“Người Việt Nam hôm nay là gì?”

(Dân trí) - “Người Việt Nam hôm nay là gì?”, câu hỏi được các học giả, các nhà khoa học đặt ra tại buổi ra mắt cuốn sách nghiên cứu “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại: Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn - Trở thành - Khác biệt” tại TPHCM

Một nhà nghiên cứu lớn tuổi người Việt sống ở nước ngoài khi về nước đã đặt ra câu hỏi với PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - chủ biên cuốn sách - như một lời “thách đố” với các nhà khoa học trong nước: “Các anh chị bằng cách nào đó trả lời cho tôi câu hỏi: “Người Việt Nam hôm nay là gì?”

Theo TS Nguyễn Đức Lộc, đây một câu hỏi vừa rộng vừa mang tính triết học, nhân học và xã hội học. Nó không đơn thuần là một nan đề học thuật mà là cuộc sống của xã hội, của con người Việt Nam hôm nay. Các dân tộc trên thế giới họ thể hiện con người mình một cách rõ nét, họ biết mình sống vì điều gì và sẵn sàng chết vì điều gì. Con người Việt Nam chúng ta hôm nay?

Từ động lực đó, ông cùng các cộng sự bắt đầu tìm kiếm, mô tả, vẽ lên khuôn mặt người Việt Nam hôm nay bằng những công trình nghiên cứu nhỏ liên quan đến cuộc sống dân sinh như người công nhân nơi đô thị, người thiểu số nơi bản làng, người đồng tính…trong tuyển tập “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại”.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ trăn trở về câu hỏi Người Việt Nam hôm nay là gì?
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ trăn trở về câu hỏi "Người Việt Nam hôm nay là gì?"

Họ cùng bước vào cõi sống của tha nhân với những hơi thở của thời đại. Được tiếp xúc, lắng nghe những tự sự cuộc đời với những buồn vui của nhóm người thiểu số để "vẽ" nên cuộc sống, hình ảnh, tính cách của một số chủ thể của người Việt hôm nay..

Là một nhà khoa học, dịch giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực triết học, ông Bùi Văn Nam Sơn không ngại thừa nhận cũng như bao người, bản thân ông cũng muốn biết: “Người Việt Nam hôm nay là gì?” và ông tìm được phần nào câu trả lời trong cuốn sách “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại”. Nếu mỗi năm có một công trình như thế này thì đây là kho tư liệu vô giá cho tương lai. Vì không biết hiện tại thì không thể xây dựng được tương lai. Đặc biệt là trong hoàn cảnh chúng ta rất nghèo nàn trong tư liệu về chính dân tộc mình.

Ông Sơn nói, muốn tìm hiểu, nghiên cứu về xã hội Việt Nam cách đây 50 hay 100 năm chưa nói vài trăm năm là chúng ta đã “bó tay”. Các sử gia viết rất loáng thoáng, các nhà xã hội học vì không có tư liệu nên cũng… bất lực.

“Lịch sử dân tộc hàng ngàn năm giờ còn lãng đãng một vài quyển thập loại chúng sinh nhưng cụ thể con người làm sao thì chúng ta không biết. Nguyễn Du kể được mười mấy loại người, cực kỳ đau thương nhưng chỉ là kể, không đi vào chi tiết và không có nghiên cứu, điều tra gì hết.

Phạm Đình Hổ với Vũ trung tùy bút cũng chỉ viết ở miền Bắc, ở Hà Nội thời đó có tầng lớp này tầng lớp kia. Mà mỗi một tầng lớp cũng chỉ phác họa dăm ba câu với những mẩu chuyện nhỏ”, triết gia này nói.

Theo ông Sơn, chúng ta chưa vẽ lên được diện mạo dân tộc mình ở những thời kỳ lịch sử nhất định là thiếu sót rất kinh khủng.

Chúng ta cần những tư liệu dày dặn về con người, về dân tộc mình để hy vọng khôi phục được diện mạo của đất nước mình. Từ đó, cần tiến tới những công trình nghiên cứu định lượng, những điều tra xã hội học có giá trị định lượng và giá trị khoa học chính thống. Để từ những kết luận có cơ sở để nhà nước có những chính sách phù hợp hoặc cần thì đấu tranh vì những chính sách đó đối với mọi giới trong xã hội như thanh niên, phụ nữ, công dân, nông dân…

Ông Sơn nói thêm, các nhà khoa học nước ngoài khi muốn nghiên cứu về Châu Á hay về Việt Nam người ta rất cần những tư liệu từ chính những người bản xứ. Còn không họ sẽ phải đổ tiền đổ sức vào nghiên cứu. Các nhà khoa học của mình phải làm được cái này, không chỉ đáp ứng cho dân tộc mà đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nhà triết học này chia sẻ, chúng ta biết Tổ quốc ta đang ở giai đoạn đau thương trên nhiều mặt và tất cả chúng ta đều có tội khi Tổ quốc đau thương.

Ông nói đến đó rồi nghẹn ngào, những người có mặt cũng lặng xuống. Ông tiếp lời: “Nhà khoa học không được để những cảm xúc ủy mị chi phối mà phải có đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, bền bỉ, sáng suốt...để làm sao đưa đất nước thoát khỏi sự đau thương. Đó là sứ mệnh của các nhà khoa học”.

Muốn đất nước phát triển vững mạnh, chúng ta phải hội nhập. Mà để hội nhập tốt, để hiểu người thì trước hết mình phải hiểu chính mình.

Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn – Trở thành – Khác biệt" là tập 2 của tuyển tập Đời sống xã hội Việt Nam đương đại gồm 10 bài viết về các đối tượng như công nhân, người Công giáo, thân phận đồng cô, người đồng tính, ngôn ngữ của người Khmer thiểu số ở đô thị….

Tập 1 ra đời năm 2015 với chủ đề: Tình cảnh sống của người công nhân: Thân phận, Rủi ro và chiến lược sống.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho biết, ông cùng nhóm nghiên cứu SocialLife (Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Giáo dục và Đời sống xã hội) dự định sự thực hiện 10 tập sách thuộc tuyển tập Đời sống xã hội Việt Nam, mở rộng chủ thể đến các nhóm xã hội khác nhau, được gọi rằng danh từ chung là “thiểu số”. Hiện nay, cũng rất nhiều nhà khoa học đề xuất in tập sách ra bản tiếng Anh.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)