Nhà thơ Giang Nam không được xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa về trường hợp của tác giả bài thơ "Quê hương".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông xác nhận với phóng viên Dân trí về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã gửi văn bản tới Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) tỉnh Khánh Hòa về trường hợp của nhà thơ Giang Nam.
Văn bản do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký ghi rõ: Ngày 27/1/ 2022, Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Bộ VH,TT&DL đề nghị hướng dẫn trường hợp xét đặc biệt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam.
Trước đó, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất với các cấp có thẩm quyền xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đối với tác giả bài thơ Quê hương.
Căn cứ Luật Thi đua khen thưởng; Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 1/10/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, không có hình thức xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đối với các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình của các tác giả.
Văn bản cũng ghi rõ, hiện nay công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021 đã hoàn thành. Bộ VH,TT&DL, cơ quan thường trực hội đồng cấp Nhà nước đang hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với các tác phẩm, cụm tác phẩm của nhà thơ Giang Nam, Sở VH-TT Khánh Hòa hướng dẫn tác giả đăng ký xét tặng Giải thưởng trong đợt xét kế tiếp.
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929 tại xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông tham gia Việt Minh từ tháng 8/1945, làm công tác thông tin tuyên truyền ở xã rồi lên tỉnh làm Phó trưởng ty Thông tin Khánh Hòa.
Sau 1954 ông hoạt động ở miền Nam, làm Phó ban Tuyên huấn Khánh Hòa, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, ủy viên tiểu ban Văn nghệ Trung ương cục, trưởng ngành văn. Có thời gian làm Trưởng tiểu ban văn nghệ, ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định.
Từ 1975, ông từng làm đại biểu Quốc hội khóa VI, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III. Tổng biên tập báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Hiện ông nghỉ hưu và sống ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Nhà thơ Giang Nam là tác giả các tác phẩm nổi tiếng được giảng dạy trong nhà trường như các bài thơ: Quê hương, Nghe em vào đại học, Tiếng nói Việt Nam...
Ngoài thơ, ông còn sáng tác văn xuôi chủ yếu là truyện, truyện ngắn. Các bút danh: Giang Nam, Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh (sử dụng trên báo chí công khai xuất bản ở miền Nam từ 1955 đến 1960).
Ông từng được tặng thưởng giải nhì về thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961 (bài thơ Quê hương), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về thơ (tập thơ Quê hương), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Quê hương
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ? "
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi...
***
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
***
Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi!
Giang Nam