Nhà văn Lê Lựu: “Tôi không cần ai thương hại”

(Dân trí) - Đang sống trong những tháng ngày bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm với 14 thứ bệnh, chuyện buồn quá khứ đè nặng, nhưng nhà văn Lê Lựu bảo: "Sau khi các báo viết bài, nhiều người tìm đến vì nghĩ tôi khổ, cần tiền... Tôi không cần ai thương hại".

Có những người tìm đến nơi nhà văn Lê Lựu đang sống, "hòng” ghi lại “cái khổ” mà nhà văn lão làng đang trải qua trong cuộc đời. Người ta tưởng ông sẽ rất cô đơn, nghèo khổ và yếu ớt. Nhưng phải tự mình gặp gỡ và trò chuyện mới thấy sự kiên cường, khát vọng sống của một nhà văn cả đời cầm bút.

Ở tuổi 71, trải qua 5 lần tai biến mạch máu não, nhà văn Lê Lựu vẫn nhớ mặt, thuộc tên từng người, kể cả những người mới gặp lần đầu. Ông vẫn đọc báo, xem tivi, dùng điện thoại di động để liên lạc. Mang trong mình tới mười bốn thứ bệnh, nhưng ông không tỏ vẻ bi quan mà ngược lại luôn có niềm tin vào cuộc sống.

Ông kể: “Ngày nào cũng vậy công việc hàng ngày của tôi đều giống nhau, nhưng không hề buồn tẻ, thức dậy bắt đầu từ 5 giờ sáng, đầu tiên là việc tập thể dục; sáng đi bộ một vòng, chiều thì ba; bốn vòng quanh xóm. Với bệnh tình của mình không những khiến tôi ngủ ít mà còn phải có chế độ ăn uống theo yêu cầu của bác sĩ, ngày phải ăn nhiều rau, thịt cá thì hạn chế và việc tiêm thuốc, uống thuốc cũng phải đúng giờ”.
 
Nhà văn Lê Lựu: “Tôi không cần ai thương hại”

Nhà văn Lê Lựu nói: “Mỗi ngày phải có người xoa bóp một tiếng, không thì hai cái chân nó dính lấy nhau, không đi được. Tôi bị tai biến mạch máu não, lần này là lần thứ năm, rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến… Tất cả là 14 bệnh”. Nhìn thân hình tiều tụy, lê tấm thân nặng nề đè lên chiếc nạng khiến ai trông thấy cũng không khỏi xót xa.

Tuy vậy, một ngày của nhà văn không đơn thuần là quanh ra quẩn vào chiếc giường bệnh để uống thuốc. Ông vẫn làm việc, tiếp khách bình thường. Nhiều tác phẩm của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân vẫn cần qua tay ông để xử lý, nhiều mối quan hệ tâm giao tìm đến với ông để có được sự chia sẻ quý báu. Một tuần 2 lần, cứ 9 rưỡi sáng là ông đều trực tiếp chủ trì cuộc họp tại cơ quan cũng là nơi ở của mình.

Nhà văn Lê Lựu: “Tôi không cần ai thương hại”


Lê Lựu giờ sống một cuộc đời nhưng tồn tại bên trong là năm con người: người công dân bình thường; một nhà văn luôn đau đáu trăn trở, một “con bệnh”, một kẻ bất hạnh và một người nổi tiếng.

Khi hỏi về sự nghiệp của mình, ông nói: “Sự nghiệp văn chương của mình không có gì là đồ sộ, chỉ tầm hơn 20 tác phẩm. Thế là ít so với nhiều người”. Nhà văn Lê Lựu có những tác phẩm nổi tiếng đã được dựng thành phim như “ Sóng ở đáy sông”, “ Thời xa vắng”... Từ năm 2010 đến nay, ông xuất bản 3 cuốn sách - "Thời loạn", "Ở quê ngày ấy" và "Gã dở hơi". Hỏi ông định viết gì trong thời gian tới, nhà văn trả lời, nếu có viết, ông sẽ viết về bà vợ cũ.

Nhiều người nói, Lê Lựu là một số phận cay đắng, bi thương của kiếp người cầm bút cả những khi ở trên đỉnh cao của sự sáng tạo. Ông có một người con với người vợ đầu, và hai con với người đàn bà thứ hai. Nhưng giờ chẳng biết họ ở đâu, làm gì. Chỉ biết ông luôn kể về các con với tâm thức của một người cha già hoài niệm về những ký ức đẹp.

Lê Lựu không trách cứ gì số phận mà chỉ đau đáu và suy nghĩ làm sao được về quê thắp hương cho ông bà tổ tiên. Nhà văn kể, bà vợ đầu của ông không cho ông về quê để thắp hương tổ tiên. Rớm nước mắt, ông nói “Đến tôi mà còn thấy bất công thì xã hội này sẽ còn nhiều đắng cay đến thế nào? “.
 
Nhà văn Lê Lựu: “Tôi không cần ai thương hại”

Có những người tìm đến nơi ở của nhà văn Lê Lựu để thăm nom, cho tiền vì nghĩ rằng giờ ông khổ lắm. Tuy nhiên, hiện tại ông sống khá đầy đủ về vật chất. Ông có lương hưu, có tiền từ việc viết sách và những khoản tích góp từ trước đến giờ. Trong công việc, bên cạnh ông luôn có những người bạn đồng nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ. Về sinh hoạt có các cán bộ trung tâm bên cạnh. Ông nói: “Đúng là tôi có thiếu thốn so với nhiều người nhưng chỉ thiếu mái ấm gia đình”.

Có lẽ những khó khăn và những vụ kiện tụng xảy đến với mình, Lê Lựu đã “đề phòng hơn” với những người mà ông tiếp xúc. “Nhiều người tìm đến vì nghĩ tôi khổ, cần tiền ủng hộ nhưng tôi không cần ai thương hại. Tôi cũng từ chối những lời đề nghị chụp ảnh về cuộc sống của tôi. Tôi thấy mình trong những bức ảnh cũng thật đáng thương hại. Với tôi điều mong mỏi lớn nhất là mong được trở về căn nhà tổ tiên ở Hưng Yên để được thắp một nén hương cho ông bà, mà không bị ai cản trở…”, nhà văn Lê Lựu ngậm ngùi chia sẻ.

 
Thiên Lam