Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “Khâu quảng bá của bộ phim 21 tỷ rất kém”

(Dân trí) - “Nói thẳng, tôi là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, bạn bè trong lĩnh vực điện ảnh đầy cũng không biết nhiều thông tin về bộ phim. Đến khi đọc báo mới phát hiện hóa ra phim của Thanh Vân xong rồi”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh thẳng thắn chia sẻ.

Trong những ngày vừa qua, dư luận đang xôn xao về bộ phim “Sống cùng lịch sử” được đầu tư kinh phí 21 tỷ đồng mà ra rạp không ai mua vé. Theo anh, vì đâu bộ phim được đầu tư lớn như thế nhưng hiệu quả tuyên truyền bằng không,cũng không bán được vé?

Những ngày qua tôi đọc được quá nhiều thông tin trên báo chí, mạng xã hội, qua bạn bè… xoay quanh bộ phim được đầu tư kinh phí 21 tỷ đồng. Tất cả đều đặt ra câu hỏi, câu hỏi có vẻ rất dễ dàng và đồng lòng: tại sao bỏ một số tiền lớn như vậy mà không bán được vé nào,  hiệu quả ở đâu, ai chịu trách nhiệm?

Tôi thấy câu hỏi này chưa đúng. Trước hết, anh muốn bàn về phim Sống cùng lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân phải bàn ở hai góc độ. Anh phải hiểu đấy là phim gì đã, nội dung như thế nào. Anh chưa hiểu nội dung anh đã vội vàng nói dạng phim mô phỏng, phim cúng cụ… là không được.

Thanh Vân đối với tôi phải nói là đạo diễn hiếm hoi có nhân cách nghệ sĩ đối với cuộc sống. Tài năng là vô cùng nhưng nhân cách là Thanh Vân có. Với một đạo diễn như Thanh Vân nếu kịch bản tốt thì chắc chắn sẽ tốt. Nhưng phải hiểu rằng kịch bản do nhà nước đặt hàng này không phải là kịch bản do Thanh Vân lựa chọn mà kịch bản do Cục Điện Ảnh chọn.

Bây giờ Cục Điện Ảnh đưa ra nguyên liệu như vậy và Thanh Vân phải chấp hành kịch bản ấy, như chấp hành luật pháp. Với nội dung kịch bản như thế thì với đạo diễn tài năng đến mấy cũng không thể thay đổi được gì. Thanh Vân đã từng hé lộ, anh biết với nội dung kịch bản này khó mà được khán giả thích, nhưng anh không thể nói mạnh vì còn rất nhiều ràng buộc…

Theo như tôi biết, nội dung kịch bản có mới mẻ nhưng sự mới mẻ không tới trong khi truyền tải nên bị…giả. Có độ chênh giữa góc nhìn kịch bản và nghệ thuật là gì, anh nói giời nhưng cuối cùng vẫn phải chân thực, câu chuyện thực, cảm xúc thực, xúc động thực. Hai bạn trẻ đi phượt sao lại tự đóng các nhân vật trong cuộc chiến mà không phải nghe cựu chiến binh kể, qua hồi tưởng của họ về toàn bộ cuộc chiến thì sẽ thật hơn…

Tôi thấy khó trách móc đạo diễn vì kịch bản do Cục chọn lựa. Cục lâu nay vẫn lấy tiêu chí đúng là chính, nhưng khán giả lại cần…hay. Đúng mà không hay thì khán giả không thích!

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “Khâu quảng bá của bộ phim 21 tỷ rất kém”

Nhà văn kiêm đạo diễn sân khấu Nguyễn Quang Vinh đã chia sẻ những hạn chế trong cách làm việc của các phim đặt hàng nhà nước

Nói về “thất bại” trong việc tuyên truyền quảng bá bộ phim, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng vì lý do kinh phí quảng bá quá ít ỏi. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

Nói thẳng, tôi là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, bạn bè trong lĩnh vực điện ảnh đầy cũng không biết nhiều thông tin về bộ phim. Đến khi đọc báo mới phát hiện hóa ra phim của Thanh Vân xong rồi.

Đúng là khâu quảng bá của bộ phim rất kém. Và cái kém này có 2 vấn đề. Một, đúng là như Vân nói, kinh phí cho việc quảng bá quá ít. Nói như Vân là “anh may bộ vest mà tiếc mấy cái khuy áo”. Tuy nhiên, cái đó không quan trọng. Có nhiều trường hợp, họ có mất đồng nào đâu mà vẫn quảng bá tác phẩm đến với nhiều công chúng. Ở đây là nghe vài dòng giới thiệu câu chuyện phim, cách làm phim người ta đã chán…

Trên mạng xã hội người ta chì triết cái tên phim, Sống cùng lịch sử. Bản thân cái việc đặt tên đã thấy sự áp đặt, bắt người ta “sống cùng lịch sử”, nếu như người ta không muốn “sống” cùng thì sao? Tất nhiên, tôi biết cái tên phim là do cấp quản lý phía trên thống nhất đặt, không phải quyền của Vân.

Liên quan đến vấn đề làm phim lịch sử, bao lâu nay những phim lớn vẫn “đi vào lối mòn”- được giao cho những đạo diễn tên tuổi như Thanh Vân, Vương Đức, Đặng Nhật Minh… và sẽ vẫn là hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Có ý kiến cho rằng nên để các hãng phim tư nhân tham gia đấu thầu vào việc sản xuất để nâng cao chất lượng các bộ phim nhà nước. Quan điểm của anh thế nào?

Cần phải có đấu thầu. Cần phải có cuộc công khai kịch bản để các đạo diễn trình bày phương án dàn dựng, nêu ý tưởng. Làm như thế thì công bằng hơn. Và người trúng thầu là hãng phim tư nhân hay hãng phim nhà nước không quan trọng mà quan trọng là phim làm hay.

Cảnh trong phim

Cảnh trong phim

Với một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, có bề dày lịch sử như Việt Nam mà cho đến thời điểm này vẫn chưa có bộ phim lịch sử xứng tầm, được sự đón nhận đồng lòng từ nhiều khán giả. Quan điểm của anh về điều này như thế nào?

Phải nói một cách công bằng rằng hiếm có lịch sử nước nào hay như nước mình. Thậm chí Mỹ làm phim chạm vào chút xíu cuộc chiến tranh Việt Nam đã hay như thế, tại sao mình không làm được?

Góc nhìn nhà quản lý và chìa khóa mở của nghệ sĩ đối với tác phẩm nghệ thuật về lịch sử chưa đúng. Chúng ta mới làm được việc là minh họa lịch sử nhưng mà lại minh họa theo cách của chúng ta, nó không khách quan. Vì sao Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh một thời lại hay như thế vì nó có mảng sáng- tối. Mình cứ chiến đấu- chiến thắng, thua thì “lờ” đi…Góc nhìn lịch sử của mình không khách quan, trung thực.

Thứ hai là chúng ta quá nghèo, mỗi việc dựng bối cảnh đã không giống. Nói chung kinh phí làm phim là cả một vấn đề. Vấn đề nữa, nói thì các bạn diễn viên mủi lòng: vì sao phim nước ngoài mình xem mãi không chán nhưng phim Việt Nam kể cả phim nhựa lẫn phim truyền hình, cứ bật và giây biết ngay là…diễn.

Trước, nước nhà có thế hệ diễn viên diễn rất hay vì các anh chị có thời gian. Chị Trà Giang mất 6 tháng trời đi làm cô nông dân còn hiện tại, hôm nay nhận kịch bản mai đã vào vai cô nông dân rồi. Nói như thế để thấy những tồn tại của điện ảnh nước nhà chứ không phải để đổ hết lên đầu diễn viên vì họ không có thời gian. Cát- sê cũng không đủ nuôi sống họ trong khoảnh thời gian dài đầu tư cho vai diễn.

Và vấn đề thứ ba là, không khí ngày xưa khác, cứ có phim là xem nhưng giờ khán giả có quá nhiều lựa chọn. Phim hay dở khán giả biết ngay và họ sẽ chọn bộ phim họ thích.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên phim trường thực hiện Sống cùng lịch sử

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên phim trường thực hiện "Sống cùng lịch sử"

Vậy theo anh, từ bộ phim “Sống cùng lịch sử” để tìm hướng đi cho phim lịch sử nước nhà, chúng ta phải làm gì?

Cần phải có cuộc ngồi lại với nhau của các nhà quản lý, đại diện nghệ sĩ, đại diện khán giả…để nhẹ nhàng nói với nhau câu này: điện ảnh Việt Nam đang ở mức thấp lắm. Các bạn cứ hay tưởng tượng nên trong đề án phát triển đến năm 2020 đứng thứ một Châu Á là điều quá xa vời…Nói như một diễn viên “Đời người phải biết mình là ai”. Vì thế, những phim quan trọng về lịch sử nhà nước cần bỏ tiền thuê để có dấu ấn, rồi đạo diễn trong nước đi theo…

Chúng ta kinh phí không nhiều thì nên đi theo hướng của Iran, họ biết sức yếu kinh tế không có, họ đi vào những lát cắt thân phận cực kỳ đau đớn, sâu sát của đất nước họ. Chỉ làm về một thân phận, làm thật kỹ, thật ám ảnh…chắc chắn ra thế giới sẽ rất có ý nghĩa, sẽ được đón nhận.

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm