống văn phòng của giới "cổ cồn trắng", các đề tài cứ phát triển theo mạch như vậy. Tôi cũng bắt đầu dùng cách viết hơi phiếm luận, giễu nhại một chút, kiểu soi con mắt vào các hành vi trong đời sống xã hội của con người đô thị nhiều hơn. Nhưng từ cuốn này, tôi mới bắt đầu hình thành ý niệm là để ra một cuốn sách, phải có một cấu trúc như thế nào.

Các nhà văn, nếu viết một vài truyện ngắn, một chùm bài thơ hay, đã có thể xác định được phong cách của mình rồi. Nhưng với người viết tản văn, tiểu luận, phải qua vài cuốn sách, mới có thể định hình được một cách viết.

Sau đó nhờ làm biên tập viên nên tôi quen với cách làm sách hơn, lần lượt các cuốn sau ra mắt như "Hà Nội là Hà Nội", "Xe máy tiếu ngạo" đều có mạch nội dung rõ ràng hơn. "Xe máy tiếu ngạo" là cuốn chỉ nói về xe máy, câu chuyện về văn hóa đi xe máy, như mọi người xưa đến nay đã ứng xử với chiếc xe máy ra sao, có gì buồn cười trong đó. Xe máy đúng là thích ứng với ngõ ngách trong các đô thị Việt Nam, với những ngôi nhà ống, nó giúp chủ nhân cơ động và cũng hơi… tùy tiện. Và từ cuốn này, tôi bắt đầu có ý thức chuyên sâu về một hình thái.

Tất nhiên là không thể viết hết được. Mình phải viết về những đề tài mà mình hiểu, mình quen thuộc và mình cảm thấy thú vị. Và đề tài đó phải có những dấu vết văn hóa. Có những đề tài không có dấu vết văn hóa nhiều lắm thì tôi cũng hơi chần chừ.   

Nhưng qua những lát cắt này, tôi muốn vẽ nên những chân dung của con người trong một khoảng thời gian nhất định, như tôi nói ở trên, là chân dung thị dân Hà Nội trong 100 năm trở lại đây.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vẽ lại Hà Nội trên những tốc độ chuyển động - 5

Trong cuốn "Hà Nội là Hà Nội", anh có nhận xét: "Hà Nội là đô thị lạ lùng". Anh có thể chia sẻ sự "lạ lùng" đó như thế nào?

- Qua biến thiên của lịch sử, dù được chồng lên bao nhiêu cái hiện đại, tân kỳ, thì Hà Nội vẫn là tập hợp của những cộng đồng nhỏ, gắn kết với nhau, trên mặt bằng các ngõ ngách, vỉa hè rất đặc trưng, hay các quán xá, nó vẫn như thế sau nhiều năm nay. Con người Hà Nội có nhu cầu giao lưu kiểu thị dân rất đậm đặc, không bị phai loãng như Sài Gòn hay các đô thị khác. Chẳng hạn như những quán nước chè vỉa hè của Hà Nội là rất đặc trưng. Thế hệ trẻ "Gen Z" vẫn thích những quán chè chén hay một số quán cà phê kiểu mới gợi lại phong cách bao cấp, thực tế nó giống hệt những quán nước chè thời trước được mở rộng và nâng cấp. Vẫn những chiếc ghế nho nhỏ. Khách hàng vẫn ngồi xúm xít nói chuyện, cắn hạt hướng dương lách tách. Đó là những quán ngồi thông thống ra phố, không đóng kín. Nó vẫn giống các quán nước ở đầu ngõ, nơi mọi người có thể quay mặt vào nhau để trò chuyện.

Hà Nội bảo lưu được những nét đó, nên nó "lạ" với người ở nơi khác đến như vậy.

Tôi mới làm một cuộc khảo sát về một thương hiệu quán cà phê quốc tế nổi tiếng ở Hà Nội, có vẻ nó không thành công, trước đây trong trung tâm có 5 quán, bây giờ còn 3, đã chạy ra khu đô thị mới ở vùng ven, diện tích bé, không tiện nghi, có lẽ họ khuyến khích việc mua mang đi. Tôi nghĩ những thương hiệu này không thích ứng với nhu cầu ngồi xúm xít trò chuyện kiểu quanh quán nước chè của người Hà Nội.

Có khi nào anh nghe nhận xét rằng vì sao toàn khảo cứu những đề tài xưa cũ không?

- Tôi cho rằng việc luận đàm về chủ đề cũ hay mới là… vớ vấn. Có người hỏi vì sao hay viết về cái xưa. Đây là một câu hỏi khá vô nghĩa. Bởi vì cách nhìn vào một chủ đề mới quan trọng. Chứ nhìn vào một chủ thể hiện đại với cách nhìn cũ kỹ thì cũng chẳng có giá trị gì.

Hiện nay người ta giới thiệu Nguyễn Trương Quý là nhà văn kiêm họa sĩ. Như vậy anh quyết định sẽ trở thành họa sĩ chuyên nghiệp phải không?

- Hồi bé, mong ước lớn nhất của tôi là trở thành họa sĩ. Tôi đã học vẽ ở Cung thiếu nhi Hà Nội nhiều năm và đến khi thi đại học, tôi đã lựa chọn giữa trường Mỹ thuật và Kiến trúc, tuy nhiên hai trường lại thi cùng ngày, nên tôi chọn kiến trúc. Thời kỳ học đại học, tôi vẫn thọ giáo tại nhà họa sĩ Phạm Viết Song, một bậc thầy từng học trường Mỹ thuật Đông Dương. Hiện nay, vẽ là một lĩnh vực mà tôi muốn đầu tư thời gian và công sức nhiều hơn để xem giới hạn năng lực của mình ở đâu. Nếu có một sự yêu thích trong cuộc đời để mình thử nghiệm, cũng thú vị chứ!

Tôi có thấy những bức tranh anh chia sẻ trên trang cá nhân thì thường là chủ đề phong cảnh, đường phố Hà Nội, như bức vẽ Ô Quan Chưởng được thiết kế làm bìa cuốn 'Triệu dấu chân qua những cửa ô'?

- Trước đây tôi hay vẽ phong cảnh. Hai năm nay, tôi chuyển sang những đề tài hơi mang tính biểu tượng (symbolic) một chút. Tôi đang vẽ một series chủ đề đối thoại giữa quá khứ, đại diện là những mảnh vỡ của biểu tượng nghệ thuật cổ điển và con người thời hiện đại. Tôi cũng dự định sẽ tổ chức một triển lãm nho nhỏ trong thời gian tới.

Cũng hơi tò mò là vì sao anh không theo nghề kiến trúc sư?

- Tôi thấy nghề kiến trúc chịu quá nhiều khâu tác động nên không thể quyết định tác phẩm của mình được. Một bản thiết kế còn phụ thuộc vào nhà đầu tư, về kinh tế, về thi công… Tôi cũng thấy mình không đủ mạnh mẽ để sống với ngành đó, một ngành rất khắc nghiệt. Có lẽ tôi thấy mình không nằm trong số có thể đi đến cùng lĩnh vực như vậy, nên chọn nghề viết sách, phù hợp hơn.

Về nghiên cứu và sáng tác, sau gần 20 năm, anh thấy mình thay đổi thế nào?

- Bây giờ tôi khắt khe với mình hơn. Tôi nhận thấy các tác phẩm khảo cứu về Hà Nội thường có một hạn chế là không rõ ràng lắm về nguồn trích dẫn. Do đó, tôi cố gắng tránh điều này để viết một cách chính xác nhất có thể, diễn đạt ý của mình cách mạch lạc nhất để người ta không hiểu sai ý của mình. Nghe thế thì tưởng là dễ mà rất khó.

Tôi cũng yêu cái đẹp của sự cân đối, rõ ràng. Điều này có thể ảnh hưởng từ thời gian học ngành kiến trúc. Vì vậy, văn phong của tôi bây giờ thường có chút lý tính. Song tôi cũng rất thích viết những câu chuyện mổ xẻ những tâm trạng thuộc về bản thể sâu kín, những ám ảnh vô thức. Tôi đã khởi sự một tập truyện như vậy gần đây.

Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục thành công với những dự định của mình.

Nguyễn Trương Quý SN 1977 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, Cao học Truyền thông (University of Stirling, UK). Hiện đang viết và vẽ tự do, là giảng viên thỉnh giảng của ĐH Văn hóa; ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 cho Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca

Các sách đã xuất bản:

Tự nhiên người Hà Nội (2004)

Ăn phở rất khó thấy ngon (2008)

Hà Nội là Hà Nội (2010)

Xe máy tiếu ngạo (2011)

Còn ai hát về Hà Nội (2013)

Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013)

Mỗi góc phố một người đang sống (2015)

Ăn quà xuyên Việt & Lê la quà vặt (cùng Đặng Hồng Quân, 2017)

Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (2018)

Kể chuyện Tết Nguyên đán (cùng Kim Duẩn, 2019)

Hà Nội bảo thế là thường (2020)

Triệu dấu chân qua những cửa ô (2022)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm