Nguyễn Nhật Ánh: "Không can thiệp sâu khi tác phẩm chuyển thể thành phim"
(Dân trí) - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng tác phẩm của ông khi lên phim sẽ đi theo góc nhìn của đạo diễn. Nhà văn không nên can thiệp quá sâu vào phim ảnh.
Mới đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có buổi giao lưu với độc giả trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3, tổ chức tại TPHCM.
Trong chương trình, nhiều bạn đọc thiếu nhi đặt câu hỏi cho nhà văn về niềm cảm hứng viết sách suốt 40 năm của ông. Nguyễn Nhật Ánh cho biết một nhà văn khi sáng tác thường dựa vào 3 nguồn "nguyên liệu" là ký ức, sự quan sát và tưởng tượng.
Ông cũng nhấn mạnh sách có vai trò quan trọng trong cuộc sống và lên án nạn sách giả, sách lậu.
"Sách khác với đôi dép, khác với chiếc xe. Tuy hình thức là vật chất nhưng sách lại mang giá trị tinh thần, giúp con người nâng cao tri thức, giàu có về mặt tâm hồn, tình cảm và đạo đức.
Tủ sách trong nhà là tài sản có giá trị, là tài sản tinh thần mà chúng ta truyền lại cho người khác. Nếu tủ sách có những cuốn sách giả thì giá trị sẽ bị giảm đi rất nhiều. Tôi cho rằng không cách nào kết thúc một mối tình nhanh chóng, bằng cách tặng cho người yêu mình một cuốn sách giả", ông nói.
Trong buổi giao lưu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng nhận được câu hỏi về trường hợp tác phẩm văn học của ông khi chuyển thể lên màn ảnh lại có nhiều khác biệt. Nhà văn cho biết văn học và điện ảnh là 2 thể loại hoàn toàn khác nhau. Khi văn học chuyển thể thành phim, tác phẩm sẽ đi theo mong muốn, góc nhìn của đạo diễn.
"Văn học xây dựng bằng ngôn ngữ, độc giả tha hồ tưởng tượng theo ý mình. Ví dụ, tác phẩm Mắt biếc, có 100 độc giả thì sẽ có 100 nhân vật Ngạn khác nhau. Khi chuyển thể thành phim, nhân vật đi theo mong muốn đạo diễn. Nhà văn hình dung nhân vật khác với đạo diễn.
Khi làm phim, đạo diễn được đưa những nhân vật lên màn ảnh theo sự tưởng tượng của chính đạo diễn. Đạo diễn chọn diễn viên, âm nhạc, chọn cách kể câu chuyện, nên đạo diễn trực tiếp làm nên bộ phim. Còn nhà văn viết xong tác phẩm là đã xong nhiệm vụ, không nên can thiệp sâu quá vào phim ảnh", tác giả Mắt biếc cho hay.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng cho biết cách thưởng thức tác phẩm văn học và điện ảnh khác nhau. Khi đọc sách, độc giả hòa mình với cảm xúc và thoải mái tận hưởng. Khi xem phim, khán giả phải tập trung theo dõi từng giây, từng phút. Do đó, đạo diễn phải tìm cách kể câu chuyện làm sao để lôi kéo người xem.
"Ví dụ, tôi rất thích chi tiết về hoa thị trong làng Đo Đo của Mắt biếc nhưng rất tiếc đạo diễn không đưa vào phim vì đưa vào phải chuẩn bị cả ngàn trái thị thì hơi rủi ro. Theo tôi, nên để tác phẩm điện ảnh sống đời sống riêng của nó so với đời sống văn học", nhà văn nói.
Minh Thư