Nhà bia, khu văn hóa lưu niệm - địa chỉ “đỏ” vẫn nằm trên giấy

(Dân trí) - Sau hàng chục công văn, tờ trình ngược xuôi lên xuống giữa các cấp, các ngành và địa phương, trong đó khẳng định ý nghĩa quan trọng của Di tích lịch sử Cách mạng ghi dấu một thời vàng son của Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Khu văn hóa lưu niệm được xem như là địa chỉ “đỏ” về nguồn cho các thế hệ mai sau vẫn còn nằm trên giấy...

>> Về thăm lại “cái nôi” của Văn nghệ Việt Nam

Nơi ghi dấu một thời vàng son

Làng Quần Tín, xã Thọ Cường (Triệu Sơn, Thanh Hóa) là ngôi làng có bề dày lịch sử, được hình thành từ trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây chính là địa danh lịch sử. Từ những năm 1947-1954 là trụ sở làm việc của Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam cũng như một số nhà quân sự, chính trị lỗi lạc. Cũng chính ngôi làng này là “cái nôi” của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Di tích lịch sử Cách mạng làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn
Di tích lịch sử Cách mạng làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn

Mặc dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng bao năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy xã, đại diện cho chính quyền và nhân dân xã Thọ Cường luôn nung nấu tâm huyết về một công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc - đó là Nhà bia tưởng niệm và ghi danh đội ngũ văn nghệ sỹ kháng chiến thời kỳ 1947-1954.

Những tập hồ sơ, tài liệu luôn được bà trân trọng, giữ gìn như giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa về một ngôi làng có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng. Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, năm 2009, UBND huyện Triệu Sơn đã có tờ trình về việc xin xây dựng Nhà bia tưởng niệm tại làng Quần Tín. Trong đó khẳng định Quần Tín là làng có bề dày lịch sử, hình thành từ trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Trong kháng chiến chống Pháp, làng là địa danh lịch sử, từ năm 1947-1954 là trụ sở làm việc của Hội VHNT Việt Nam cũng như một số nhà quân sự, chính trị lỗi lạc.

Tại ngôi làng này, Đại học Văn hóa - Trường Văn hóa nghệ thuật đầu tiên được mở, do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Các giảng viên của trường như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tôn Quang Phiệt, giáo sư Đào Duy Anh.

Ngoài ra, còn có các nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn tham gia giảng dạy như: Cụ Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Tố Hữu, “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn...

Từ ngôi trường này, nhiều học viên đã thành đạt, trở thành những người nổi tiếng trên các lĩnh vực, như: Đồng chí, Phan Diễn - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Mạnh Cầm - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Giáo sư, họa sĩ Vũ Giáng Hương - Chủ tịch UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Vũ Tú Nam - Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; Hoàng Trung Thông - Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; Thanh Hương - TBT Báo Phụ nữ Việt Nam; các giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Trần Văn Giàu, cùng nhiều nhà văn, nhà thơ như: Minh Huệ, Cẩm Lai, Lưu Quý Kỳ, Vũ Huyền Sao, Việt Hùng, Việt Hải, Hồng Chương, Hữu Loan, Phan Văn Vịnh...

Xưởng Mỹ thuật Liên khu IV được thành lập ở Quần Tín do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như: Nguyễn Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Như Hoành... Xưởng đã tổ chức sáng tác tranh sơn mài, thử nghiệm tranh in khắc đá màu và điêu khắc...

Đặc biệt, Quần Tín còn là nơi gia đình Hoàng thân Xu-Va-Nu-Vông (Lào) đã được bà con trong làng che chở, bảo vệ an toàn trong thời gian lưu trú tại làng từ tháng 2/1950-2/1951.

Năm 2009, UBND huyện Triệu Sơn đã tiến hành khảo sát và cho lập dự toán thiết kế xây dựng Nhà bia với kinh phí 706 triệu đồng. Tuy nhiên do chưa có vốn nên công trình chưa được tiến hành. Đến năm 2011, UBND huyện Triệu Sơn tiếp tục làm Tờ trình gửi Bộ VH,TT&DL về việc xin xây dựng Nhà bia tưởng niệm.

Cũng trong thời kỳ này, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã có công văn gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và phía tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất về chủ trương và đề nghị Đoàn chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng Khu văn hóa lưu niệm tại làng Quần Tín.

Giếng tiên nằm trong quần thể khu di tích
Giếng tiên nằm trong quần thể khu di tích

Năm 2012, UBND xã Thọ Cường tiếp tục có tờ trình số 35 về việc xây dựng Nhà bia, Khu văn hóa lưu niệm. Nội dung tờ trình nêu, trong những năm qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân trong xã đã chung sức, đồng lòng tổ chức vận động hiến đất mở đường giao thông. Đồng thời, vận động các hộ hiến đất làm Nhà bia, Khu văn hóa lưu niệm tại làng Quần Tín.

Không nói, cũng có thể hiểu nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ, nhân dân xã Thọ Cường về khu văn hóa phục vụ nhân dân và làm địa chỉ “đỏ” về nguồn cho các thế hệ mai sau. Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương đã được đáp lại phần nào khi năm 2013, địa điểm Khu lưu niệm Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (thời kỳ 1947-1954), làng Quần Tín đã được xếp hạng Di tích lịch sử Cách mạng cấp tỉnh.

Di tích bị “lãng quên”, người dân mong mỏi một Nhà bia tưởng niệm

Mặc dù khẳng định ý nghĩa dấu ấn một thời vàng song và là nơi hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng như là “cái nôi” của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Tuy nhiên, đã có hàng chục tờ trình, công văn lên xuống giữa các cấp, các ngành, địa phương về vấn đề xây dựng Nhà bia, Khu văn hóa lưu niệm.

Cũng không ít những bức thư ngỏ của các nhà văn, nhà thơ, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước từng một thời “nếm mật, nằm gai” và được bà con nhân dân Quần Tín chở che, bày tỏ mong muốn Khu văn hóa lưu niệm được xây dựng để làm địa chỉ về nguồn không chỉ nhưng người từng hoạt động tại đây mà cho con cháu mai sau hướng về.

Bản thiết kế Nhà bia tưởng niệm và ghi danh đội ngũ văn nghệ sỹ kháng chiến thời kỳ 1947-1954
Bản thiết kế Nhà bia tưởng niệm và ghi danh đội ngũ văn nghệ sỹ kháng chiến thời kỳ 1947-1954

Tuy nhiên, đến thời điểm này, đáp lại những mong mỏi, nỗ lực của chính quyền, nhân dân chỉ dừng lại ở quyết tâm, chỉ đạo trên giấy. Do tổng mức đầu tư Khu văn hóa lưu niệm lên đến hàng chục tỷ đồng, nên trước mắt, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Thọ Cường, nên đầu tư xây dựng Nhà bia tưởng niệm và ghi danh đội ngũ văn nghệ sỹ kháng chiến thời kỳ 1947-1954.

Dự toán thiết kế công trình đã được lập với kinh phía đầu tư gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, với điều kiện của địa phương và nhân dân thì đây là số tiền không hề nhỏ. Mặc dù đã có nhiều người mong muốn ủng hộ khi công trình được xây dựng.

Qua tài liệu cho thấy, lần chỉ đạo gần đây nhất của UBND tỉnh Thanh Hóa là tại công văn 131, ngày 6/9/2014, thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Vương Văn Việt tại buổi làm việc về dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Cách mạng Hội VHNT Việt Nam tại làng Quần Tín.

Qua đó, một lần nữa, tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Khu Di tích lịch sử Cách mạng Hội VHNT Việt Nam làng Quần Tín, xã Thọ Cường là nơi hoạt động của các nhà văn, nhà thơ, các bậc tiền bối của Hội VHNT Việt Nam giai đoạn 1947-1954, ghi dấu một thời vàng son của Hội VHNT Việt Nam. Do vậy cần phải được bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo để tưởng niệm, tôn vinh và phát huy giá trị.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu đánh giá hiện trạng, xác định các hạng mục cần bảo tồn, các hạng mục xây mới, quy mô, phạm vi di tích, đảm bảo yếu tố gốc, không phá vỡ không gian, cảnh quan di tích. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương (chống xuống cấp di tích và xây dựng nông thôn mới) và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Đồng thời, giao chủ đầu tư là Sở VH,TT&DL bổ sung, hoàn chỉnh dự án trước ngày 15/9/2014; xin ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, tổng hợp, hoàn thiện dự án, gửi ngành chức năng thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/9/2014.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án nêu trên vẫn “án binh bất động”. Còn hiện trạng Di tích lịch sử Cách mạng làng Quần Tín có hiện tượng xuống cấp, thay đổi…

Trăn trở của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị

Trong lá thư gửi Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường, ông Nguyễn Mạnh Cầm - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cũng bày tỏ trăn trở về việc xây dựng Nhà bia lưu niệm tại làng Quần Tín.

Di tích lịch sử Cách mạng đang bị lãng quên
Di tích lịch sử Cách mạng đang bị lãng quên

Hơn 60 năm trước, ông đã từng có dịp về làng Quần Tín, học tập và hoạt động tại đây. “Trong hơn 60 năm qua, ký ức của tôi về Quần Tín là ký ức về một vùng quê nghèo, có lịch sử đáng trân trọng và đặc biệt là có những con người với tấm lòng rộng mở, vui vẻ đón tiếp và sẵn sàng chia sẻ cuộc sống với những người từ xa đến sống giữa những năm tháng kháng chiến ác liệt. Và không phải ngẫu nhiên mà thời kỳ đó, các nhà văn hóa lớn, các văn nghệ sỹ nổi tiếng của đất nước từ giã Thủ đô và các thành phố lớn về tụ họp và hoạt động tại đây cho đến ngày kháng chiến thắng lợi”, ông Nguyễn Mạnh Cầm chia sẻ.

“Tôi biết chị (bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường) rất trăn trở về vấn đề Nhà bia nên rất thương chị. Việc này đáng ra chị không phải lo vì nhiệm vụ chị đã quá nặng nề và chị đã rất cố gắng để đáp ứng tín nhiệm của Đảng và nhân dân đối với chị. Hơn nữa, nỗ lực của các anh, chị ở địa phương đã mang lại thành công bước đầu là được công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử Cách mạng, còn xây dựng Nhà bia là trách nhiệm của cơ quan Trung ương có liên quan. Có lẽ do hoàn cảnh chung còn khó khăn nên họ giải quyết chậm”, ông Nguyễn Mạnh Cầm chia sẻ thêm.

Trong tình cảnh đó, ông Nguyễn Mạnh Cầm mong muốn: “Làng nên xây dựng Nhà văn hóa truyền thống làm nơi sinh hoạt cộng đồng và đón khách về thăm (vì nhà văn hóa đã xuống cấp). Với ý tưởng đó, tôi xin gửi qua chị một món tiền nhỏ 25 triệu đồng ủng hộ làng Quần Tín, xem là sự tri ân tình cảm mà dân làng đã dành cho tôi”.

Qua đây, ông cũng mong rằng, sẽ có nhiều cá nhân và tổ chức, các con cháu của những người đã từng ở Quần Tín trong sự đùm bọc chở che của dân làng, những người có tâm huyết và tình cảm với Quần Tín sẽ đóng góp, ủng hộ Quần Tín - Thọ Cường có thêm nguồn để phát huy nét đẹp văn hóa, truyền thống cách mạng của một địa phương xứng đáng được tôn vinh…

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm