Nhà báo Hàm Châu từng nghĩ mình sẽ thượng thọ 106 tuổi

(Dân trí) - Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cho rằng, lúc sinh thời, nhiều anh em bạn bè, đồng nghiệp và cộng sự khuyên nhà báo Hàm Châu nên viết hồi ký hoặc di chúc nhưng ông cho rằng mình đang khoẻ và có thể sống đến 106 tuổi nên chưa phải vội.

Nhắc đến nhà báo Hàm Châu, người ta nghĩ ngay đến một cây viết am tường và sâu sắc về giới trí thức và khoa học thời đại. Trong số nhiều nhà khoa học Việt Nam đương thời, có người còn gọi ông là “bách khoa thư” về các nhà khoa học Việt Nam.

Trong suốt quãng đời làm báo, ông đã dành toàn bộ tâm sức và thời gian của mình cho việc phác hoạ nên chân dung - sự nghiệp của các rất nhiều nhà khoa học Việt Nam trong lẫn ngoài nước bằng nhiều bài báo và cuốn sách cực kỳ độc đáo, lý thú và chân xác.

Nhà báo Hàm Châu từng nghĩ mình sẽ thượng thọ 106 tuổi - Ảnh 1.

Ảnh chụp nhà báo Hàm Châu trước khi ông mất không lâu. Ảnh: FBNV.

Nhà báo Nhật Huy khi đọc cuốn sách “Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại” đã nhận xét rằng: “Với sự am tường khoa học, thấu hiểu cõi lòng và sự nghiệp của các nhân vật cộng với bút pháp độc đáo kết hợp giữa ngôn ngữ khoa học chính xác với ngôn ngữ văn chương giàu hình tượng, Hàm Châu đã vượt qua được những cạm bẫy đó. Các nhà khoa học cùng với công trình của họ tưởng chừng như cao siêu khó hiểu lại trở nên dung dị, gần gũi, bình thường (chứ không tầm thường) dưới ngòi bút của Hàm Châu. Chính cái bình thường đó làm nên sự phi thường của nhân vật khiến hơn 1.200 trang sách không bao giờ là áp lực cho người đọc”.

Ông say mê nghề viết và yêu khoa học tới mức đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn mày mò, nghiên cứu và viết lách. Ông không nề hà khó khăn và không quản ngại tuổi tác. Cách đây không lâu, vào trung tuần tháng 7/2016, nhiều người vẫn thấy ông đến dự Hội nghị Khoa học cơ bản và Xã hội ở Quy Nhơn - Bình Định. Rồi ông còn đến dự buổi nói chuyện của GS Trịnh Xuân Thuận về chủ đề “Con người và Vũ trụ” với các bạn trẻ yêu khoa học tại Bình Định.

Cách đó không lâu, chính ông còn “khoe” trên trang cá nhân rằng luận văn "Vai trò của trí thức tinh hoa trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam" của Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Ngọc do ông tư vấn trong suốt 6 năm đã được Hội đồng chấm luận án đánh giá thuộc loại xuất sắc...

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cho biết, khi nghe tin nhà báo Hàm Châu mất ông đã vội chạy đến tư gia của ông ở Nhà B4 Kim Liên, Hà Nội. Ở đây ông đã gặp con trai của nhà báo là anh Nguyễn Tử Uyên mới từ TPHCM bay ra. Nhà báo Hàm Châu có hai người con, người con gái đầu là Tiến sỹ Toán học Nguyễn Thiều Hoa đang định cư cùng gia đình ở Mỹ, còn con trai thứ là Chuyên gia tin học Nguyễn Tử Uyên đang sống cùng gia đình ở TPHCM.

Nhà báo Hàm Châu từng nghĩ mình sẽ thượng thọ 106 tuổi - Ảnh 2.

Nhà báo Hàm Châu bên cuốn sách lớn cuối cùng của cuộc đời làm báo. Ảnh: FBNV.

Đã rất nhiều lần các con động viên ông vào TPHCM sống cùng nhưng ông không chịu vì ông nghĩ mình vẫn còn khoẻ, ông ở Hà Nội để tiện bề giao hữu với bạn bè, tri kỷ. Mãi gần đây, vì các con ra sức thuyết phục lại có sự tác động thêm của bạn bè nên ông định khi hoàn tất cuốn sách “Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý” thì ông sẽ vào TPHCM ở cùng con cháu.

“Ông mất mà không để lại bất kỳ di chúc hay hồi ký nào vì lúc sinh thời ông vẫn đinh ninh rằng ông sẽ sống đến 106 tuổi. Nhiều lần con cháu, bạn bè, đồng nghiệp… khuyên ông nên viết hồi ký nhưng ông cứ bảo chưa vì ông đang khoẻ. Nguyễn Tử Uyên lục tìm trong đống giấy tờ ông để lại cũng không có bất kỳ lời dặn dò hay lưu bút nào để lại…”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ.

Với nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, nhà báo Hàm Châu không cần mang danh tờ báo nào, chỉ mang tên mình và những tác phẩm báo chí đã vượt khỏi biên giới. Thế giới luôn chào đón những người như vậy.

“Người ta nói cái quan định luận, nghĩa là khi đóng nắp quan tài, mới có thể đánh giá con người. Ngay khi còn sống, tôi đã nhìn thấy Hàm Châu như một tấm gương tuyệt vời của sự hiếu học; một nhà báo lớn của nền báo chí Việt Nam hiện đại, một trí thức uyên bác, mẫu mực; một nghệ sĩ lặng lẽ mà đa tài; một người đồng chí, người anh em thủy chung, bặt thiệp; góp ý thẳng thắn nhưng chưa bao giờ làm mất lòng ai, hại ai.

Ông là người cực kỳ cẩn trọng và có sức làm việc phi thường. Ông không chỉ viết báo, viết sách mà còn hướng dẫn nhiều thế hệ học trò. Ông có tới 12 cuốn sách đồ sộ mà bất kỳ nhà khoa học hay nhà báo nào cũng phải ngưỡng mộ”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nói.

Theo nhà thơ xứ Nghệ này thì sở dĩ có một “nhân cách Hàm Châu” như thế là bởi ông được xuất thân trong một gia đình dòng dõi cơ bản. Nhà báo Hàm Châu sinh năm 1934 trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước tại làng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Nam Anh, chỉ cách làng Kim Liên, quê Bác Hồ 5 km, và cách làng Đan Nhiễm, quê cụ Phan Bội Châu 3 km).

Nhà báo Hàm Châu từng nghĩ mình sẽ thượng thọ 106 tuổi - Ảnh 3.

Lúc sinh thời, nhà báo Hàm Châu rất thân với GS Trần Thanh Vân. Ảnh: FBNV.

Ông nội là Phó bảng Nguyễn Văn Chấn khoa thi 1895; ông ngoại là Đình nguyên Vương Hữu Nguyên khoa thi 1910, họ tên được khắc trên bia Văn Thánh Huế. Cụ Hữu Phu không ra làm quan, thường được gọi là "cụ Song Nguyên" (Hội nguyên và Đình nguyên), hay "cụ Đình"… Thân sinh là Tú tài Nguyễn Xuân Thụ. Hồi nhỏ ông từng  được sống và theo học ở Huế, có ít nhiều vốn sống ở chốn cung đình.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho rằng, không phải ngẫu nhiên nhà báo Hàm Châu lại chọn “thâm canh” đề tài “những tinh hoa” của đất nước. Và chính nhờ cái vốn văn hoá Đông-Tây mà ông hấp thụ được từ thuở ấu thơ trên hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” (Nam Đàn - Huế) đã cho ông một tầm vóc có thể đối thoại thân tình với những nhân vật đã góp phần làm rạng danh đất Việt.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại kể, nhà báo Hàm Châu có một thói quen đó là khi biên tập, ông dùng ba loại bút: bút chì, bút đỏ và bút mực thường. Bút chì dùng để biên tập những bài của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà văn lớn, giống như ý kiến đề xuất, để cấp có thẩm quyền cao hơn và tác giả quyết định. Bút đỏ dùng để sửa lỗi sai, để biên tập cho các phóng viên, cộng tác viên bình thường. Bút xanh để ký.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê chia sẻ, gần đây ông mới trò chuyện qua điện thoại với nhà báo Hàm Châu. Ông hứa sẽ gửi tờ báo “Đà Nẵng cuối tuần” có đăng bài ông giới thiệu về cuốn sách “Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý” mà nhà báo Hàm Châu vừa hoàn thành. Nghe tin người bạn của mình ra đi bất ngờ, nhà văn Nguyễn Khắc Phê vô cùng thương tiếc. 

Nhà báo Hàm Châu từng nghĩ mình sẽ thượng thọ 106 tuổi - Ảnh 4.

Nhà báo Hàm Châu trong hội nghị Khoa học cơ bản và Xã hội diễn ra ngày 7 và 8/7 vừa qua tại Bình Định. Ảnh: FBNV.

Theo ông, không phải ai cũng có được một sự nghiệp “đáng mơ ước” như nhà báo Hàm Châu bởi chỉ có ông mới có thể “thâm canh” đề tài về giới trí thức lẫn quen thân với các nhân vật cỡ đại trí thức như: GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại Nghĩa, GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Thúc Hào, GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Văn Hiệu... và các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài như: Ngô Bảo Châu, Nguyễn Trọng Hiền, Phạm Quang Hưng, Bùi Trọng Liễu, Lê Kim Ngọc, Đặng Thái Sơn, Đàm Thanh Sơn, Trịnh Xuân Thuận, Vũ Hà Văn, Trần Thanh Vân...

Ông từng được mời dự Gặp gỡ Blois về Sự ra đời của các thiên hà (Pháp, 1998), rồi dự các hội nghị vật lý quốc tế ở Italy, Pháp, LB Nga trong những năm 2001 - 2002, Hội nghị quốc tế Lepton  Photon (Mỹ, 2003), Hội nghị quốc tế lần thứ 32 về vật lý hạt (Trung Quốc, 2004), Hội nghị quốc tế vật lý năng lượng cao (Daegu, Hàn Quốc, 2007)... Hàm Châu là nhà báo đầu tiên có mặt tại Fermilab -  trung tâm nghiên cứu vật lý năng lượng cao của Mỹ, lớn bậc nhất thế giới (nơi đặt cỗ máy gia tốc proton  phản proton mạnh nhất thế giới đầu những năm 2000). Đến nay, nhà báo Hàm Châu đã là tác giả của hơn 3000 bài báo, 12 đầu sách in riêng, 23 đầu sách in chung.

Hà Tùng Long