Nhà nghiên cứu cổ vật Lê Gia: "Tin vào đồ, không tin vào người"
(Dân trí) - Tọa đàm "Hành trình hồi hương cổ vật Việt Nam" nằm trong khuôn khổ Ngày hội "Tóc xanh Vạt áo" lần 3 thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Ngày hội Tóc xanh Vạt áo lần 3 nằm trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa "Sóng đôi" 2023, diễn ra vào ngày 23/4 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Quận 1) thu hút khoảng 3.000 người tham gia trực tiếp.
Sự kiện do Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM phối hợp tổ chức.
Tóc xanh Vạt áo mùa thứ 3 quy tụ 15 đơn vị làm văn hóa với tổng cộng 18 gian hàng trải nghiệm. Những đơn vị tham gia đều có chuyên môn riêng, tạo nên bức tranh đa màu sắc trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
TS. Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) phát biểu: "Tôi xúc động và tự hào khi thấy được nhiều bạn trẻ có sự hăng say nghiên cứu về văn hóa dân tộc tại ngày hội. Trước sự phát triển khoa học kỹ thuật, áp lực từ xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa, đòi hỏi những người yêu mến, nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống như chúng tôi phải quyết tâm hơn nữa trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc".
Trong khuôn khổ của ngày hội, Ban Tổ chức còn tổ chức buổi Tọa đàm "Hành trình hồi hương cổ vật Việt Nam", với sự tham gia của Nhà nghiên cứu cổ vật Lê Gia.
Theo Lê Gia, gia đình ông có truyền thống sưu tầm cổ vật đã 3 đời nay. Những món cổ vật cho ông hiểu hơn về các giá trị lịch sử. Cổ vật ở từng thời kỳ, triều đại có những nét đặc trưng, điêu khắc khác nhau.
"Bản thân tôi may mắn khi từ nhỏ đã được tiếp xúc và tìm hiểu về các món đồ cổ. Từ đó, tích góp thêm những kiến thức và thẩm mỹ chuyên môn về cổ vật. Nghiên cứu và sưu tầm cổ vật là một hành trình càng tìm hiểu càng say mê. Mỗi món cổ vật đều có câu chuyện ý nghĩa và khó khăn phía sau", Lê Gia nói.
Nhà nghiên cứu Lê Gia cho biết, có những món cổ vật ông phải đợi chờ suốt 2 năm mới được sở hữu. Sự khó khăn trong quá trình sưu tầm không chỉ phụ thuộc vào kinh tế của mỗi cá nhân mà còn đến từ việc cạnh tranh giữa những nhà sưu tầm cổ vật.
Đối với các bạn trẻ có hứng thú sưu tầm cổ vật, Lê Gia dành lời khuyên: "Nếu là một nhà sưu tầm bạn phải nắm rõ nguyên tắc "tin vào đồ, không tin vào người". Trước khi bỏ tiền để mua một món cổ vật, bạn phải tìm hiểu rõ về gốc gác và nguồn gốc một cách cẩn thận".
Bạn Nguyễn Thị Thúy Vy (SN 1999) chia sẻ khi được tham dự buổi tọa đàm: "Tôi rất hứng thú khi được ngắm nhìn những cổ vật có giá trị mang đậm văn hóa lịch sử được trưng bày. Có thể thấy cách điêu khắc trên các món cổ vật ở từng thời kỳ đều có những đặc trưng riêng biệt. Nhờ tham gia những ngày hội thế này, những người trẻ như tôi có cơ hội được tìm hiểu và tiếp cận nhiều hơn về văn hóa lịch sử dân tộc".