Người tiền sử từng sinh sống trên con đường Tơ Lụa

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã tìm thấy những phế tích còn sót lại trên con đường Tơ Lụa cho thấy người tiền sử từng sinh sống trên cung đường này từ hàng nghìn năm trước khi con đường được hình thành.

Khi đó, con đường Tơ Lụa được coi là tuyến đường thương mại trọng điểm, thông thương buôn bán Á - Âu, chạy qua nhiều vùng lãnh thổ mà ngày nay là các nước Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Pakistan và Trung Quốc.

Người tiền sử từng sinh sống trên con đường Tơ Lụa

Con đường Tơ Lụa từng là tuyến đường huyết mạch giúp thông thương buôn bán Á - Âu cách đây 2.000 năm

Con đường Tơ Lụa ước tính dài hơn 10.000km, cái tên của nó bắt nguồn từ mặt hàng chủ lực của Trung Quốc thường xuyên được vận chuyển buôn bán trên cung đường này.

Một cuộc khai quật được tiến hành từ năm 2010 đối với những phế tích nằm rải rác ở miền tây bắc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc đã cho thấy những bằng chứng thuyết phục về khả năng người tiền sử từng sinh sống trên bờ tây con sông Hắc Hà trong khoảng thời gian từ 3.600 - 4.100 năm trước. Ở thời kỳ này, các cư dân cổ đại đã nắm được kỹ thuật trồng lúa và nấu đồng.

Con đường Tơ Lụa được cho là bắt đầu hình thành từ thời nhà Hán trong khoảng thời gian từ năm 202 trước Công nguyên - năm 220 sau Công nguyên.

Trong vòng 3 năm tiến hành khảo cổ kể từ năm 2010, các nhà nghiên cứu đã tìm được hàng loạt những vật dụng bằng đồng cùng những dụng cụ giúp nấu chảy kim loại. Ở thời kỳ này, các cư dân cổ đại chủ yếu chế tác dụng cụ từ các kim loại đỏ và cũng bắt đầu tìm cách chế tác hợp kim.

Các nhà khảo cổ thậm chí còn tìm thấy một xưởng nấu đồng nằm trên cung đường huyền thoại. Ngoài ra, những bông lúa mạch, những hạt lúa mì có niên đại hàng ngàn năm, những chiếc dao, chiếc cuốc bằng đá hay những ngôi nhà bằng gạch đổ nát cũng đã được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ ven cung đường Tơ Lụa.

Phương tiện đi lại trên con đường Tơ Lụa lúc đó chủ yếu dựa vào gia súc với voi, ngựa, lạc đà...

Phương tiện đi lại trên con đường Tơ Lụa lúc đó chủ yếu dựa vào gia súc với voi, ngựa, lạc đà...

Những phát hiện này cho thấy việc trao đổi, thông thương buôn bán đông tây đã bắt đầu từ trước cả khi triều Hán được lập nên. Những ngôi nhà gạch, những bông lúa mì, lúa mạch giúp các nhà khảo cổ dự đoán rằng cư dân Trung Á và Tây Á đã di cư đến khu vực Đông Á để sinh sống từ hàng ngàn năm trước.

Trước đây cũng đã có nhiều phát hiện khảo cổ cho thấy bằng chứng về sự tồn tại của một nền văn minh tiền sử trên cung đường Tơ Lụa.

Từ năm 2003-2005, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong đống phế tích đổ nát ở thành phố Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc một nông trại chăn nuôi gia súc tồn tại từ cách đây hàng nghìn năm. Những dấu chân gia súc, gia cầm cùng một vài bộ xương khô của các con vật đã giúp việc xác định niên đại trở nên dễ dàng hơn.

Năm 2005, các nhà khảo cổ lại tìm thấy ở thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc những bằng chứng về một bộ tộc nguyên thủy từng sinh sống ở đây từ 4.500 năm trước.

Ở Trung Quốc, con đường Tơ Lụa bắt đầu từ thành phố cổ Trường An mà hiện tại là thành phố Tây An, con đường này chạy dài đến tận khu vực Địa Trung Hải ở Tây Á và khu vực Tiểu lục địa Ấn Độ ở Nam Á. Tổng chiều dài con đường Tơ Lụa lên đến hơn 10,000km với khoảng 4.000km nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.

Phương tiện đi lại trên con đường Tơ Lụa lúc đó chủ yếu dựa vào gia súc với voi, ngựa, lạc đà...


Hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã cùng đệ đơn lên UNESCO để đưa con đường Tơ Lụa vào Danh sách Di sản Thế giới năm 2014.

Pi Uy
Theo People Daily