Về thăm lại “cái nôi” của Văn nghệ Việt Nam

(Dân trí) - Có một ngôi làng ở vùng quê của xứ Thanh - nơi đây là “cái nôi” và là nơi che chở cho nhiều nhà chính trị, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, học giả “cây đa cây đề” thuộc cánh chim đầu đàn của Văn nghệ Việt Nam thời kháng chiến...

Ngôi làng chúng tôi muốn nhắc đến đó chính là làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi đây chỉ cách thành phố Thanh Hóa khoảng 30km, là nơi được xem là “cái nôi” của Hội văn nghệ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Giếng Tiên ngay ở đầu làng Quần Tín.
Giếng Tiên ngay ở đầu làng Quần Tín.

Nhìn làng quê yên bình này, ít ai biết rằng nơi đây từng là nơi sinh hoạt, học tập từ năm 1947 đến 1954 của rất nhiều nhà chính trị, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, học giả “cây đa cây đề” là những cánh chim đầu đàn của Văn nghệ Việt Nam, là “cái nôi” của Văn nghệ kháng chiến. Với phương châm thực hiện khẩu hiệu ba không: Không nghe, không biết, không thấy, nhân dân làng Quần Tín đảm bảo bí mật tuyệt đối góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. 

Sau Cách mạng tháng tám đến 9/1953, làng Quần Tín thuộc xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân; từ tháng 10/1953 đến tháng 2/1965, thuộc xã Thọ Cường, huyện Thọ Xuân. Từ năm 1965 đến nay, làng Quần Tín, thuộc xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn.

Trước ngôi làng có giếng nước thiêng, tương truyền do cô Tiên gánh một bên là núi Ngọc, một bên là núi Nưa bị “vọc” sỉa chân thành giếng. Dưới đáy giếng vẫn còn nguyên hình gót chân cô tiên in trên khối đá dưới đáy. Giếng nước là nơi các văn nghệ sĩ, các học giả đã tắm mát trong bảy năm liền.

Khởi nguồn tên làng Quần Tín từ thế kỷ XIV, Bình Định Vương Lê Lợi hành quân qua và nghỉ lại tại làng đã được dân làng đón tiếp, chu cấp lương thảo. Ban đêm vua Lê Lợi được Thần hoàng làng báo mộng rằng: “Sáng sớm nhà ngươi ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng nào thì tiến quân về hướng ấy, ắt thắng trận”. Qủa đúng như vậy, khi thắng trận quay về, nhà vua sắc phong, ban thưởng đặt tên cho làng là Quần Tín, có nghĩa là “nơi hội tụ của niềm tin”.

Nước giếng vẫn trong xanh.
Nước giếng vẫn trong xanh.

Tại ngôi làng này, trường Đại học Văn hóa - trường Văn hóa nghệ thuật đầu tiên được mở, do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Địa điểm trường học tại ngôi đình làng và ngôi trường của Tổng Tam Lộng (trường dạy đồng ấu của làng nhường làm nơi cho khóa học Văn hóa Kháng chiến). Các giảng viên của trường là các nhà văn, nhà lý luận nổi tiếng như: Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tôn Quang Phiệt, giáo sư Đào Duy Anh.

Ngoài ra, còn có các nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn tham gia giảng dạy như: Cụ Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Tố Hữu, “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn...

Nhiều học viên của trường đã thành đạt, trở thành những người nổi tiếng trên các lĩnh vực, như: Đồng chí, Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Mạnh Cầm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Giáo sư, họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; nhà văn Vũ Tú Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; Hoàng Trung Thông, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; Thanh Hương, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam; các giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Trần Văn Giàu, cùng nhiều nhà văn, nhà thơ như: Minh Huệ, Cẩm Lai, Lưu Quý Kỳ, Vũ Huyền Sao, Việt Hùng, Việt Hải, Hồng Chương, Hữu Loan, Phan Văn Vịnh...

Nhiều nhà chính trị, văn nghệ sỹ từng hoạt động tại làng Quần Tín chụp ảnh lưu niệm (Ảnh tư liệu).
Nhiều nhà chính trị, văn nghệ sỹ từng hoạt động tại làng Quần Tín chụp ảnh lưu niệm (Ảnh tư liệu).

Năm 1949, xưởng Mỹ thuật Liên khu IV được thành lập ở Quần Tín do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như: Nguyễn Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Như Hoành... Xưởng đã tổ chức sáng tác tranh sơn mài, thử nghiệm tranh in khắc đá màu và điêu khắc...

Người dân làng Quần Tín ngày ấy đã nhường cơm, sẻ áo cho thầy trò trường Đại học Văn hóa đầu tiên. Ngoài công tác giảng dạy và hoạt động, các tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, các nhà chính trị cùng làm ruộng, đi rừng, trồng sắn…với bà con nhân dân. Đây thực sự là cái nôi ươm mầm tài năng cho chính trị, quân sự, văn học và nghệ thuật của đất nước.

Đặc biệt, Quần Tín còn là nơi gia đình Hoàng thân Xu-Va-Nu-Vông đã được bà con trong làng che chở, bảo vệ an toàn trong thời gian lưu trú tại làng từ tháng 2-1950 đến tháng 2-1951. Nhiều ngôi nhà ngày ấy vẫn được bà con Quần Tín bảo vệ.

Đình, đền, trường làng của Quần Tín trước kia đều là nơi làm việc, nơi ở, lớp học của các văn nghệ sĩ, chính trị gia. Nhiều gia đình đã tự nguyện nhường nhà, nhường phòng, chở che, đùm bọc, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ và các nhà chính trị hoạt động.

Ở chính ngôi làng Quần Tín, nhiều tác phẩm Văn học nghệ thuật nổi tiếng sống mãi với thời gian đã được sáng tác như: “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Phá đường” của Tố Hữu... ; hay các tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng của xưởng Quần Tín như: Cái bát (Tình quân dân) - sơn mài của Nguyễn Sĩ Ngọc, tranh in đá về Du kích Cảnh Dương của Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Hạnh phúc - phù điêu đắp nổi của Nguyễn Thị Kim...

Ngày 31/1/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định công nhận làng Quần Tín là “Di tích lịch sử cách mạng” cấp tỉnh. Địa điểm khu lưu niệm Hội văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 -1954) làng Quần Tín thuộc Di tích lịch sử Cách mạng.

Ngôi nhà ông Lê Văn Tuấn, làng Quần Tín, xã Thọ Cường từ là khu vực đặt xưởng Mỹ thuật Liên khu IV.
Ngôi nhà ông Lê Văn Tuấn, làng Quần Tín, xã Thọ Cường từ là khu vực đặt xưởng Mỹ thuật Liên khu IV.

Quần Tín là cái nôi đầu tiên của Hội văn học Nghệ thuật là tiền thân của Ủy ban toàn quốc các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, là thủ đô văn hóa kháng chiến. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Phải có nhà bia, nhà văn hóa xã, khuôn viên cây xanh, có nơi cho văn nghệ sĩ các thế hệ đi về cội nguồn...”.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường cho biết: “Xã đã lập quy hoạch xây dựng nhà bia, khu văn hóa lưu niệm làng Quần Tín. Đã có 11 hộ trong xã, nơi có văn nghệ sĩ ở ngày xưa đã tình nguyện hiến đổi 7.000m2 đất để xây dựng Khu quy hoạch Di tích Quần Tín (khu vực 1). Xã cũng đã dành vị trí xây dựng nhà bia. Ngoài ra, một số ngôi nhà cổ của các gia đình cũng được đưa vào kế hoạc bảo tồn. Đến thời điểm này mọi thủ tục, hồ sơ đã xong, chỉ còn chờ nguồn vốn đầu tư. Nhân dân trong xã rất mong muốn có một Khu lưu niệm để bà con tưởng nhớ về một thời hào hùng của dân tộc ta".

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh - Chủ tịch UB toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam từng khẳng định: “Việc xây dựng nhà bia là vô cùng cần thiết, chúng ta phải chung tay xây dựng một khu văn hóa kháng chiến xứng tầm để tri ân cho nhân dân Quần Tín đã nhường cơm, sẻ áo các văn nghệ sỹ suố trời. Chúng ta phải nghĩ đến nhân dân, phải có nhà bia, nhà văn hóa xã, khuôn viên cây xanh, có nơi cho văn nghệ sỹ các thế hệ đi về lâu dài, trở về cội nguồn của họ”.

Duy Tuyên