"Nhà bà Nữ" phá kỷ lục: Mổ xẻ lý do Trấn Thành kéo khán giả ùn ùn ra rạp
(Dân trí) - "Nhà bà Nữ" của đạo diễn Trấn Thành thắng lớn về doanh thu, tạo nên cuộc tranh luận thú vị trong giới chuyên môn và khán giả xoay quanh lý do phim gặt hái thành công.
Sau năm 2022 được cho là khá ảm đạm với thị trường phim Việt, phòng vé dịp Tết Nguyên đán bất ngờ khởi sắc với thành công của Nhà bà Nữ - tác phẩm do Trấn Thành sản xuất và làm đạo diễn. Tính đến tối 2/2, tức chỉ sau 11 ngày công chiếu, Nhà bà Nữ đã vượt qua Bố già để trở thành phim Việt cán mốc 300 tỷ đồng nhanh nhất lịch sử.
Theo Box Office Vietnam - đơn vị quan sát độc lập - trung bình mỗi ngày Nhà bà Nữ đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Doanh thu cao điểm nhất rơi vào 3 ngày cuối tuần qua, thu về hơn 101 tỷ đồng. "Chặng đường phá kỷ lục hơn 400 tỷ đồng của Bố già còn khá xa nhưng không phải không có khả năng", đại diện Box Office Vietnam nhận định.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa?
Nguyên nhân khán giả ùn ùn ra rạp xem Nhà bà Nữ được giới chuyên môn, khán giả bàn luận sôi nổi. Trên mạng xã hội, không ít người cho biết rất khó để đặt vé Nhà bà Nữ. "Dù đã bước sang tuần thứ 2 công chiếu nhưng rạp luôn kín vé từ suất sáng tới nửa đêm", một khán giả bình luận.
Nhiều ý kiến khen ngợi Trấn Thành biết chọn đúng thời điểm phát hành. Nếu chiếu vào một dịp khác không phải Tết Nguyên đán, có thể Nhà bà Nữ không thắng lớn như vậy.
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt chia sẻ với Dân trí: "Dịp Tết, khán giả ra rạp nhiều hơn. Có nhiều người cả năm ít xem phim, chỉ đến Tết mới có nhu cầu ra rạp để giải trí. Ngoài ra, Nhà bà Nữ cũng không có bất kỳ trở ngại nào về đối thủ, từ phim nước ngoài cho đến phim Việt".
Ông Nguyễn Phong Việt nhận định việc không có "đối thủ cạnh tranh" giúp Nhà bà Nữ đạt thêm nhiều yếu tố thuận lợi về suất chiếu, khung giờ chiếu tại các cụm rạp. "Theo tôi, mức độ ảnh hưởng của Chị chị em em 2 (phim Việt cùng ra rạp ngày Mùng 1 Tết - PV) với Nhà bà Nữ là không có. Thành ra nó như câu chuyện "so bó đũa chọn cột cờ" vậy. Phim của Trấn Thành dễ dàng được các rạp xếp suất chiếu tốt, khung giờ tốt, số lượng suất chiếu nhiều. Từ đó đương nhiên nó sẽ tác động đến sự lựa chọn của khán giả nhiều hơn", nhà phê bình nói.
Giới chuyên gia đánh giá Nhà bà Nữ còn hút người xem vì nội dung "trúng gu" đông đảo khán giả. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV Việt Nam - nói với Dân trí: "Thành công của Nhà bà Nữ cho thấy trước hết phim nắm bắt tốt thị hiếu của phần đông khán giả. Tôi nghĩ mùa phim Tết năm nay có chất lượng khá tốt, phù hợp sự ưa thích của đại chúng".
"Khán giả cần cảm xúc chứ không phải kỹ thuật điện ảnh"
Nhà bà Nữ là tác phẩm thứ 2 của Trấn Thành làm đạo diễn, sau Bố già ra rạp hồi tháng 3/2021. Trước đây, khi Bố già lập kỷ lục doanh thu cao nhất lịch sử phim Việt (hơn 400 tỷ đồng), nhiều người cho rằng nam MC chỉ "ăn may", kỳ tích khó lặp lại lần 2. Tuy nhiên với thành công tiếp theo từ Nhà bà Nữ, Trấn Thành đang được khán giả cùng giới chuyên môn nhìn nhận như là một nhân tố sáng giá. Đặc biệt, nam nghệ sĩ đã tạo dựng và khẳng định được thương hiệu cá nhân vững chắc trong giới làm phim Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Phong Việt phân tích, Nhà bà Nữ có thể gây tranh cãi về mặt chuyên môn, các yếu tố điện ảnh, nhưng điều quan trọng là "Trấn Thành biết cách tạo cảm xúc cho câu chuyện trong phim".
"Mức độ nhận diện thương hiệu của Trấn Thành là rất lớn. Sau thành công của Bố già, khán giả tin rằng khi Trấn Thành làm tiếp phim thứ 2, thì cảm xúc, sự đồng cảm với nhân vật do Trấn Thành tạo ra sẽ được tiếp nối. Rõ ràng Nhà bà Nữ vẫn làm được điều trước đó của Bố già từng làm, giúp khán giả khóc, cười cùng nhân vật trong phim", ông Nguyễn Phong Việt nói.
Ông Việt khẳng định những yếu tố kỹ thuật, hình ảnh trong điện ảnh "không phải yếu tố quan trọng hàng đầu để hút khán giả Việt Nam". "Khán giả Việt cần những bộ phim Việt làm cho họ có cảm xúc với câu chuyện, với nhân vật. Khán giả xem phim hàn lâm, phim nghệ thuật nước ngoài đủ rồi. Họ hiểu rằng mức độ hàn lâm của phim Việt không đủ đẳng cấp để so với phim ngoại. Vậy thì cần gì trông đợi những bộ phim quá hàn lâm của màn ảnh Việt?", Nguyễn Phong Việt trao đổi với Dân trí.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng đánh giá cao Trấn Thành khi nam nghệ sĩ tạo được sự liên kết giữa câu chuyện màn ảnh và những trải nghiệm ngoài đời thực cho người xem.
"Khán giả thích những bộ phim mà họ thấy gần gũi, có thể thấy được không khí, sự liên kết giữa câu chuyện họ xem trên màn ảnh và những câu chuyện họ trải nghiệm ngoài đời. Nó mang tính "quốc dân", văn hóa gia đình của chính khán giả. Đó là yếu tố khiến Nhà bà Nữ được đông đảo khán giả đón nhận", Charlie Nguyễn nói với Dân trí.
Trong buổi quảng bá Nhà bà Nữ gần đây, Trấn Thành cũng chia sẻ về lý do lựa chọn chủ đề gia đình để làm phim: "Tôi chỉ làm những phim có đề tài gần gũi. Hầu như không ai nghĩ đó là chủ đề để làm phim cả. Như Bố già thì là về cha con, trong Nhà bà Nữ thì là mẹ con, vợ chồng, người thân trong gia đình. Trong gia đình có rất nhiều câu chuyện về sự khó khăn khi người thân không giao tiếp được với nhau, rất nhiều tình huống như vậy".
Công thức "làm phim cháy vé"
Thành công của Nhà bà Nữ khiến khán giả, giới làm phim đặt câu hỏi về "công thức làm phim cháy vé". Phải chăng với thiên hướng "bình dân", "dễ cảm" của khán giả Việt, thì phim về chủ đề gia đình sẽ là đáp án "bất bại" trong bài toán doanh thu?
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho biết: "Rõ ràng Trấn Thành rất thành công với công thức đó, nhưng bạn ấy làm được là vì có thêm những yếu tố khác đi kèm, thí dụ như thương hiệu cá nhân bạn ấy. Giả sử Nhà bà Nữ được làm bởi đạo diễn khác thì tôi khẳng định nó không thể có doanh thu như vậy. Công thức thành công này làm được là bởi vì đó là Trấn Thành!".
"Tôi cũng mong những đạo diễn khác tìm ra được mẫu số chung từ công thức của Trấn Thành. Tuy nhiên nếu muốn sử dụng công thức này, thì họ phải làm tốt hơn về mọi mặt, thì may ra mới thành công", ông Việt nói thêm.
Đạo diễn Charlie Nguyễn thì cho rằng giới làm phim Việt cần có những màu sắc riêng biệt thay vì học hỏi thành công của Trấn Thành.
"Tôi nghĩ mỗi người phải đi con đường của mình thôi, không nên làm theo Trấn Thành. Mỗi người có màu sắc, giọng điệu riêng, phải trung thực với quan điểm của họ. Nếu không trung thực với tư duy của mình thì khó thành công lắm", nhà sản xuất Em chưa 18 nói.
Cũng có ý kiến cho rằng doanh thu không phải là yếu tố quan trọng để đánh giá sự thành công của phim. Nền điện ảnh muốn phát triển cần có thêm nhiều tác phẩm chất lượng về mặt nghệ thuật, thay vì giới làm phim chỉ chạy theo những công thức thương mại để "hốt hàng trăm tỷ đồng" doanh thu.
Trả lời câu hỏi "nên theo đuổi phim có doanh thu, hay phim có chất lượng nghệ thuật", đạo diễn Charlie Nguyễn nói với Dân trí: "Nhà làm phim nên làm theo những gì họ tin. Niềm tin về đề tài, câu chuyện mà họ thấy rung động, nó thôi thúc, thỏa mãn đam mê, tình yêu với nhân vật. Đó mới là điều quan trọng. Nếu chạy theo xu hướng hay doanh thu thì không phù hợp, không khả quan. Chỉ nên làm những gì mình yêu thôi".
"Ở trường hợp Trấn Thành, tôi nghĩ cậu ấy cũng phải yêu tác phẩm, yêu nhân vật của mình, chứ không thể nói vì yêu doanh thu, yêu lợi nhuận. Mọi thứ phải khởi nguồn từ tình yêu của đạo diễn với câu chuyện mà đạo diễn muốn kể", Charlie Nguyễn nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Phong Việt lại cho rằng "có thực mới vực được đạo". "Có những nhà làm phim độc lập bài trừ cách làm phim của Lý Hải, Trấn Thành. Đó cũng là điều bình thường của thị trường. Nhưng thị trường phim cũng như siêu thị, có mặt hàng này, mặt hàng kia. Siêu thị muốn tồn tại thì phải có doanh thu. Sau năm 2022 với nhiều thảm họa màn ảnh kéo niềm tin khán giả rơi xuống đáy, tôi nghĩ thời điểm này cần những phim có doanh thu tốt như Trấn Thành thì hơn. Kéo lại niềm tin, có điểm tựa doanh thu để sống sót đã, rồi vài năm nữa Việt Nam làm phim thỏa mãn giá trị nghệ thuật lẫn thương mại cũng chưa muộn!", ông Việt chia sẻ.
"Theo tôi, Trấn Thành giỏi chứ không phải may mắn. Tất nhiên khán giả cũng sẽ trông chờ rất nhiều vào chất lượng tác phẩm sao cho "xứng" với doanh số khổng lồ đó. Đó là lý do khi xem Nhà bà Nữ, một bộ phận khán giả và giới chuyên môn mong muốn Trấn Thành tạo nên giá trị nghệ thuật, chỉn chu hơn về kỹ thuật điện ảnh. Trấn Thành vẫn đang bước những bước đi đầu tiên để khẳng định vị trí ở góc độ đạo diễn. Bạn ấy cần thêm thời gian để học hỏi, rút kinh nghiệm để nâng tầm chất lượng phim, tiếp tục đóng góp cho điện ảnh Việt", chuyên gia kết luận.
Dù đạt được thành công về mặt thương mại nhưng Nhà bà Nữ vẫn đón nhận luồng ý kiến trái chiều từ một số nhà phê bình. Nhiều người cho rằng doanh thu tốt không nói lên toàn bộ sự thành công hay chất lượng của một bộ phim. Nhà văn Phan Ý Yên đánh giá đây không phải là phim dở của điện ảnh Việt, nhưng lại là "phim dở của Trấn Thành".
Nhà văn Hoài Hương - hội viên Hội Điện ảnh TPHCM - cũng nhận định với Dân trí phim Tết của Trấn Thành đã được đánh giá quá cao, dù chất lượng thụt lùi so với Bố già.
"Sau 2 năm dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường điện ảnh vẫn trong giai đoạn phục hồi. Số lượng khán giả ra rạp ủng hộ phim Việt đông đảo là tín hiệu khả quan cho thấy khán giả vẫn dành sự ủng hộ cho rạp phim, đặc biệt là các tác phẩm phim Việt có chất lượng tốt. Các doanh nghiệp ngành điện ảnh đều mong muốn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực trong giai đoạn tới, đưa thị trường phục hồi trở lại cũng như bù đắp cho những khoản lỗ rạp phải gồng gánh trong suốt thời gian dịch bệnh", ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung CGV Việt Nam - chia sẻ với Dân trí.