Nhà hàng “tịch thu” điện thoại để gia đình thực sự bên nhau

(Dân trí) - Một chuỗi nhà hàng đã vừa ra thông báo sẽ “tịch thu” điện thoại của những gia đình ghé quán dùng bữa. Tất cả chỉ để các thành viên trong gia đình thực sự dành thời gian cho nhau, quan tâm, trò chuyện với nhau trong bữa ăn.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chuỗi nhà hàng Frankie & Benny tại Anh đã trở thành chuỗi nhà hàng đầu tiên ở quốc gia này ra lệnh cấm sử dụng điện thoại di động khi các thành viên trong gia đình cùng nhau dùng bữa tại quán. Nhân viên cửa hàng sẽ cất điện thoại của khách vào trong hộp các-tông.

Chiến dịch “No Phone Zone” (Vùng không điện thoại) bắt đầu được chuỗi cửa hàng tiến hành từ cuối tháng 11. Để trải nghiệm của khách hàng thêm phần ý nghĩa, họ sẽ miễn phí phần ăn của trẻ nhỏ trong những gia đình tham gia chiến dịch.

Động thái này được Frankie & Benny tiến hành sau một khảo sát mới được họ thực hiện. Kết quả cho thấy 7/10 trẻ nhỏ ước mong rằng cha mẹ của các em sẽ sử dụng điện thoại ít hơn và sẽ tập trung hơn khi ở bên con.

Khảo sát cho thấy 1/10 trẻ nhỏ (khoảng 8%) đã từng có lần giấu điện thoại của cha mẹ đi để có thể nhận được sự quan tâm của cha mẹ nhiều hơn. Khoảng 15% trẻ nhỏ cảm thấy cha mẹ “nghiện” điện thoại đến mức tưởng như thích điện thoại hơn là nói chuyện với con.

Nhà hàng “tịch thu” điện thoại để gia đình thực sự bên nhau - 2


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính từ khảo sát này mà chuỗi nhà hàng Frankie & Benny mới quyết định thực hiện “No Phone Zone”, khi khách hàng là các gia đình dùng bữa tại tiệm, nhân viên của cửa hàng sẽ đề nghị khách đưa điện thoại của họ bỏ vào trong hộp các-tông. Những gia đình nào hợp tác thực hiện, trẻ nhỏ sẽ được dùng bữa miễn phí.

Chuỗi nhà hàng Frankie & Benny có tổng cộng 250 nhà hàng nằm trên khắp nước Anh. Theo chia sẻ của chuỗi nhà hàng, chiến dịch “No Phone Zone” là cách để họ gia tăng nhận thức của khách hàng trong việc trân trọng và tận hưởng thời gian bên gia đình.

Chiến dịch rất thu hút sự quan tâm chú ý này sẽ được tiến hành tới ngày 7/12. Khi các gia đình tới Frankie & Benny dùng bữa, họ sẽ còn được mời chơi những trò chơi tại bàn ăn, chẳng hạn như tô tượng, vẽ tranh… để có thêm thời gian vui vẻ bên nhau trước và sau bữa ăn.

Việc giao điện thoại cho nhân viên cửa hàng không phải việc bắt buộc và khách hàng có thể tùy ý lựa chọn. Nếu nhận được sự hợp tác của đông đảo khách hàng, chuỗi nhà hàng này cho biết họ sẽ có những kế hoạch triển khai dài lâu.

Nhà hàng “tịch thu” điện thoại để gia đình thực sự bên nhau - 4


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khảo sát tiến hành đối với 1.500 trẻ em và phụ huynh còn cho thấy rằng 56% trẻ em tại Anh muốn được nói chuyện nhiều hơn với cha mẹ. Theo đó, thời gian mà các em cảm thấy rõ nhất rằng điện thoại khiến cha mẹ phân tâm, chính là trong giờ ăn tối, có tới 46% trẻ nhỏ chia sẻ về điều này.

Đứng thứ hai, là thời điểm gia đình cùng nhau đi xem phim ngoài rạp hay cùng nhau xem tivi, cha mẹ lại “lúi húi” với điện thoại (29 trẻ nhỏ than phiền về điều này); đứng thứ ba là khi cả gia đình đang tận hưởng kỳ nghỉ cùng nhau (24%).

Chuyên gia trong lĩnh vực gia đình - bà Susan Atkins chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong một guồng quay bận rộn, chuyển động nhanh 24/7 và không ngừng kết nối mạng.

“Trừ phi chúng ta chủ ý ngưng những điều đó lại, còn không, đa phần chúng ta không tránh khỏi những điều này, đó là lý do tại sao ngày càng nhiều người cảm thấy trân trọng những lúc gia đình ngồi lại với nhau, ăn uống và trò chuyện, không mải mê với điện thoại.

“Cha mẹ là hình mẫu trong mọi việc đối với con cái, trong cả nói và làm, vì vậy, hãy quản lý thời gian sử dụng điện thoại của mình, bằng cách đó họ sẽ dạy cho các con của mình về văn hóa dùng điện thoại”.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tế, các bậc phụ huynh cũng thường cảm thấy có lỗi vì thói quen sử dụng điện thoại của mình, có tới 77% phụ huynh chia sẻ rằng họ cảm thấy thời gian mình dùng điện thoại là khá nhiều; 67% phụ huynh thừa nhận rằng đã có những lúc điện thoại trở thành “kẻ xen ngang” khi họ ở bên gia đình.

26% phụ huynh có thói quen kiểm tra điện thoại trong bữa ăn; 23% phụ huynh “check” điện thoại khi đang trò chuyện với con; 7% thậm chí còn xem điện thoại khi đang lái xe chở con.

Bích Ngọc
Theo Telegraph/Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm