Người thầy đặc biệt của Mỹ Linh, Bằng Kiều và Hồng Nhung

(Dân trí)– Liveshow trở về sau 10 năm đầy biến động, Bằng Kiều nghẹn lời hướng về thầy giáo già ở khoa kèn ngồi phía dưới, người đã cho anh những bài học quý giá. Còn Mỹ Linh, chị biết ơn cô Diệu Thúy, người thầy đầu tiên đón nhận mình khi những người khác từ chối…

Hồng Nhung

Ở cái tuổi ngoại tứ tuần, ở đỉnh cao sự nghiệp và đã là bà mẹ hai con nhưng Hồng Nhung nói mình vẫn mãi là con Bống nhỏ ở Hồ Tây. “Bống” sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà số 11 Điện Biên Phủ, Hà Nội, học trường cấp 3 Hoàng Diệu.

Ký ức trong Bống thuở học trò thơ ngây vẫn còn vẹn nguyên với nhóm bạn chung lớp, chung trường Hoàng Diệu hồn nhiên, nghịch ngợm. Dù sau này mỗi người một phương trời, một số phận nhưng những người bạn vẫn luôn dành cho nhau tình cảm và lưu giữ những kỷ niệm đẹp.
 
Hồng Nhung xúc động tái ngộ thầy chủ nhiệm cấp 3 trên sân khấu

Hồng Nhung xúc động tái ngộ thầy chủ nhiệm cấp 3 trên sân khấu

Đặc biệt, những tình cảm chân thành dành cho người thầy giáo già chủ nhiệm 3 năm cấp 3 vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim “Bống”. Hơn 20 năm trôi qua, cô học trò giờ đã trở thành nữ ca sĩ nổi tiếng vẫn thường xuyên liên lạc với thầy giáo đáng kính.

“Giờ thầy đã hơn 70 tuổi, tóc đã bạc trắng đầu, dáng đi không còn nhanh nhẹn nhưng đôi mắt vẫn long lanh dõi theo từng bước đường của học trò. Tôi luôn biết ơn thầy vì những tình cảm đặc biệt thầy dành cho mình”, Hồng Nhung tâm sự.

Tại liveshow Có phải em mùa thu Hà Nội của Hồng Nhung diễn ra đầu tháng 10 vừa rồi đã không vắng bóng dáng thầy và những bạn bè chung trường Hoàng Diệu ngày xưa. Người thầy giáo chủ nhiệm 3 năm cấp 3 của Hồng Nhung ở cái tuổi thất thập cổ lai hy ngồi hàng ghế đầu chăm chú lắng nghe và dành cái ôm thật chặt cho cô học trò nhỏ bé. Ông mang hoa đến tặng Hồng Nhung. Trong mắt ông, Hồng Nhung là cô học trò nhỏ học rất giỏi và sống tình nghĩa.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy xúc động trên sân khấu của Bống Hồng Nhung và thầy cũ khiến khán giả không khỏi bùi ngùi. Mắt người thầy giáo già nhòe đi, nước mắt Bống cũng chảy tràn…

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà  Nội”, Hồng Nhung nói dù đi đâu chị vẫn nhớ về nơi "chôn nhau cắt rốn", nơi lưu giữ tuổi thơ “nghịch nắng”, nơi có bạn bè chung trường chung lớp, nơi có “người lái đò” không biết mệt mỏi…

Mỹ Linh

Chia sẻ với Dân trí, Mỹ Linh cho biết chị mới vừa đến thăm người thầy dạy hát đầu tiên là cô giáo Diệu Thúy tối ngày 19/11. Năm nào cũng thế, không chỉ ngày Nhà giáo Việt Nam mà cứ dịp lễ tết là chị lại nhớ đến chúc mừng cô giáo đặc biệt của đời mình.

“Khi bắt đầu thi vào Nhạc viện, khoảng năm tôi 18 tuổi, được sự giới thiệu của bạn bè, tôi có đến xin theo học một số thầy cô. Trong khi một số người khác từ chối nhận tôi thì cô Diệu Thúy đã đón nhận. Cô Diệu Thúy đã phát hiện ra tố chất âm nhạc và gợi mở, hướng tôi bước đi để có thành công như ngày hôm nay. Bao năm qua, tôi là học trò của cô Diệu Thúy và cho đến sau này cô vẫn luôn là người thầy, người huấn luyện viên đặc biệt của tôi”, diva tóc ngắn xúc động trải lòng.
 

Mỹ Linh biết ơn cô Diệu Thúy đã đón nhận mình từ khi chập chững đi học hát...

Mỹ Linh biết ơn cô Diệu Thúy đã đón nhận mình từ khi chập chững đi học hát...

 
Trong mắt nữ ca sĩ này, giảng viên Diệu Thúy không chỉ là người thầy đầu tiên dạy hát, người đầu tiên phát hiện tố chất thanh nhạc đặc biệt ở cô học trò nhỏ, là người thầm lặng trên con đường công danh ngày càng tỏa sáng của chị mà cô Diệu Thúy còn là người chỉ bảo cách đối nhân xử thế, gần gũi với Mỹ Linh trong cuộc sống đời thường.
 
Mỹ Linh nói, được sự đón nhận của cô Diệu Thúy thuở bỡ ngỡ học hát mà chị tự tin tham gia các cuộc thi âm nhạc và đỗ thủ khoa thanh nhạc, nhạc viện Hà Nội năm 1993.

Cho đến thời điểm này, tại các chương trình biểu diễn của Mỹ Linh, cô Diệu Thúy vẫn theo sát và ngồi thầm lặng ở hàng ghế khán giả. “Buổi sáng trước đêm diễn, cô Diệu Thúy giúp tôi luyện thanh. Sau đêm diễn, cô là người phê bình khắt khe nhất để tôi ngày càng hoàn thiện mình trên sân khấu. Tôi cần cô đi xem là để cô phê bình, giúp mình tiến bộ, không vấp phải những lỗi sai đáng tiếc”, Mỹ Linh tiết lộ về người thầy đáng kính.

Về việc chưa giới thiệu cô Diệu Thúy trước khán giả cũng như báo giới như những nghệ sĩ khác, Mỹ Linh tâm sự rằng bản thân cô Diệu Thúy chỉ muốn âm thầm đứng sau hỗ trợ cô học trò nhỏ. Cô giáo đáng kính của Mỹ Linh vốn không thích sự ồn ào…

Bằng Kiều

Sự trở về của Bằng Kiều sau chặng đường đời 10 năm đầy biến động đã tạo thành “cơn sốt” cho những khán giả yêu mến giọng hát của anh. Không chỉ bị cuốn hút vào liveshow ngày trở về, những thông tin về đời tư, từ thuở tập tành học đàn nhạc của “chàng Bầu” cũng được nhiều người tìm lại, chia sẻ.

Không ít người cảm thấy ngạc nhiên và thú vị trước thông tin “Bằng Kiều chưa bao giờ học hát”. Anh học ở Nhạc viện Hà Nội nhưng lại học…khoa kèn, dưới sự kèm cặp của thầy Phúc Linh.
 
Mỹ Linh biết ơn cô Diệu Thúy đã đón nhận mình từ khi chập chững đi học hát...
Bằng Kiều ngày trở về, trên sân khấu Hà Nội anh gửi lời cảm ơn người thân, khán giả và không quên người thầy giáo già ở khoa kèn Nhạc viện

Từ nhỏ, Bằng Kiều đã bộc lộ năng khiếu ca hát nhưng khi thi vào trường nghệ thuật Hà Nội thì lại…rớt. Thế là Bằng Kiều chỉ còn cách “thỏa niềm đam mê ca hát” tại nhà. Duyên làm học trò của thầy Phúc Linh bắt đầu từ một lần “chàng Bầu” hát “hầu” bố - ông Nguyễn Bằng Bùi và mấy ông bạn nghệ sĩ. Thích giọng hát của Bằng Kiều, thầy Phúc Linh dạy kèn ở Nhạc viện liền “bắt” về làm học trò.

Thầy Phúc Linh chính là người định hình thẩm mỹ âm nhạc cho Bằng Kiều. Và, dù cho không học thanh nhạc giờ nào nhưng những năm học kèn ở Nhạc viện Hà Nội đã mang lại cho anh một kiến thức nền tảng tốt về âm nhạc, khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ. Ngoài kèn, Bằng Kiều còn có thể chơi guitar, trống và sáng tác ca khúc, hòa âm phối khí…

Đối với Bằng Kiều, anh luôn hướng về người thầy đáng kính của mình với tình cảm đặc biệt và lòng biết ơn. Trong liveshow ngày trở về của mình, Bằng Kiều đã giới thiệu người thầy giáo dạy kèn trước đông đảo khán giả và gửi tới ông lời biết ơn từ đáy lòng.

“Con xin cảm ơn thầy”, là  lời cảm ơn giản dị, chân thành của Bằng Kiều dành cho người thầy đáng kính của mình!

Nguyễn Hằng