Nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL lên tiếng về thực trạng Hãng phim truyện VN
(Dân trí) - NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL chia sẻ với PV Dân trí: "Nên giải quyết sớm vụ việc này. Đừng để một địa chỉ văn hóa nằm trên đất vàng bao năm qua bị "đắp chiếu", người ta cười cho".
Liên quan đến việc hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng về thực trạng ở Hãng phim truyện Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) bày tỏ sự đau xót cho nghệ sĩ và nền điện ảnh nước nhà.
"Hãng phim truyện Việt Nam nằm trên khu đất vàng tại số 4 Thụy Khuê, là nơi được coi là "cánh chim đầu đàn" của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Nơi sản xuất ra hàng trăm tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, là cái nôi trưởng thành của bao thế hệ nghệ sĩ, nhưng ngày càng hoang tàn đổ nát như vậy thì thật sự quá đau xót", NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ.
Ông cũng cho hay, cơ quan quản lý, nhà đầu tư muốn thay đổi, chuyển đổi hay sử dụng với bất cứ mục đích gì cũng cần có sự thống nhất, rõ ràng, không nên chỉ trên văn bản.
"Nên giải quyết sớm vụ việc này cho xong đi. Đừng để một địa chỉ văn hóa nằm trên đất vàng Thủ đô mà bao năm qua bị "đắp chiếu", người ta cười cho. Một bộ mặt của điện ảnh Việt Nam, một địa chỉ văn hóa mà để hoang tàn, mục nát thì làm hỏng những giá trị của Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa", NSND Lê Tiến Thọ thẳng thắn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cũng chia sẻ thêm, những đơn vị cổ phần hóa phải có chương trình hoạt động, xây dựng đề án và hướng phát triển như thế nào mới cổ phần hóa được. Phải chăm lo cho đời sống nghệ sĩ, chăm lo cho công việc sáng tạo.
"Đó là mong mỏi của những người anh em lãnh đạo cũ như chúng tôi, ai cũng nghĩ, ai cũng muốn điện ảnh - một loại hình nghệ thuật rất năng động trong xã hội ngày nay sẽ phát triển.
Hoặc nếu không thì có quyết định giải tán tên "Hãng phim truyện Việt Nam" đi, coi như xóa danh hiệu đó và xây dựng danh hiệu khác, tạo ra hướng phát triển mới. Không nên để hết năm này qua năm khác, im lặng và không có cách giải quyết như vậy được", NSND Lê Tiến Thọ nói.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam ở Nhà hát Lớn, Hà Nội, NSND Trà Giang đã rơi nước mắt khi nói về thực trạng của Hãng phim truyện Việt Nam.
"Cách đây vài ngày, tôi từ TPHCM ra Hà Nội và đã đến Hãng phim. Nơi từng có 600 anh chị em văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân làm việc, từng sản xuất hàng chục phim mỗi năm, giờ đổ nát, hoang tàn không thể tưởng tượng nổi. Một người hơn 80 tuổi như tôi thấy vậy rất đau lòng.
Tôi có cảm giác sự quan tâm của các lãnh đạo đối với văn hóa nói chung và các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng dường như chỉ thể hiện trên văn bản, các hội nghị, lễ kỷ niệm. Cách quan tâm thiết thực nhất là tạo điều kiện cho nghệ sĩ làm việc, tạo môi trường cho họ đoàn kết để phản ánh hiện thực cuộc sống", NSND Trà Giang nói.
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam đồng cảm với tâm tư của NSND Trà Giang. Ông cho biết, 7 năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim - đơn vị từng được coi là cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh.
"Tới hôm nay, số phận và tương lai của hãng vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không có lương hằng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp", Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam nói.
Ông Hùng Tú mong các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ở Hãng.
Trước đó, NSƯT Vũ Đình Thân rưng rưng khi phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam tại Hội Điện ảnh Hà Nội. "Trong 70 năm chúng tôi đã đóng góp tới 50 năm phục vụ. Câu chuyện về hãng phim vẫn là niềm trăn trở của người ở lại và cả những người đã nghỉ", NSƯT Vũ Đình Thân nói. Sau khi Hãng cổ phần hóa, "ông cố vấn" Vũ Đình Thân và các đồng nghiệp hằng năm không có chỗ trở về họp mặt.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VH,TT&DL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội...
Sự việc bắt đầu từ năm 2016, khi đơn vị chào mời cổ phần hóa. Với 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược. Sau nhiều lùm xùm, Vivaso hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6/2017.
Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.
Sau đó, công ty vận tải thủy Vivaso xin thoái vốn. Tuy nhiên, sau bốn năm, quá trình này chưa hoàn tất.
Tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.
Mâu thuẫn giữa cán bộ, nhân viên hãng phim và chủ đầu tư dâng cao, khiến Bộ VH,TT&DL phải cử thanh tra hòa giải. Tuy nhiên, đến nay, công ty vận tải thủy Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng.