1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Hà Tĩnh:

Nguyễn Du - Trăm năm trong cõi…

Xuân Sinh

(Dân trí) - Tối ngày 26/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765-2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất (1820-2020) Đại thi hào Nguyễn Du.

Dự buổi lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo ban, bộ, ngành trung ương, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương.

Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc - Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trọng thể nhằm ghi nhớ công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ông đối với nền văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại.

Diễn văn tại buổi lễ Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh, Hà Tĩnh là vùng đất “Địa linh - Nhân kiệt”. Nhân dân từ bao đời nay có truyền thống cần cù trong lao động, yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất, sống nghĩa tình, thủy chung; thời kỳ nào cũng xuất hiện những bậc anh hùng hào kiệt, danh nhân, trong đó, tiêu biểu là Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

“Hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh, tưởng niệm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du một lần nữa khẳng định dù phải trải qua bao thăng trầm dâu bể, nhưng tên tuổi và di sản văn hóa Nguyễn Du mãi mãi xuyên thời đại, luôn là niềm tự hào lớn lao của các thế hệ người Việt Nam”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Tiếp nối lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du là chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…”.

Nguyễn Du -  Trăm năm trong cõi… - 1
Nguyễn Du -  Trăm năm trong cõi… - 2
Nguyễn Du -  Trăm năm trong cõi… - 3
Nguyễn Du -  Trăm năm trong cõi… - 4

Chương trình có 8 trường đoạn, gồm: Khai từ, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non Hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ - kịch Truyện Kiều, Đối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du.

Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)- một vùng đất địa linh nhân kiệt. Là một nhà thơ nổi tiếng, nhà văn hóa lớn, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Trong đó, có tác phẩm “Truyện Kiều”. Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.

Với những cống hiến to lớn của ông cho nền văn học Việt Nam cũng như sự phát triển văn hóa của nhân loại, ngày 25/10/2013, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.