Nhà thơ đầu tiên của Việt Nam nhận giải thưởng danh giá Cikada

(Dân trí) - Những tác phẩm của nhà thơ Ý Nhi rất phù hợp với tiêu chí và hoàn toàn xứng đáng được vinh danh với giải thưởng Cikada.

Đó là chia sẻ của ông Lars Vargo, Chủ tịch Ban giám khảo giải thưởng Cikada của Thuỵ Điển trong buổi lễ trao giải cho nhà thơ Hoàng Thị Ý Nhi tối 30/11.

Nhà thơ Ý Nhi nhận giải thưởng Cikada 2015 từ tay bà Camilla Mellander, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Nhà thơ Ý Nhi nhận giải thưởng Cikada 2015 từ tay bà Camilla Mellander, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Thơ của Ý Nhi là tiếng nói thâm trầm nhưng mạnh mẽ và tuyệt đẹp về sự quan trọng của cuộc sống và giá trị của con người được trải nghiệm cuộc sống, ông Lars Vargo nhận xét (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Thơ của Ý Nhi là tiếng nói thâm trầm nhưng mạnh mẽ và tuyệt đẹp về sự quan trọng của cuộc sống và giá trị của con người được trải nghiệm cuộc sống, ông Lars Vargo nhận xét (Ảnh: Quỳnh Nguyên)

Cikada là giải thưởng văn học ra đời từ năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson - người từng nhận được giải thưởng Nobel văn học 1974.

Tiêu chí của giải thưởng là "ghi nhận những đóng góp thông qua các vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống". Không ít nhà thơ từng nhận giải thưởng Cikada cũng đã được đề cử giải Nobel văn học danh giá.

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Camilla Mellander, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam cho biết: "Thơ của Ý Nhi đã được chuyển ngữ và đến với bạn độc Thuỵ Điển qua ấn phẩm của NXB Tranan tại Stockholm. Nhờ có những vần thơ tuyệt vời của bà và một số nhà thơ Việt Nam khác, người dân đặc biệt là người yêu thơ Thuỵ Điển có được cái nhìn sâu sắc về Việt Nam, văn hoá và đặc biệt là đời sống tinh thần của người Việt Nam”.

Nhà thơ Ý Nhi: “Đây là một niềm vui bất ngờ, mà như mọi người đều biết, một niềm vui bất ngờ bao giờ cũng giàu cảm xúc hơn một niềm vui ta biết rằng sẽ đến.” (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Nhà thơ Ý Nhi: “Đây là một niềm vui bất ngờ, mà như mọi người đều biết, một niềm vui bất ngờ bao giờ cũng giàu cảm xúc hơn một niềm vui ta biết rằng sẽ đến.” (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Tập thơ Till: igar in bằng tiếng Thụy Điển trong đó có 8 bài thơ của nhà thơ Ý Nhi
Tập thơ Till: igar in bằng tiếng Thụy Điển trong đó có 8 bài thơ của nhà thơ Ý Nhi

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Thật đáng tự hào. Trước đó, giải thưởng Cikada chỉ được trao cho các nhà thơ Đông Á: 3 nhà thơ Nhật Bản, 3 nhà thơ Hàn Quốc và 1 nhà thơ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên, một nhà thơ Đông Nam Á được nhận giải thưởng cao quý này”.

Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội còn cho biết thêm, cách đây đúng 6 năm, vào năm 2009 ông là một trong những người đứng ra tổ chức dịch thơ của các nhà thơ Việt Nam sang tiếng Thụy Điển. Trong số 12 nhà thơ đương đại được giới thiệu thì có nhà thơ Ý Nhi với 8 bài thơ. Đây là một sự ghi nhận của các nước Bắc Âu.

Nhà thơ Ý Nhi nhận tác phẩm nghệ thuật gốm của nghệ nhân nổi tiếng người Thuỵ Điển Gunilla Sundstrom (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Nhà thơ Ý Nhi nhận tác phẩm nghệ thuật gốm của nghệ nhân nổi tiếng người Thuỵ Điển Gunilla Sundstrom (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Bạn bè, người thân đến tham dự buổi lễ trao giải với nhà văn (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Bạn bè, người thân đến tham dự buổi lễ trao giải với nhà văn (Ảnh: Quỳnh Nguyên)

Điều đó chứng tỏ thơ vẫn có người đọc, chỉ có ích cho một người, thơ đã xứng đáng để tồn tại. Và những nhà thơ đích thực, họ rất cần phải sống cuộc đời con người và lao động nghệ thuật hết mình”, nhà phê bình nhấn mạnh.

Thông tin đến độc giả, tại lễ trao giải nhà thơ Ý Nhi được trao bằng chứng nhận giải thưởng, 20.000 krona Thụy Điển (tương đương 52,7 triệu đồng) và tác phẩm nghệ thuật gốm của nghệ nhân nổi tiếng người Thuỵ Điển Gunilla Sundstrom.

Truyện ngắn như sự tiếp nối từ thơ…

Thâm trầm và sâu sắc, đó là cảm nhận chung về nhà thơ Ý Nhi trong cuộc chia sẻ riêng với PV báo Dân trí. Nữ thi sĩ 71 tuổi bộc bạch: “Với tôi, giải thưởng này không chỉ là sự vinh danh mà một khích lệ, một nhắc nhở, hơn thế, một ràng buộc. Bởi vậy, lúc này trong lòng tôi không chỉ có niềm vui mà có cả nỗi lo âu, khi nghĩ đế những gì mình còn cần phải làm”.

Dường như, một con người thơ với bản năng sống mãnh liệt, khao khát tự do, hạnh phúc vừa mới được đánh thức. Nói vậy bởi, từ năm 2000 bà đã không còn viết thơ nữa, thay vào đó tập truyện ngắn “Có gió chuông sẽ reo” như một sự tiếp nối…

Quỳnh Nguyên