Nhà văn Đào Thắng qua đời
(Dân trí) - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thông tin nhà văn Đào Thắng qua đời tối 22/4 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.
Trên trang cá nhân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Tôi có nhiều thời gian làm việc với nhà văn Đào Thắng ở Hội Nhà văn Việt Nam. Ông ít nói. Tôi chưa thấy ông tham gia vào bất cứ câu chuyện phiếm nào ở cơ quan. Ông đơn giản, hiền lành và lặng lẽ nhưng luôn đi đến tận cùng trong những trang viết của mình".
Theo thông tin từ ông Nguyễn Chính - con trai nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Đào Thắng qua đời sau 6 năm chiến đấu với bệnh tim.
Nhà văn Đào Thắng tên đầy đủ là Đào Đình Thắng, sinh ngày 10/8/1946 tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông từng là lính pháo binh ở tuyến lửa khu 4, mặt trận Đường 9, Quảng Trị.
Ông từng giữ chức Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó làm việc ở Ban Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam. Ông kết hôn với con gái nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
Trong sự nghiệp cầm bút, ông sở hữu nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang như: Điểm cao thành phố, Nước mắt, Đất xanh, Dọc miền Trung, Tiếng vọng Đồng Lộc, Huyền thoại Truông Bồn...
Trong đó, nổi bật hơn cả là tiểu thuyết Dòng sông mía viết về vùng nông thôn Bắc Bộ. Tác phẩm giúp ông được giải A cuộc thi tiểu thuyết 2003 - 2005 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Giải thưởng này cũng giúp ông Thắng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.
Sinh thời, nhà văn Đào Thắng từng thổ lộ, ông viết Dòng sông mía bằng tất cả tình yêu dành cho quê hương vùng chiêm trũng của mình. Cái thiện và cái đẹp của đồng bằng Bắc Bộ sau bao nhiêu thăng trầm thời cuộc bỗng dưng xáo trộn hết, biến tướng hết. Ông muốn cảnh tỉnh nguy cơ người tốt không có chỗ dung thân, còn kẻ ác nhởn nhơ và chà đạp cuộc sống nông thôn.
Khi đọc tiểu thuyết Dòng sông mía, nhà thơ Trần Mạnh Hảo không chút ngần ngại để ca tụng: "Tiểu thuyết của Đào Thắng như tiếng nấc của con sông Châu Giang vậy! Con sông này bị bóp cổ, bị chặn đứng dòng chảy, nó nấc lên âm thầm trong đất.
Tiếng nấc ấy phả vào tâm hồn con người, rồi cất lên ở những trang văn của những người con đất Hà Nam. Tôi đã nghe tiếng con sông Châu Giang nấc lên rất đau đớn trong thơ Nguyễn Khuyến, trong văn Nam Cao, nay lại được nghe tiếng nấc của con sông này trong văn Đào Thắng".
Còn nhà thơ Lê Tuấn Lộc cũng nhận xét, cuốn tiểu thuyết Dòng sông mía đầy chất hồi tưởng và kỷ niệm quê nhà non nước Hà Nam.
Sinh thời, nhà văn Đào Thắng bày tỏ: "Văn chương cũng giống như các ngành nghệ thuật khác, có hoạt động quần chúng, nghiệp dư và chuyên nghiệp.
Luyện trí, luyện tài, luyện tâm để làm một cây bút chuyên nghiệp, thật khó. Tự vật lộn, tự vươn lên để có một tác phẩm mang tính chuyên nghiệp cao, càng khó hơn. Tức là cái tác phẩm ấy sống với mình được, sống với người khác được, sống ở nơi này nơi kia cũng được. Làm nghề văn, chúng ta cần rạch ròi như vậy".