Người Việt Nam “chặt chẽ” trong văn hóa tiền “boa”?

(Dân trí) - Trong một cuộc khảo sát cấp độ khu vực về việc người dân nước nào hay tặng tiền “boa” nhất, người Thái đã đứng đầu danh sách với 84%, Việt Nam đứng gần cuối với 20%. Nhưng có thật người Việt Nam “chặt chẽ” trong văn hóa tiền “boa”?

Người Việt Nam không hào phóng trong khoản “boa”?

Người Việt Nam “chặt chẽ” trong văn hóa tiền “boa”?


Theo một cuộc điều tra khảo sát được tiến hành bởi MasterCard đối với 8.000 người sống ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ tháng 10-11/năm 2013, kết quả cho thấy người Thái Lan hiện đang đứng đầu khu vực về mức độ hào phóng tặng tiền “boa” khi sử dụng các dịch vụ tại nhà hàng, khách sạn…

Khoảng 84% người Thái được phỏng vấn trả lời rằng họ có để lại tiền “boa” sau khi được phục vụ một bữa ăn ngon miệng. Con số này ở Bangladesh là 80%. Ấn Độ đứng thứ 3 với 74%. Philippines 73%. Hồng Kông 56%. Myanmar 42%. Indonesia 33%. Malaysia 31%. Singapore và Việt Nam 20%. Trung Quốc 15%. Hàn Quốc 10%. Nhật Bản đứng chót bảng với… 4%.

Kết quả cuộc khảo sát được thể hiện dưới dạng biểu đồ.

Kết quả cuộc khảo sát được thể hiện dưới dạng biểu đồ.

Cuộc khảo sát này không hỏi người được phỏng vấn về số tiền “boa” họ để lại mà chỉ nhằm thống kê về một thói quen, một cách hành xử tại những quốc gia khác nhau. Tìm hiểu về văn hóa tiền “boa” đem lại cho chúng ta một góc nhìn độc đáo về nền văn hóa bản địa.

Ngoài ra, cũng theo điều tra này, Thái Lan hứa hẹn là một thị trường năng động cho ngành công nghiệp dịch vụ khi người dân thường xuyên chia sẻ hình ảnh về bữa ăn của mình trên mạng xã hội. Trung bình cứ 2 người được phỏng vấn thì có 1 người thường đăng ảnh chụp lại cảnh dùng bữa của mình lên mạng.

Văn hóa tiền “boa” không tồn tại ở nhiều nước

Tiền “boa” là một vấn đề văn hóa thú vị, ở những nước khác nhau, quan niệm về tiền “boa” cũng rất khác nhau. Ví dụ: Ở Đức, bạn nên đưa tiền “boa” cho người phục vụ một cách tế nhị thay vì để lại trên mặt bàn trước khi rời khỏi quán; ngược lại, ở Nhật, người phục vụ sẽ cảm thấy bị sỉ nhục nếu bạn đưa tiền “boa” cho họ.

Kết quả cuộc khảo sát được thể hiện dưới dạng biểu đồ.


Thực tế, văn hóa tiền “boa” không phổ biến ở tất cả các nước. Thậm chí, ở nhiều quốc gia, người ta còn dị ứng với chuyện trao - nhận tiền “boa”.

Ở Úc và New Zealand, người phục vụ không chờ đợi nhận tiền “boa” bởi các chi phí đã được tính toán kỹ càng để cân đối với mức lương cơ bản, việc trả lương làm ngoài giờ cũng được thực hiện rất nghiêm túc… Nếu bạn sử dụng dịch vụ vào dịp cuối tuần hay vào các ngày nghỉ lễ, chi phí dịch vụ sẽ được tự động nâng lên cao hơn. Người Úc chỉ chi tiền “boa” khi vào những nhà hàng thực sự sang trọng, đắt tiền.

Ở Bỉ, hóa đơn tại các nhà hàng, khách sạn, cửa tiệm… đều đã tính phí dịch vụ, ngoài ra, nhân viên phục vụ ở Bỉ cũng được trả lương khá tốt nên họ không chờ đợi nhiều vào việc được tặng tiền “boa” để cải thiện thu nhập.

Ở Trung Quốc, không ai cần phải “boa” cho ai, đặc biệt là người trong nước với nhau, ngoại trừ một trường hợp, đó là những hướng dẫn viên du lịch và lái xe khách phục vụ cho những đoàn khách tham quan người nước ngoài, những người này thường trông đợi vào tiền “boa”.

Ngoài hai đối tượng kể trên, những người phục vụ trong các lĩnh vực dịch vụ khác ở Trung Quốc không chờ nhận tiền “boa”. Trước hết, đây không phải một nét văn hóa quen thuộc đối với họ. Thứ hai, ở một số nơi còn đề rõ quy định không “boa” cho nhân viên. “Boa” còn có thể bị coi là bất lịch sự, đánh giá thấp người phục vụ.

Ở Hàn Quốc


Ở Hàn Quốc, “boa” không phải một nét quen thuộc trong văn hóa bản địa. Thường người dân nơi đây chỉ vui vẻ cầm số tiền dư - những khoản tiền lẻ không lớn - mà người sử dụng dịch vụ từ chối nhận lại.

Ở Nhật, tiền “boa” hoàn toàn không được coi trọng. Người Nhật tự hào về bản thân mình khi họ có thể đưa ra những dịch vụ tốt, chuẩn mực, việc để lại tiền “boa” vì họ đã làm tốt phần việc của mình không khác gì một sự sỉ nhục.

Ở Singapore, dù là một quốc gia có nhiều người nước ngoài tới kinh doanh, du lịch và học tập nhưng văn hóa tiền “boa” vẫn không thâm nhập sâu rộng vào đời sống của người dân bản địa. Thực tế, ở nhiều khách sạn và điểm tham quan du lịch, người phục vụ không nhận tiền “boa”.

Bích Ngọc
Tổng hợp