Người phương Tây quan niệm thế nào về người "xông nhà"?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Chúng ta tưởng rằng chỉ có văn hóa Á Đông mới có khái niệm người "xông nhà", nhưng thực tế, người phương Tây cũng có quan niệm này với những chuẩn mực nhất định được đặt ra.

Người phương Tây quan niệm thế nào về người xông nhà? - 1

Người đầu tiên bước qua cửa sau giao thừa được người phương Tây gọi là "chú chim may mắn" (Ảnh: Southern Living).

Người đầu tiên bước qua cửa sau giao thừa được người phương Tây gọi là "chú chim may mắn". Người này sẽ có ảnh hưởng tới sự thịnh vượng, may mắn của gia chủ trong cả một năm sau. Người "xông nhà" lý tưởng nhất là một người đàn ông có mái tóc sẫm màu.

Người có chủ ý đến "xông nhà" người khác cần mang theo những món quà nhỏ có ý nghĩa tượng trưng, chẳng hạn như một viên than, một đồng xu bạc, một ít bánh mì, một nhành lộc xanh, đồ uống hoặc một ít muối. Những thứ này biểu trưng cho sự may mắn, ấm no, đủ đầy, nồng nàn và mặn mà trong năm mới.

"Chú chim may mắn" được coi là đại diện của thần may mắn ghé thăm một gia đình, sau khi "chú chim" gõ cửa, gia chủ phải chạy ra mở cửa nhanh. Kể cả đó là người trong nhà trở về nhà sau khi đi chơi giao thừa về cũng phải chạy ra mở cửa thật nhanh, để may mắn bước vào nhà mà không gặp trở ngại gì, tránh để "thần may mắn" phải tự lấy chìa khóa mở cửa.

Khi đã vào trong nhà rồi, "chú chim may mắn" sẽ giả vờ làm rơi một trong những món đồ may mắn kể trên. Nếu trong nhà có nhiều lối cửa ra vào, thì "chú chim may mắn" nên ra khỏi nhà bằng lối cửa khác, tránh đi ra bằng lối cửa đã đi vào trước đó.

Gia chủ phải chờ "chú chim may mắn" bước vào nhà sau thời khắc giao thừa, sau đó, những người trong nhà mới có thể ra ngoài. Người ta quan niệm rằng những sự di chuyển đầu tiên xung quanh ngưỡng cửa ngôi nhà nên bước vào trong trước, rồi mới đi ra ngoài sau.

Những quan niệm này vốn nằm trong đời sống văn hóa dân gian lâu đời của người dân Vương quốc Anh và có tầm ảnh hưởng đối với nhiều quốc gia phương Tây khác. Ngoài ra, những quan niệm tương tự về người "xông nhà" cũng được tìm thấy trong đời sống văn hóa dân gian của người dân Hy Lạp và Georgia.

Bên cạnh quan niệm về người "xông nhà", người phương Tây cũng có những quan niệm khá dễ hiểu, thậm chí khá gần gũi với người phương Đông trong cách đón chào năm mới:

Vào ngày 1/1 đầu năm, người phương Tây cũng tin rằng những gì diễn ra trong ngày hôm đó sẽ có ảnh hưởng tới cả năm sau. Vì vậy, trong ngày này, họ có những điều nên làm và không nên làm để cả năm sau đó, họ sẽ nhận được nhiều may mắn, tránh được những đen đủi.

Người phương Tây quan niệm thế nào về người xông nhà? - 2

Trao nụ hôn lúc giao thừa (Ảnh: Southern Living).

Trao nụ hôn lúc giao thừa: Trong đêm giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người phương Tây thường hôn những người thân thiết nhất. Đó không chỉ là hành động chia sẻ niềm vui, những cảm xúc rộn ràng trước thời khắc quan trọng mà còn thể hiện mong muốn sợi dây tình cảm kết nối với những người thân yêu sẽ tiếp tục bền chặt trong 12 tháng tới.

Tích trữ: Vào dịp năm mới, không gia đình nào muốn để tủ lạnh ít đồ ăn hoặc chạn bát ít bát đĩa. Gian bếp lúc này phải càng nhiều đồ ăn, thức uống, chén đĩa càng tốt, bởi như vậy trong năm mới, cả nhà mới sung túc, no đủ. Mọi chiếc ví trong nhà đều phải có tiền, càng nhiều tiền nhét trong ví càng tốt bởi đó được coi là điềm báo cho một năm dư dả, rủng rỉnh.

Trả hết hóa đơn: Năm mới không được phép để nợ nần năm cũ vắt sang. Mọi hóa đơn, nợ nần cần phải được thanh toán trước ngày 1/1. Nếu không đủ khả năng chi trả trước dịp năm mới, ít nhất người ta cũng phải bàn bạc với chủ nợ để thống nhất lại thời điểm trả nợ. Thường vào dịp năm mới, người ta mua một chiếc vé số với niềm tin rằng mình vừa mua một cơ may.

Không đem của ra khỏi nhà: Nếu như gia chủ thấy cần tặng quà cho người tới "xông nhà" như một cách đáp lễ, họ sẽ để quà sẵn trong xe ô tô từ tối hôm trước, để sáng ngày 1/1 không phải đem của ra khỏi nhà.

Ở các nước phương Tây, có nhiều người sống cô đơn một mình, đối với những người này, để có được một người "xông nhà" như ý cũng khá khó khăn.

Vì vậy, họ có một cách khác để tự mang may mắn đến cho mình trong năm mới. Họ có thể bỏ những món đồ biểu trưng cho sự may mắn vào trong một chiếc giỏ, buộc dây và để ngoài ngưỡng cửa trước lúc giao thừa. Sau giao thừa, họ sẽ dùng dây kéo chiếc giỏ vào nhà.

Người phương Tây quan niệm thế nào về người xông nhà? - 3

Ở mỗi quốc gia, người ta lại có những quan niệm khác nhau về món ăn đem lại may mắn trong ngày 1/1 (Ảnh: Southern Living).

Đồ ăn: Ở mỗi quốc gia, người ta lại có những quan niệm khác nhau về món ăn đem lại may mắn trong ngày 1/1. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, người ta ăn 12 quả nho khi tiếng chuông đồng hồ điểm đúng thời khắc giao thừa.

Tại Hy Lạp, người ta lại thường rắc hạt lựu trước cửa nhà, bởi hạt tượng trưng cho may mắn trong quan niệm của người Hy Lạp, và hiếm có quả nào nhiều hạt như quả lựu.

Ở tại miền nam nước Mỹ, người ta lại thường nấu món đậu mắt đen bởi hạt đậu có hình giống đồng xu, khiến người ta coi đậu mắt đen như biểu trưng cho sự giàu có, dư dả. Ngoài ra, người dân nơi đây còn nấu các món rau xanh trong ngày đầu năm với quan niệm rằng rau xanh trông giống "tờ xanh" USD. Họ cũng chuộng món thịt chân giò với quan niệm rằng lợn là con vật nhanh nhẹn nhất khi chạy về phía trước.

Công việc: Trong ngày đầu tiên của năm mới, bạn nên làm một chút công việc và phải hoàn thành xong trong ngày đầu năm. Việc làm này chỉ mang tính tượng trưng với mong muốn công việc sẽ suôn sẻ, thuận lợi trong suốt cả năm. Tuy vậy, không nên làm quá nhiều việc trong ngày này bởi đó là điềm không may, rằng cả năm tới bạn sẽ phải è cổ làm việc.

Quần áo mới: Mặc đồ mới vào ngày 1/1 là thói quen thường thấy của người dân ở tại nhiều quốc gia. Quan niệm về màu sắc thì ở mỗi nơi mỗi khác, nhưng về cơ bản, người dân trên khắp thế giới chuộng những màu sắc rực rỡ, tươi sáng để biểu trưng cho may mắn. Người Ý thường mặc đồ nội y màu đỏ để cầu mong may mắn vào dịp năm mới.

Người dân ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh chuộng đồ nội y màu vàng để cầu mong may mắn tiền tài và niềm vui. Người Philippines mặc đồ có họa tiết chấm bi với hy vọng mọi thứ sẽ tròn trịa. Người Mexico thích trang phục màu trắng với hàm ý cầu mong sự bình an, màu trắng cũng biểu trưng cho một khởi đầu mới tinh khôi.

Người phương Tây quan niệm thế nào về người xông nhà? - 4

Tích cực... gây ồn (Ảnh: Southern Living).

Tích cực... gây ồn: Lúc nửa đêm đón giao thừa, gia chủ càng ồn ào càng tốt bởi đây không chỉ là lúc kỷ niệm một khoảnh khắc chuyển giao đặc biệt, mà theo quan niệm dân gian, tiếng ồn ào, cười nói còn khiến những linh hồn quỷ dữ sợ hãi chạy đi.

Giờ đây, chúng ta nhìn nhận pháo hoa như là một trình diễn đẹp mắt để chào đón năm mới, nhưng ở nhiều quốc gia, pháo hoa trong văn hóa dân gian vốn là phương cách dùng ánh sáng và tiếng nổ để xua đi những gì u ám, đen đủi của năm cũ và chào đón những vận khí tốt lành của năm mới.

Để không gian trong nhà thêm vui vẻ, rộn ràng trong thời khắc giao thừa, người phương Tây còn thường tổ chức tiệc đón giao thừa để những người thân yêu được ngồi lại bên nhau, cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ, rộn ràng chào đón năm mới.

Theo www.southernliving.com