Nhân ngày giỗ nhà thơ Nguyễn Bính (29 tháng Chạp):
Nguyễn Bính - người “xuất khẩu thành thơ”…
Mỗi lần về quê, qua núi Trang Nghiêm (tên thường gọi là Núi Ngăm), tôi lại nhớ đến nhà thơ Nguyễn Bính, “nhà thơ làng quê” nổi tiếng có một số bài thơ nhắc đến ngọn núi này. Làng quê ông ở cạnh làng tôi. Ông là bạn học và chơi thân với bố tôi. Tôi vẫn gọi là “bác Bính” vì bác Bính hơn bố tôi một tuổi.
Nhà thơ Nguyễn Bính nói ra là thành thơ, điều đó đó thì nhiều người đã nói. Tôi xin kể một mẩu chuyện rất nhỏ để chứng minh điều đó.
Trong một số bài viết về Nguyễn Bính có ghi: “Những năm 30 của thế kỷ trước “Nguyễn Bính có theo người bạn học lên Đồng Hỷ , Thái Nguyên dạy học”. “Người bạn học” đó chính là bố tôi - nhà giáo Minh Tân.
Hai cậu thanh niên lúc đó chưa đầy 20 tuổi gắn bó với nhau như hình với bóng. Bố tôi dạy học, còn bác Bính thì đi chơi. Bác Bính thường ra chỗ bố tôi dạy học.
Nhà thơ Nguyễn Bính
Thời đó ở vùng rừng núi Thái Nguyên, bác Nguyễn Bính đã viết những câu:
Xanh cây, xanh cỏ, xanh đồi,
Xanh rừng, xanh núi, da trời cũng xanh …..
Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh
Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm
Da trời ai nhuộm mà lam
Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai
Một hôm có một cô gái người dân tộc đến trường xin phép bố tôi cho em mình là học trò trong lớp nghỉ học vì mưa lũ. Cô gái líu ríu nói với bố tôi, trình bày với thầy giáo về em mình và lý do xin nghỉ học, Cô gái nói đến đâu thì “cậu thanh niên Bính” đọc thơ đến đó, và thành mấy câu thơ như sau:
Em tôi nó học trường này
Em tôi bé bé mà thầy vẫn yêu
Trời mưa nuớc suối lên nhièu
Tôi xin cái phép nghỉ chiều hôm nay
Ngộ mai nước suối còn dầy
Tôi xin cái phép nghỉ ngày hôm sau…
Rừng thì vắt, suối thi sâu, Thưa Thầy…
Mấy câu thơ đó được cả lớp học và dân cả làng Tân Cương, Đồng Hỷ, Thái Nguyên lúc đó đều thuộc…. và câu chuyện đó thành chuyện vui của vùng.
Ban thờ nhà thơ Nguyễn Bính
Nhà giáo Minh Tân - người bạn lúc sinh thời của nhà thơ Nguyễn Bính
Khi về quê, bác Bính thường xuyên sang chơi với bố tôi và hai anh em như không rời nhau. Về sau bác Bính đi vào miền Nam theo nghiệp giang hồ thơ văn (nhưng theo cách mạng), đến khi bác tập kết trở về miền Bắc lại cùng công tác với bố tôi ở Ty Văn hóa Nam Định. Hồi tôi học Cấp III, tôi ở luôn trong cơ quan bố nên thường xuyên gặp bác Bính.
Bây giờ cả hai ông đều đã về cõi vĩnh hằng, cách nhau 25 năm nhưng cùng ngày âm lịch: 29 tháng Chạp. Ngày 29 tháng Chạp là ngày giỗ chung của hai ông. Nhà thơ Nguyễn Bính mất ngày 29 tháng Chạp năm Ất Tỵ (tức 20-1-1966) khi mới 48 tuổi, còn bố tôi mất ngày 29 tháng Chạp năm Canh Ngọ (tức 13-2-1991).
Còn vài ngày nữa là đến ngay giỗ bác Bính và bố tôi. Bằng bài viết nhỏ này, xin dâng bác và bố nén hương thơm tưởng nhớ. Cầu mong bác và bố lại gặp nhau như thuở xưa, lại suốt ngày đàm đạo thơ văn và sự đời trong phòng khách dưới rặng tre xanh mát rượi chốn quê nhà ngay cạnh núi Trang Nghiêm, …
Phạm Thúy Lan