Nhà đầu tư vào Hãng phim: "Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Bộ VH,TT&DL"

Phương Bảo

(Dân trí) - Trước những bức xúc của một số nghệ sĩ về việc đổ nát, hoang tàn của Hãng phim truyện Việt Nam sau 7 năm cổ phần hóa, phía nhà đầu tư của Hãng phim lên tiếng...

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Danh Thắng, Phó TGĐ Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam (VFS) - nhà đầu tư mua cổ phần tại Hãng phim truyện Việt Nam cho hay, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về Hãng phim vào tháng 9/2018, phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã nhiều lần làm việc với nhà đầu tư nhưng sự việc "chưa đâu vào đâu".

Nhà đầu tư vào Hãng phim: Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Bộ VH,TTDL - 1

Những dãy nhà đóng cửa im lìm khiến nhiều người xót xa (Ảnh: Toàn Vũ).

"Lần gần đây nhất là gần cuối năm 2022, Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ VH,TT&DL có làm việc với chúng tôi, nhưng sự việc chưa rõ ràng và chưa có kết luận gì. Kết luận của Thanh tra Chính phủ là đồng ý cho nhà đầu tư thoái vốn trước thời hạn, nhưng Bộ VH,TT&DL lại muốn thu hồi vốn, lấy lại cổ phần. Chúng tôi muốn thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, được thoái vốn theo luật", Ông Nguyễn Danh Thắng cho hay.

Phó TGĐ Tổng Công ty Vivaso cho biết thêm, khi nhà đầu tư mua cổ phẩn Hãng phim truyện Việt Nam là muốn khôi phục lại các hoạt động, mong Hãng phim phát triển, đem lại lợi nhuận, chứ không phải đầu tư "cho vui".

Ông Thắng cho biết thêm, hạ tầng đổ nát, xập xệ của Hãng phim đã có trước khi nhà đầu tư mua cổ phần. Chính vì thế, doanh nghiệp vào để muốn xây dựng lại cơ sở vật chất, thiết bị, con người.

Nhà đầu tư vào Hãng phim: Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Bộ VH,TTDL - 2

Sân của Hãng phim truyện Việt Nam hiện là bãi giữ xe cho các hộ dân gần đó (Ảnh: Toàn Vũ).

"Khi chúng tôi đầu tư, xây dựng thì nhiều người ngăn cản không cho hoạt động. Khi đó, Bộ VH,TT&DL giao cho Công ty làm bộ phim Người yêu ơi, nhưng nghệ sĩ lại làm đơn lên Bộ kiến nghị không cho thực hiện.

Muốn phát triển được thì phải làm dự án để hoạt động, được Nhà nước cho phép làm nhưng nhiều năm nay cứ kiện cáo, ồn ào dẫn đến nhiều lùm xùm phía sau nên Hãng phim đang cầm chừng", Ông Thắng chia sẻ.

Khi được hỏi: "Một số ý kiến cho rằng, nhà đầu tư mua cổ phần Hãng phim là có mục đích kinh doanh đất đai, bất động sản vì khu đất này luôn được mệnh danh là "đất vàng", anh nghĩ gì?".

Ông Nguyễn Danh Thắng nói: "Khu đất này được giao cho Hãng phim để phát triển văn hóa, làm phim. Đất của Nhà nước, muốn đầu tư làm gì phải được Nhà nước cho phép, không phải muốn làm gì cũng được. Không phải cứ có cổ phần là được đầu tư bất động sản được".

Trước đó, vào năm 2016, sau nhiều lần thông báo, Hãng phim truyện Việt Nam đã tìm được cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso. Với 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược. Vivaso hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6/2017.

Tuy nhiên, vào tháng 9/2017, Vivaso đã nhận sự phản ứng dữ dội của các nghệ sĩ đã và đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ đã ký vào lá đơn kêu cứu gửi lên Hội điện ảnh, Bộ VH,TT&DL liên quan đến việc điều hành của lãnh đạo Vivaso. 

Tháng 9/2017 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu cho thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam.

Ngày 20/9/2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về công tác cổ phẩn hóa tại Hãng phim. Tuy nhiên từ đó đến nay, những bất cập trong quá trình thanh tra vẫn chưa được xử lý dứt điểm, khiến anh em nghệ sĩ bức xúc kéo dài.

Ngày 15/3/2023, tại sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam, NSND Trà Giang đã khóc trên sân khấu Nhà hát Lớn, Hà Nội khi nhắc về Hãng phim Việt Nam.