Nguyễn Hiến Lê - Giá trị văn hoá trường tồn

(Dân trí) - Gia tài khổng lồ của “tượng đài văn hoá” - học giả Nguyễn Hiến Lê sẽ lần lượt đến tay bạn đọc Việt.

Mới đây, ngày 15/8, tại TP.HCM, ông Nguyễn Quyết Thắng đại diện gia đình của học giả Nguyễn Hiến Lê đã chính thức trao quyền cho công ty MCBooks tiếp tục quản lý bản quyền 120 đầu sách của học giả trong buổi ra mắt hai đầu sách mới tái ấn bản rất quan trọng “Đắc nhân tâm” và “Quẳng gánh lo và vui sống”.

Tủ sách Nguyễn Hiến Lê - Sách học làm người

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một tác giả, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,...

Ông là người được giới trí thức và người lao động đều kính trọng vì nhân cách cao quý, cuộc sống thanh bạch, học vấn uyên bác và hiệu quả lao động hiếm thấy. Hưởng thọ 73 tuổi nhưng gia tài văn hoá của ông lên tới 120 đầu sách, hầu hết đều là những cuốn sách học làm người.

Giáo sư Đào Duy Anh từng đánh giá bộ “Đại cương văn học sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê là tác phẩm trội nhất từ trước tới nay; bộ “Đại cương Triết học Trung Quốc” viết chung với Giản Chi là một tác phẩm đồ sộ (1.700 trang); ba tập “Lịch sử văn minh Ấn Độ”, “Lịch sử văn minh A Rập”, “Lịch sử văn minh Trung Quốc” (dịch từ tác phẩm gốc của Will Durant, có chú giải và bình luận) dày hơn hai ngàn trang.

Sách của học giả Nguyễn Hiến Lê cuốn nào cũng là những kho kiến thức cộng với trải nghiệm thực tế và được trau chuốt cực kỳ cẩn thận với cách dùng từ rất “đắt”.

Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn "Quẳng gánh lo đi và vui sống" và "Đắc nhân tâm" của Dale Carnegie. “Bắt đầu xuất bản ở Việt Nam từ năm 1951 bởi Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, “Đắc Nhân Tâm” nhanh chóng gây chú ý và trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản khi liên tục được tái bản rất nhiều lần. “Đắc nhân tâm - Bí quyết để thành công” là dấu son nổi bật nhất mà học giả Nguyễn Hiến Lê đem tới với độc giả Việt Nam.

Nguyễn Hiến Lê - Giá trị văn hoá trường tồn - 1

Học giả Nguyễn Hiến Lê là người đặt cái tên đầu tiên cho dịch phẩm này bằng tiếng Việt. “Đắc Nhân tâm” là sự sáng tạo tài tình từ tên gốc (How to win friends and influence people). Rất nhiều bản dịch sau đã học tập Nguyễn Hiến Lê sử dụng tên “Đắc nhân tâm”.

Tựa sách này thậm chí đã trở thành một khái niệm, một phương châm sống, cuốn sách giúp bạn thay đổi cuộc đời và đi đến thành công”, ông Nguyễn Quyết Thắng - nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm TP HCM, người đang thay mặt gia đình quản lý bản quyền 60 tựa sách của học giả Nguyễn Hiến Lê nói về các tác phẩm và dịch phẩm từ ngôn ngữ tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung của vị học giả quá cố.

Tìm lại và khám phá gia tài

Xuất thân trong một gia đình nhà nho, Nguyễn Hiến Lê lớn lên ở vùng đất Ba Vì (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công Chính, ông chuyển vào phía Nam làm việc ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, suốt gần nửa thế kỷ gắn bó với đất Phương Nam. Năm 1945, ông thôi làm công chức, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952, ông chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản, biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Tìm về căn nhà xưa ở số 92 Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, gặp lại người con nuôi của ông là cô Võ Thị Kim Liên, dòng hồi ức về học giả Nguyễn Hiến Lê như tuôn chảy dạt dào cảm xúc. Năm xưa ông đi dậy tại trường Thoại Ngọc Hầu, bà dậy ở trường Nữ sinh Long Xuyên. Cuộc đời đưa ông qua một cuộc hôn phối khác, rồi ông mới có cơ hội ngỏ lời trở lại với người mình thương. Mối duyên trời trao của ông với cả hai cụ bà và ứng xử văn hoá giữa họ rất nổi tiếng trong giới trí thức Việt.

Ông bà cất riêng một thư phòng yên bình ở ngay cạnh nhà, căn nhà nhỏ nằm nghe nắng mưa giữa vườn cây xanh tốt, có tủ sách, chiếc bàn viết và một chiếc giường để ông ngả lưng. Người con nuôi hiện nay vẫn đang sống trong ngôi nhà ông bà đã sống những năm xưa, bảo quản thư phòng cùng với gia tài lên tới mấy trăm cuốn sách cổ của ông.

Cả cuộc đời học giả Nguyễn Hiến Lê là một hành trình viết miệt mài, gạt bỏ tất cả mọi thứ khác để tập trung viết. Cô Liên kể: “Sáng nào ông cũng dậy sớm, ăn sáng xong là ngồi vào bàn làm việc. Mà mỗi lần ngồi vào bàn viết sách, ông cụ đều ăn mặc nghiêm chỉnh, giữ tư thế nghiêm trang, kỷ luật bản thân khắt khe, tập trung hoàn toàn tư duy vào công việc”.

Trân trọng nhân cách lớn của ông, giữa những ngày thu tháng 8/2018, những cuốn đầu tiên trong số 120 tựa sách mà ông Nguyễn Quyết Thắng đã đại diện cho gia đình học giả Nguyễn Hiến Lê ký kết chuyển giao bản quyền để ấn hành, cũng đã được công bố. Trong đó, rất nhiều tựa sách có giá trị như: “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, “Luyện tinh thần - Hãy là chính mình - An nhiên mà sống”, “Các cuộc đời ngoại hạng”, “Gương danh nhân”, “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi”, “Săn sóc sự học của các con”, “Kim chỉ nam của học sinh - Phương pháp học tập khoa học đạt hiệu quả cao”…

Hoà Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm