Nguyễn Ánh 9: “Tôi mắc lỗi lầm không thể sửa chữa được”
(Dân trí) - “Ly nước đổ xuống rồi, muốn vớt lại không thể nào đầy. Mình có những lỗi lầm không thể nào sửa chữa, cũng không thể nói lời xin lỗi…Tôi cảm thấy mình có lỗi với gia đình”, tác giả “Cô đơn” hé lộ góc khuất về cuộc đời…
"Ca khúc muốn sống lâu thì phải sáng tác bằng trái tim"
Trong số các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, sáng tác nào viết mất nhiều thời gian nhất? Để ca khúc sống trong lòng công chúng thì theo ông điều gì là quan trọng nhất?
Bài Cô đơn, tôi viết trong vòng 5 năm. Tôi viết đoạn cuối trước khi đi làm ban đêm về, chạy xe dọc đường ban đêm, miệng ngân nga: “Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa/ Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu mộng đẹp nên thơ/ Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi/ Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài...”
Về nhà tôi nghĩ, chẳng lẽ mình bắt đầu ca khúc bằng đoạn này, đây là câu kết chứ đâu phải câu mở đầu? Và tôi nghĩ hoài cũng viết không ra câu mở đầu ca khúc. Bí quá, tôi cứ để ca khúc dang dở ở đó.
Cho đến một hôm, tôi đi dự đám cưới của đứa học trò. Hai đứa nhỏ yêu nhau từ thời sinh viên, ra trường sống tự lập, cực khổ dành dụm được chút ít rồi tổ chức hôn lễ. Tôi thấy tình yêu của hai đứa sao đẹp quá và trong đầu nảy ra lời hát: “Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm/Tình yêu một thoáng lên ngôi, nhẹ nhàng như áng mây trôi”. Từ đó, tôi viết khúc đầu và khúc giữa trong vòng…10 phút!
Nhiều người khen ca khúc Cô đơn mang âm hưởng cổ điển, khác lạ so với các ca khúc khác.
Tôi cho rằng, ca khúc muốn sống lâu thì phải sáng tác bằng trái tim, bằng niềm cảm xúc chân thành. Câu chuyện mình viết ra đơn thuần, nhẹ nhàng nhưng đúng tâm trạng nhiều người. Bất cứ người nào đó đi trên đường vắng đêm khuya cũng sẽ bâng quơ hát “Đêm nay ai đưa em về/ Đường khuya sao trời lấp lánh/ Đêm nay ai đưa em về/ Mắt em sao chiếu long lanh” (ca khúc Ai đưa em về). Lời ca khúc đúng với tâm trạng của nhiều người, chính vì thế mà ca khúc sống lâu.
Ngược lại, ca khúc nào ông sáng tác trong khoảng thời gian ngắn nhất và nổi tiếng…nhanh nhất?
Đó chính là bài Không. Hoàn cảnh sáng tác vui lắm, tháng 9/1970 tôi đi đệm cho Khánh Ly hát bài Diễm xưa bên Nhật. Hát xong rồi tôi và Khánh Ly về khách sạn. Đang đi thang máy lên phòng, Khánh Ly hỏi tôi: “Mày còn thương cô đó không?” Tôi sẵn cây đàn guitar gảy hợp âm: “Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa”. Hát giỡn chơi vậy thôi!
Về tới Sài Gòn, Khánh Ly được mời hát 2 ca khúc trong chương trình nhạc hội. Một là ca khúc Diễm xưa của Trịnh Công Sơn, còn ca khúc thứ 2 Khánh Ly không biết chọn bài nào. Khánh Ly gợi ý tôi : “viết thêm cái gì không, không đó, nghe được đấy”, thế là tôi viết thử.
Đâu ngờ ca khúc Không ăn khách quá. Lúc đó, Khánh Ly in đĩa ca khúc đó và bán chạy như tôm tươi. In đĩa thì ca khúc phải có tên tác giả. Khánh Ly hỏi tôi muốn đề tên như thế nào. Nếu để Nguyễn Ánh thì trùng tên với người khác. Tôi đếm tên mình thấy 9 chữ mà số 9 là số hên. Tôi cũng lấy vợ đúng ngày mùng 9 Tây, ngày đó từ người con trai tôi bước sang người đàn ông- làm chủ gia đình, cũng như từ một nhạc công- tôi bước qua làm nhạc sĩ sáng tác. Vậy là tôi lấy tên Nguyễn Ánh 9.
“Tôi cảm thấy có lỗi với gia đình”
Dễ nhận thấy một mẫu thuẫn, đó là các ca khúc của ông hầu như viết về tình yêu đẹp mà dang dở, buồn, đầy tâm trạng trong khi ông có cuộc sống hạnh phúc và bình dị?
Nhiều người hỏi tôi câu đó, nói tôi đào hoa lắm, nhiều cuộc tình lắm mới viết được các ca khúc như thế. Nhưng thật ra, những sáng tác của tôi phần lớn lấy từ cuộc sống, tôi tưởng tượng nhưng có thực tế trong đó.
Cuộc sống Trịnh Công Sơn trải qua nhiều trắc trở, khổ đau về tình yêu, thời cuộc mới viết những ca khúc day dứt đến thế. Ngoài sự nhạy cảm, nhạc cảm vốn sẵn phải có cảm xúc, tình cảm, tâm trạng thật thì những ca khúc của ông mới nhận được nhiều sự đồng cảm đến thế. Hạnh phúc vốn mong manh, phải chăng đằng sau những nụ cười còn chất chứa những nỗi niềm riêng mà ông chỉ biết giãi bày qua âm nhạc?
Cả cuộc đời tôi muốn dành riêng cho gia đình. Nhưng người nghệ sĩ sinh ra đã vậy rồi, không thể thay đổi được. Ngày trẻ, mình chỉ biết mải miết đi làm để thỏa mãn niềm đam mê chứ về vật chất, có giúp được gì nhiều cho vợ con đâu. Vợ tôi đã hi sinh quá nhiều cho gia đình. Ngày trẻ, không nghĩ mình có lỗi nhưng giờ đây nghĩ lại, tôi cảm thấy có lỗi với vợ, với gia đình!
Đằng sau những nụ cười vẫn có những góc riêng, không phải tôi muốn giấu mà tôi sợ làm ai đó buồn. Ly nước đổ xuống rồi, muốn vớt lại không thể nào đầy. Mình có những lỗi lầm không thể nào sửa chữa, cũng không thể nói lời xin lỗi…
Trong cuộc đời, điều tôi buồn nhất đó là đã hiểu lầm về ba của mình. Năm tôi 18 tuổi đã bị cây đàn hành hạ. Khi đó, ba tôi nói nếu tiếp tục học đại học, ra trường rồi lập gia đình theo sự sắp đặt thì tôi sẽ được lo đầy đủ, nếu không nghe lời thì tôi phải bước ra khỏi nhà. Với tư tưởng mạnh dạn của thằng con trai học trường Tây, bỏ lại sau lưng tất cả những ngăn cản từ gia đình tôi đi theo cây đàn. Gia đình tôi và cô gái hứa hôn cũng ngăn cản hai đứa liên lạc với nhau.
Thời gian trôi đi, tôi ra ngoài sống, đi đánh đàn, rồi lấy vợ, sinh con. Khi tôi lấy nhà tôi, một nghệ sĩ nhảy thiết hài, ban đầu bố mẹ phản đối kịch liệt vì cho rằng cái gì thuộc “xướng ca” cũng đều “vô loài”. Và tôi đã chứng minh cho ba tôi thấy, không có nghề nào xấu chỉ có người xấu làm nghề xấu mà thôi.
Lúc ba tôi mất, tôi đang đi Pháp. Hay tin dữ, tôi trở về nhà và trong quá trình dọn dẹp đồ của ba tôi phát hiện ra sự thật rằng ba rất thương mình. Tất cả những sáng tác, CD in bài của tôi đều được ba cất giữ trong tủ kín…Khi tôi biết tình cảm của ba thì đã quá muộn…
Trong chuyện tình cảm cũng thế, tuổi trẻ ai cũng mắc lỗi lầm. Dù mình không cố ý, dù do hoàn cảnh khách quan nhưng để người phụ nữ vì mình mà tổn thương cũng khiến mình mãi day dứt. Cuộc đời là thế, khi biết được sự thật thì đã quá muộn màng…
“Tôi không ép con đi theo con đường của mình”
Ông có thể chia sẻ về người bạn đời của mình, về mối lương duyên giữa hai người?
Tôi và nhà tôi làm chung ở một phòng trà. Tôi đệm đàn cho Ngọc Hân nhảy thiết hài. Tôi thích nhảy thiết hài và chúng tôi bén duyên khi làm việc chung cùng nhau.
Ca khúc Chuyện chúng mình là tôi sáng tác cho nhà tôi, có câu thế này: “Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay…” Ca khúc này đã nói hộ lòng tôi, ở đó tôi như con thuyền, còn bà ấy là bến đỗ. Thuyền trôi ra sông, ra biển, biển khơi lúc nào cũng đầy sóng gió, thuyền thấy mình nhỏ bé và mỏi mệt quay trở lại bến, bến vẫn đứng đó, vẫn chờ đợi thuyền…
Đã có thời gian, tôi ý định giải nghệ, không đánh đàn nữa. Nhưng được ít ngày, tôi lại cảm thấy trống vắng, bứt rứt. Sự nhạy cảm ở người vợ đã khiến bà ấy nhận ra sự mất mát ở nơi tôi, chính bà đã khuyên tôi đánh đàn trở lại. Những ca khúc tôi sáng tác, tôi đều nhận được chia sẻ từ vợ. Tôi biết ơn người phụ nữ đã giữ cây đàn cho tôi.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh- hai con trai của ông đều theo con đường âm nhạc, trong đó có sự định hướng hay “ép buộc” nào từ phía người cha nhạc sĩ của mình không?
Tôi không muốn chúng theo nghề của mình nhưng tự chúng học và đi làm thôi. Nguyễn Quang mê cây đàn còn hơn cả tôi. Năm nó 11 tuổi có tham dự cuộc thi, khi biết tin đậu vào vòng chung kết, mừng quá, đang đêm nó đạp xe về nhà để báo tin. Trên đường đi về nó bị ông say rượu đi xe honda tông vào ngã xuống đường, vỡ cả cằm phải mổ khâu lại 6 tháng mới khỏi hẳn.
Hai hôm sau đêm tai nạn là đến vòng thi chung kết, nó nhất quyết xin bác sĩ xuất viện, ôm gương mặt sưng vù đi thi. Kết quả nó đoạt giải A. Thế mới biết nó mê cây đàn thế nào, như thể niềm đam mê âm nhạc chảy trong dòng máu nó vậy.
Thằng em nó, Nguyễn Đình Quang Anh lúc đầu không thích đàn, bố nói dạy nó cũng không chịu. Đến khi đi học, có sự kiện văn nghệ, bạn bè nó nói: “ông già mày là nhạc công mà mày không biết đàn hả”. Anh chàng thấy quê quá, về nhà tự mướn đàn rồi… lén đi học, học được rồi đi làm. Cả hai đứa con tôi đều tự nguyện gắn bó với cây đàn.
Nguyễn Hằng