Nhà văn gốc Việt vào vòng chung kết giải thưởng lớn của Pháp

(Dân trí) – Tiểu thuyết “Lame de fond” (Sóng ngầm) của nhà văn người Pháp gốc Việt Linda Lê đã được hội đồng trao giải văn học Goncourt của Pháp đưa vào danh sách bốn tác phẩm lọt vào vòng chung kết.

Đây là giải thưởng văn học uy tín nhất nước Pháp. Lễ trao giải sẽ được tổ chức ở Paris vào ngày 7/11 tới đây. Giải Goncourt đã được trao thường niên kể từ năm 1903 dành cho những tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất của năm. Phần thưởng giành cho người thắng cuộc chỉ mang ý nghĩa tượng trưng với 10 Euro (tương đương 260.000 tiền Việt) nhưng danh tiếng mà giải thưởng này đem lại cho người thắng cuộc sẽ mở ra một con đường thênh thang trong sự nghiệp văn chương cho tác giả. Thường sau đó, các cuốn sách do tác giả nhận giải viết ra đều được bán rất chạy.

Từ 8 nhà văn được vào vòng bán kết, Linda Lê là một trong 4 tác giả xuất hiện ở vòng chung kết.


Từ 8 nhà văn được vào vòng bán kết, Linda Lê là một trong 4 tác giả xuất hiện ở vòng chung kết.

Những tác phẩm văn học của Linda Lê đã từng được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha. Tại Việt Nam, những cuốn đã được xuất bản gồm có "Sự dịu dàng của Ma cà rồng”, "Tình ca ác quỷ", "Phúc âm tội ác", "Vu khống", "Lại chơi với lửa" và "Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh”.

Những nhà văn đã đi cùng cô trong suốt những năm tháng tuổi thơ và sau này để lại nhiều dấu ấn trong phong cách sáng tác của Linda Lê là Hugo và Balzac. Phong cách của cô không ồn ào mà âm thầm tự khẳng định giá trị trong lòng độc giả. Ngòi bút của Linda Lê được đánh giá là tinh tế, khắt khe, cổ điển với khả năng phân tích sắc sảo, kế thừa tinh hoa của dòng văn học cổ điển trong thế kỷ 17 với khả năng “chơi đùa với ngôn từ” như Moliere.

“Sóng ngầm” của Linda Lê xoay quanh bốn nhân vật: Văn, Lou (vợ văn), Laure (con gái của Văn và Lou), Ulma (người tình muộn và cũng là cô em gái cùng cha khác mẹ của Văn). Sau khi qua đời vì một tai nạn xe hơi, khi nắp quan tài đã đóng lại, người đàn ông chưa đầy 50 tuổi này bắt đầu nhìn lại cuộc đời mình. Khác với những tác phẩm trước đây không được xác định bối cảnh thời gian, tron g“Sóng ngầm”, Linda Lê bối cảnh là cuộc sống đương đại với giọng điệu mang tính châm biếm, mỉa mai đặc trưng mà độc giả chỉ có thể tìm thấy ở Moliere.

Các nhân vật trong “Sóng ngầm” đều thể hiện một phần tính cách, nội tâm của tác giả và nó thể hiện kín đáo mong muốn kết nối với quê hương Việt Nam của một nhà văn xa xứ. Văn, nhân vật chính của truyện, ngoài vợ con, anh chỉ còn hai người bạn chí cốt là Rachid và Hugues, hai “tri kỷ” là rượu và thuốc lá. Văn không còn mối liên hệ nào với Việt Nam từ năm anh 18 tuổi, sau khi mẹ đẻ Văn qua đời. Anh chỉ tìm thấy bóng dáng quê hương trong một vài quán ăn Việt ở Paris và cái tên Việt của chính mình.

Tác phẩm Lame de fond (Sóng ngầm) của Linda Lê lọt vào vòng chung kết giải Goncourt.


Tác phẩm Lame de fond (Sóng ngầm) của Linda Lê lọt vào vòng chung kết giải Goncourt.

Linda Lê không chỉ được độc giả Pháp yêu mến mà còn được giới phê bình của Pháp công nhận với hàng loạt những giải thưởng như Giải Tài năng Vocation, Giải Renaissance dành cho truyện ngắn, Giải Fénéon, Giải Prix Femina và giải nhất Grand Prix do Viện Hàn lâm nghệ thuật Pháp trao tặng. Cách đây 2 năm, cô cũng là chủ nhân của Giải Wepler trị giá 10.000 euro. Năm nay, nữ văn sĩ đang này đang là gương mặt đầy triển vọng và là một ẩn số bất ngờ tại giải Goncourt.

Linda Lê sinh năm 1963 ở Đà Lạt, mẹ là người Pháp, cha là kỹ sư người Việt. Tuổi thơ sống trong thời kỳ chiến tranh, cô đã từng cùng cha mẹ đi sơ tán, những chuyến đi như thế đã để lại trong Lê nhiều ký ức về chiến tranh. Những ký ức đó đối với một tâm hồn nhạy cảm đã trở nên ám ảnh và thường xuất hiện trong những trang văn của cô sau này dưới nhiều dạng thức khác nhau. Nhiều nhà phân tích văn học nhận thấy trong tác phẩm của Lê luôn có bóng dáng Việt Nam hồi giữa thế kỷ 20 với những hình ảnh đau thương và sự ám ảnh dữ dội.

Trong những tác phẩm của Lê, người ta thấy xóa nhòa ranh giới giữa tự sự cá nhân và tác phẩm hư cấu, giữa chất Pháp và chất Việt, giữa cá nhân tác giả và số phận nhân vật. Tại Pháp, có không ít những nhà văn gốc Việt đã nhận được sự yêu mến của độc giả Pháp và hình thành nên một “khu vực địa lý” trong văn đàn Pháp có tên Francophone Vietnamese Literature (Văn học Pháp của nhà văn gốc Việt).

 
Bích Ngọc
Theo Zapaday