"Người trẻ và giới": Hành trình tìm thấy bản dạng giới để sống hạnh phúc
(Dân trí) - Chuỗi sự kiện "Người trẻ và giới" được kỳ vọng là cơ hội để người trẻ được nói lên các trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội.
Giới là gì?
Nhận thức tầm quan trọng của việc phổ biến kiến thức về giới/giới tính trong thanh thiếu niên, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã cho ra đời Tủ sách Giới và phát triển.
Tủ sách nhằm công bố các công trình nghiên cứu, nguồn tư liệu phong phú để bồi đắp kiến thức về giới và thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.
Ngoài ra, NXB quyết định phối hợp các trường đại học và trung học phổ thông trên toàn quốc, tổ chức chuỗi sự kiện Người trẻ và giới, bắt đầu từ tháng 10.
Theo Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, trong xã hội hiện nay, những biểu hiện đa dạng của giới và giới tính vẫn còn mới mẻ, thậm chí khá xa lạ. Không ít người, kể cả người trẻ, đã hiểu sai về giới và giới tính.
"Giới là gì?" - Với câu hỏi này, NXB cho hay, nói một cách đơn giản, "giới tính" để chỉ sự khác biệt về thể chất giữa nam và nữ. Một người thường được chỉ định giới tính khi sinh ra dựa trên các đặc điểm sinh lý, bao gồm cơ quan sinh dục và thành phần nhiễm sắc thể của mình.
Trong khi đó, "giới" liên quan tới các quy chuẩn hoặc chờ đợi của xã hội đối với cá nhân, gắn với văn hóa.
Còn "bản dạng giới" là cách một người nhìn nhận về bản thân mà có thể hoàn toàn khác với giới tính khi họ sinh ra, cũng khác với mong đợi của xã hội và văn hóa về họ.
"Việc nhiều người trẻ còn mơ hồ, mang nhiều định kiến giới xuất phát từ việc vấn đề giới và giới tính chưa được quan tâm đúng cách. Do không được định hướng đúng đắn, người trẻ hoang mang và bối rối trước "bể thông tin"", đại diện NXB cho biết.
Giới trẻ thể hiện sự tự hào rằng đã có nhiều cải thiện trong vấn đề giới/giới tính ở Việt Nam thông qua việc xã hội ngày càng hiện đại và cởi mở hơn.
Tuy nhiên, một quan điểm sai lầm đang trở nên phổ biến, cho rằng bình đẳng giới là "bênh vực phụ nữ", có nghĩa phụ nữ là đối tượng chính, duy nhất của hoạt động bình đẳng giới.
Quan điểm này lan ra trong đời sống thực tiễn, tạo thành một dạng "tư tưởng", quyết định suy nghĩ và hành động của nhiều người.
Xã hội và nhất là thế hệ trẻ cần hiểu đúng, rằng bình đẳng giới không chỉ xoay quanh bình quyền nam nữ, mà là bình đẳng cho tất cả giới, bởi xã hội không chỉ có hai giới nam - nữ mà còn có nhiều giới đang cùng hiện hữu.
Vậy người trẻ trong sự bùng nổ thông tin của thời đại công nghệ sẽ tìm thấy bản dạng giới của chính mình như thế nào để sống hạnh phúc với bản thân và những người xung quanh?
Người trẻ và giới
Chuỗi sự kiện Người trẻ và giới gồm nhiều hoạt động đa dạng, như: bài giảng công cộng, bàn tròn thảo luận và không gian tương tác giữa học sinh, sinh viên với chuyên gia về các vấn đề giới và nữ quyền.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam hy vọng đây là cơ hội để người trẻ được nói lên các trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội.
Ban cố vấn của chuỗi sự kiện "Người trẻ và giới":
TS Khuất Thu Hồng, sáng lập và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).
TS Phạm Quốc Lộc, Hiệu trưởng Đại học Thái Bình Dương.
TS Nguyễn Bảo Thanh Nghi, Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn Lang.
TS Hồ Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Văn học, Đại học KHXH&NV TPHCM.
TS Nguyễn Thị Minh, giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TPHCM
ThS Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE và Điều phối mạng lưới VGEM (Vietnam Gender Equality Movement).
ThS Phù Khải Hùng, Thạc sĩ chuyên ngành Nhân học, hiện là nghiên cứu viên Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (SISS).
Các chủ đề dự kiến xuyên suốt chuỗi sự kiện "Người trẻ và giới":
Giới nhìn từ các khung hình khác nhau: từ sinh học đến kiến tạo.
Giới từ nhị nguyên giới đến đa dạng và cộng đồng LGBTIQ+ ở Việt Nam.
Lịch sử các làn sóng nữ quyền trên thế giới và việc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.
Tại sao lại tự hào? - Hiểu về hoạt động đấu tranh của cộng đồng LGBTIQ+ trên thế giới và ở Việt Nam.
Giới trong văn hóa Việt Nam: Thuần phong mỹ tục hay gông kìm?
Góc nhìn đàn ông (the male gaze): Phụ nữ đẹp cho ai?
Người chuyển giới trong xã hội Việt Nam: Hiện diện, thử thách và hy vọng.
Kỳ thị chồng chất: Sự trình hiện của giới và các căn tính yếu thế trên mạng xã hội.
Bình đẳng giới ở nơi làm việc: Các vấn đề.
Văn hóa phụ quyền và vấn đề quấy rối tình dục và bạo lực trên cơ sở giới.
Ai chăm sóc ai? - Công việc chăm sóc từ gia đình đến nơi làm việc.
Hình ảnh phụ nữ trong văn học và báo chí xuất bản tại Việt Nam đầu thế kỷ XX.