"Người Việt ngày nay dùng ngôn từ tùy tiện, hay đệm tiếng Anh"

Bích Phương

(Dân trí) - Đó là ý kiến của nhà báo Dương Thành Truyền trong lễ kỷ niệm 25 năm "Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh". Ông cho rằng thế hệ trẻ cần học hỏi chính sách ngôn ngữ, cách dùng ngôn từ của Bác Hồ.

Sáng 18/5, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, giao lưu cùng người sáng lập, các tác giả tiêu biểu, triển lãm bộ sách và mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Đường sách TPHCM.

Buổi giao lưu có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM; TS. Quách Thu Nguyệt - người sáng lập tủ sách, nguyên giám đốc, tổng biên tập NXB Trẻ; PGS.TS Hà Minh Hồng - nguyên Trưởng khoa Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM; nhà báo, tác giả sách Dương Thành Truyền; Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí - xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM... 

Người Việt ngày nay dùng ngôn từ tùy tiện, hay đệm tiếng Anh - 1

Các khách mời chia sẻ trong buổi giao lưu sáng 18/5 (Ảnh: Bích Phương).

Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh thành lập năm 1999, ban đầu gồm các tác phẩm do chính Bác Hồ viết như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thực hành tiết kiệm & chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu, Vừa đi đường vừa kể chuyện...

Sau này, tủ sách có thêm nhiều đầu sách do các tác giả viết về Bác Hồ như: Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ của Mai Văn Bộ, Bác Hồ kể chuyện Tây Du Ký của Trần Văn Giang, Hồ Chí Minh - Sự hình thành một nhân cách lớn của Trần Thái Bình...

TS. Quách Thu Nguyệt cho biết từ khi ra đời năm 1999 đến nay, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đều đặn giới thiệu tựa sách mới hằng năm, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh cho nhiều đối tượng độc giả, làm cơ sở cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

"Có người hỏi tôi vì sao một bộ sách chính trị khai thác được suốt 1/4 thế kỷ và  cho rằng sách chính trị thì rất khó đọc. Tôi nghĩ có nhiều lý do giúp bộ sách này được duy trì lâu dài.

Đầu tiên, nguồn tài sản về Bác Hồ là vô giá, học về Bác cả đời cũng chưa xong. Thứ hai, để sách về chính trị tiếp cận khán giả trẻ, thì phải làm sao cho vừa có chiều sâu vừa dễ đọc, không khô khan", bà Quách Thu Nguyệt nói.

Người Việt ngày nay dùng ngôn từ tùy tiện, hay đệm tiếng Anh - 2

Nhiều bạn trẻ hào hứng tìm hiểu thông tin về Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh tại Đường sách TPHCM (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trong chương trình, nhà báo Dương Thành Truyền đề cập đến câu chuyện Bác Hồ và tiếng Việt.

Ông cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều bài học quý giá trong cách sử dụng ngôn từ tiếng Việt. Bác Hồ cũng đã làm nên được điều kỳ diệu khi giúp một dân tộc 90% là nông dân biết đọc, biết viết, xóa nạn mù chữ đồng  thời tạo ra chính sách ngôn ngữ có ý nghĩa trong sự phát triển lâu bền của dân tộc.

"Bác Hồ có tình yêu sâu đậm với tiếng Việt. Bác viết di chúc, chỉ vỏn vẹn 1.000 chữ thôi nhưng Bác sửa đi sửa lại trong 4 năm. Đó là bài học cho chúng ta trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ngày nay chúng ta dùng ngôn từ rất tùy tiện. Ví dụ như có trường hợp nói "trùng dương là ánh dương trùng xuống".

Bác thường nhắc chúng ta đừng "sính" từ Hán. Nhưng ngày nay chúng ta dùng sai nhiều. Ví dụ, cưỡng hôn là cưỡng ép ai đó làm vợ, làm chồng trái ý muốn của họ. Nhưng nay lại hiểu theo nghĩa là "cưỡng ép nụ hôn".

Tình trạng lạm dụng tiếng Anh cũng rất phổ biến. Có những bài viết chưa tới 100 chữ nhưng có 5-7 từ tiếng Anh, dù những từ đó đều có sẵn nghĩa tiếng Việt. Còn có người xem việc đệm tiếng Anh lúc nói chuyện là đẳng cấp. Rất buồn", nhà báo Dương Thành Truyền nói. 

Người Việt ngày nay dùng ngôn từ tùy tiện, hay đệm tiếng Anh - 3

Nhà báo, tác giả Dương Thành Truyền (Ảnh: Bích Phương).

Trong buổi giao lưu, các khách mời đều cho rằng di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn. Người Việt cần tiếp nối, duy trì những giá trị mà Bác Hồ để lại bằng nhiều hình thức khác nhau, để tinh thần Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng trong đời sống, học tập.

"Thời đại ngày nay, chúng tôi trăn trở việc làm sao để giới trẻ tiếp cận giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc in sách giấy, chúng tôi tìm thêm các phương thức công nghệ như sách điện tử, sách nói.

Hy vọng bằng nhiều con đường, giới trẻ sẽ học hỏi, tiếp cận được nhiều giá trị di sản Bác Hồ để lại cũng như tăng thêm chất lượng văn hóa đọc", TS. Quách Thu Nguyệt cho biết.

Cuộc vận động xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" là một trong những nội dung cốt lõi của đề án "Chiến lược phát triển Văn hóa Thành Phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035".

Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã nêu rõ: "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác".

Thời gian qua, NXB Trẻ đã cung cấp sách, hỗ trợ thiết lập hơn 20 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ quan đơn vị.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm