Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, tứ thơ vào cõi vô thường

Phương Nhung

(Dân trí) - Tối muộn, ngày 19/11, tôi vừa ăn xong thì nhận được điện thoại của nhà thơ Trần Vũ Long: "Chú Đoàn Xuân Hòa mất rồi". Trần Vũ Long chỉ nói được câu ấy và khóc.

Anh gác máy. Tôi bần thần, không tin điều vừa xảy ra. Nước mắt tôi, cũng chảy. Điều người thân, bạn bè không ai tin, đớn đau lại là sự thật.

Nhà thơ của "Một khúc miền Trung" đã ra đi vào cõi mênh mông, lúc 16h29 phút, tại Bệnh viện Hữu Nghị, mới sau hơn một tháng nhập viện. Nếu tính cả "tuổi mụ", anh mới 68 tuổi, còn biết bao dự định với gia đình, với thơ, với bạn bè.

Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa quê gốc Triệu Phong, Quảng Trị nhưng sinh ra và lớn lên trên đất Đô Lương, Nghệ An. Mới vào Đại học Bách khoa năm đầu, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn quyết định. Đoàn Xuân Hòa nhập ngũ.

Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, tứ thơ vào cõi vô thường - 1

Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa (1954 - 2019). Ảnh: Ngô Đức Hành.

Ngày 27/5/1972, người lính trẻ Đoàn Xuân Hòa, lên đường hành quân ra trận, tham gia Chiến dịch Quảng Trị. Trong những năm tháng chiến đấu tại đây, nhiều đồng đội của anh đã anh dũng ngã xuống.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Đoàn Xuân Hòa ra quân, quay về học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1979, khi xảy ra Chiến tranh Biên giới, Đoàn Xuân Hòa tái ngũ. Lần làm lính thứ hai của anh kéo dài thêm 6 năm. Đến năm 1985, anh ra quân khi đang mang quân hàm Thượng úy.

Đối với anh, đó là những năm tháng không bao giờ quên. Sau này anh viết: "Sống sót qua chiến tranh/ Với cha là đã lãi/ Bao bạn bè nằm lại/ Thay cha làm cỏ xanh", (Nói với con về tổ ấm).

Ít người để ý bài thơ theo phong cách đồng dao này của anh. Nó không chỉ là "Nói với con về tổ ấm" mà là thông điệp về chiến tranh, về hòa bình.

Chiến tranh chưa bao giờ là trò đùa. Nó như là một "tuyên ngôn" của anh về lẽ sống: trân trọng ân nghĩa, tình cảm đồng đội; biết sống để không làm nhòe mờ quá khứ, không hổ thẹn với đồng đội, đồng chí đã nằm lại trên chiến trường.

Thậm chí, dám chiến đấu với những điều ngang trái để bảo vệ phẩm giá, lý tưởng của những người đồng đội đã ngã xuống trên chiến hào.

Mảng thơ thế sự thời "hậu chiến" của Đoàn Xuân Hòa, có lẽ được giải thích bằng nỗi đau lắng mình của nhà thơ, khi anh từng ở giữa làn ranh của sự sống và cái chết. Anh là một phần "nhân chứng" của chiến tranh.

Đây chính là nguyên nhân, thơ Đoàn Xuân Hòa, dẫu viết về đương đại, hôm nay, luôn luôn được soi chiếu vào hôm qua. Đây là điều, lý giải vì sao, thơ Đoàn Xuân Hòa luôn ám ảnh "hậu chiến".

Trăn trở với quá khứ, dấn thân vì hiện tại và khát vọng gửi tương lai, nên Đoàn Xuân Hòa nâng niu, đau đáu phận người. Con người quê kiểng nhẫn nại và chất phác, vô tư và hồn hậu, chật vật kiếm sống. Họ làm ta xúc động đến xót xa: "Ai mua than tổ ong đây!/ Những tổ ong không mật/ Lời rao cong dáng lưng gò gập/ Bánh xe lăn nghiêng ngả thị thành" (Lời rao than tổ ong). Những câu thơ như có góc cạnh, xù xì, sắc bén cứa vào trái tim người đọc. Tình thương ứa máu chảy tràn ra ngoài thành câu chữ.

Đoàn Xuân Hòa không chỉ giàu phẩm chất thi sĩ trong thơ mà trong cuộc sống, anh đam mê và dấn thân đến tận cùng. Anh có cách giao đãi, sống với bạn bè đầy chất tử tế. Tinh khiết và dâng hiến. Anh nâng niu tình cảm, thủy chung với bạn bè.

Còn nhớ lần anh rời Hà Nội từ lúc 3 giờ sáng, vào Nghệ An, dự định ban đầu là dự lễ khánh thành tư gia của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhưng không may, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đột quỵ, buổi tân gia thành cuộc viếng thăm người bệnh. Lại có lần anh nhảy xe đò vào Nghệ An dự lễ ra mắt "Tuyển thơ Thạch Quỳ", tan cuộc lại nhảy tàu ra Hà Nội ngay trong đêm đó. Bữa ấy, rất nhiều tham luận, nhưng người yêu thơ xứ Nghệ ấn tượng với "tham luận vo" của Đoàn Xuân Hòa.

Trong khuôn viên của lễ ra mắt, người ta thấy Đoàn Xuân Hòa nói về thơ của thầy dạy học của anh, nhà giáo Vương Đình Huấn, tức nhà thơ Thạch Quỳ, với một tình cảm tri ân, rưng rức xúc động. Hai thầy trò, hai nhà thơ ôm nhau trên sân khấu sau khi Đoàn Xuân Hòa phát biểu xong là một hình ảnh đẹp của tình thầy trò và tình thi hữu.

Cổ nhân để lại lời dạy "Văn học là nhân học". Nhưng ngẫm cho cùng, văn thơ chỉ là một phần của người, phần hồn, phần tinh túy của tâm hồn. Tất nhiên có thơ hay và thơ không hay, cái đó lại còn thuộc tài năng của mỗi người. Đoàn Xuân Hòa đã cho người đọc nói chung và bạn yêu thơ nhận diện ra thêm một phần tinh túy, khác biệt. Hơn 15 năm trước, nhà thơ xuất bản một tập thơ có một cái tên ấn tượng: "Lửa không cần trang phục".

Ai đã đọc tập thơ này, và các tập thơ gần đây của anh, như "Bơi cùng sóng bạc đầu" hay "Thơ chọn", (in chung với Vương Cường) sẽ càng hiểu thêm con người nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, và thêm một lần khẳng định: "Thơ là người". Lửa đẹp ở sự thật, mang lại cảm xúc từ sự thật, không cần trang phục, phấn son.

Đoàn Xuân Hòa cũng có những bài thơ viết về miền Trung hết sức gan ruột. Thì anh quê miền Trung mà, không lẫn vào đâu được. Thơ anh có chất hào sảng của núi rừng và dạt dào của biển cả.

Có thể nói, trong số những tác gia sáng tác về miền Trung thành công, Đoàn Xuân Hòa có mặt với thi phẩm Một khúc miền Trung: ".../ Tôi đi dọc con đường gió Lào thổi ngang lưng / Một nửa mình hun màu đồng đỏ / Một nửa mình xanh gió trùng khơi / Một nửa con đường cát tung lửa về trời / Một nửa con đường rừng hứng vào trưa nắng / Một nửa dòng sông chất đầy sấm biển / Một nửa dòng sông mọng mưa rừng Tây" (Một khúc miền Trung).

Sáng 20/11, tôi cùng nhà thơ Trần Vũ Long có mặt tại tư gia nhà thơ Đoàn Xuân Hòa. Anh vừa nằm xuống, trước đó chưa lâu. Mẹ anh, Lê Thị Mười, người con gái gốc Huế năm xưa nay đã 89 tuổi.

Cụ và các con, em nhà thơ Đoàn Xuân Hòa vừa đi ngay trong đêm từ Đông Hà (Quảng Trị) ra Hà Nội. Nhìn bà, tôi nhớ câu ca xưa "Lá vàng còn ở trên cây / Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời". "Hòa còn hứa với mẹ, mong qua dịch Covid-19, cuối năm nay về tôn tạo lại Lăng mộ gia tiên", bà nói với tôi và sụt sùi.

Chị Thanh Bình, vợ nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, gầy, hai hốc mắt đen quầng, ngơ ngác. "Vẫn biết, anh bệnh nặng, tiên liệu xấu, nhưng không nghĩ anh ra đi", mắt chị ngân ngấn.

Những ngày cuối cùng, chị cho biết nhà thơ Đoàn Xuân Hòa vẫn lạc quan, yêu đời, hứa với chị: "Sau đợt điều trị này về nhà sẽ bỏ hết rượu, bia, thuốc lá". Chỉ có mấy ngày cuối cùng, anh lo âu, nói với chị: "Sao anh ốm nặng thế này" và nói với chị "Rất mệt". Dẫu vậy, anh vẫn động viên chị, lo lắng chị đổ bệnh vì thương anh.

Sau khi đất nước thống nhất, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa trở lại Đại học Bách khoa Hà Nội học tập, gặp chị, người con gái xinh đẹp quê Nghi Lộc (Nghệ An) mà nên duyên vợ chồng.

Chị không quên những hoạt động thời sinh viên, anh Đoàn Xuân Hòa là Lớp trưởng, còn chị là Bí thư Chi đoàn. "Xuân Hòa là tên anh / Bất hòa cũng là anh / Cứ như rừng cháy dở / Nửa đỏ và nửa xanh/ Thanh Bình là tên em / Bất bình cũng là em / Quanh năm như biển vậy / Dữ dằn rồi dịu êm" (Anh và em).

Sống và làm việc có trách nhiệm với đời, với thơ, với gia đình. Đó là chân dung Đoàn Xuân Hòa. Trước khi nghỉ hưu, anh là Chuyên viên Cao cấp, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và Ngành nghề nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đoàn Xuân Hòa có cuộc sống thanh bạch. Anh luôn lo lắng giữ nếp nhà. "Cha thế chấp đời mình / Dấu trong từng mạch vữa / Viên gạch hồng màu lửa / Lặng nói lời tri âm / Cứ bằng lòng đi con / Nhà mình là chiếc tổ / Bay xa rồi hội ngộ / Nối xưa và mai sau" (Nói với con về tổ ấm).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong dòng thông báo về sự ra đi của nhà thơ Đoàn Xuân Hòa đã viết: "Và ông là một trong ít người chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ họ là những người đã sinh trước tôi cả trăm năm. Đấy chính là cách sống của họ, cách họ xử sự với những người ít hơn tuổi họ, cách xử sự của những nhân cách đối với con người trong đời sống.

Ông cũng là một trong không nhiều những người cầm bút mà tác phẩm và con người là một khối đồng nhất. Ông sống thế nào thì thơ ông hiện lên như thế. Và thơ ông chính là văn bản chính xác của tâm hồn ông: Nhân ái và khát vọng".

Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa đã "chọn" ngày 19/11, đúng Rằm tháng 10 Tân Sửu - một ngày đặc biệt, "trái đất che khuất mặt trăng lâu nhất, 580 năm mới có một lần... để trở về vũ trụ..." để về cõi mênh mông.

Nơi đó, anh gặp lại các nhà thơ Hoàng Trần Cương, Võ Thanh An, Nguyễn Trọng Tạo.... Chắc chắn ở đó, các nhà thơ xứ Nghệ lại thao thức, "sóng đổ vào vầng trán sóng đầy hơn" (thơ Đoàn Xuân Hòa), tiếp tục cống hiến.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm