Người phụ nữ đẹp đằng sau tác giả “Quốc ca”

(Dân trí) - Đã 70 năm trôi qua, nhưng “Hoa khôi trường Đồng Khánh” vẫn nhớ như in những ngày này năm 1945 khi bà và các bạn mình mặc áo dài trắng, hòa vào dòng người đi trên những ngả đường thủ đô và hát vang bài “Chiến sĩ Việt Nam”…

Ở tuổi 87, người phụ nữ đẹp nổi tiếng- “cô tiểu thư Hà Thành” ngày nào của nhạc sĩ Văn Cao vẫn giữ được những nét quý phái, nền nã, thư thái trên gương mặt. Gặp bà Nghiêm Thúy Băng- vợ cố nhạc sĩ Văn Cao, người ta có thể thấy ngay vẻ đẹp của bà, ngay cả khi thời gian đã trôi qua. Ở bà, vẫn vẹn nguyên sự lịch lãm của “cô tiểu thư Hà Thành”, của nữ sinh Hoa khôi trường Đồng Khánh ngày nào (nay là trường THCS Trưng Vương)- người đã khiến trái tim người nhạc sĩ tài hoa say đắm.

 

Người phụ nữ đẹp đằng sau tác giả “Quốc ca” - 1

Bà Nghiêm Thúy Băng ở tuổi 87

 

Ở tuổi 87, bà Nghiêm Thúy Băng vẫn nhớ như in những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 rạo rực của đất nước từ 70 năm về trước. Bà kể, “Ngày 19/8/1945, Việt Minh giành được chính quyền. Cả đất nước rộn ràng lắm. Ngày đó, tôi cùng đoàn học sinh mặc quần trắng, áo dài đứng dưới quảng trường Nhà hát Lớn. Hôm ấy, ông Lê Trọng Nghĩa và bà Nguyễn Khoa Diệu Hợp có nói về ngày Quốc khánh sắp tới và Bác Hồ sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập. Đó sẽ là một ngày đầu tháng 9”.

Bà Nghiêm Thúy Băng vẫn còn nhớ, 70 năm trước ấy, 4-5 ngày sau 19/8, bà cùng những thiếu nữ mặc áo dài đã đi dưới đường từ Nhà hát Lớn, Bắc Bộ Phủ, Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm… Cứ đi như thế trong sự tưng bừng, háo hức. Và bà, diện áo dài, đi trong đoàn thiếu nữ (là đoàn đi đầu tiên) trong cuộc diễu hành.

 

Người phụ nữ đẹp đằng sau tác giả “Quốc ca” - 2

Bà muốn chụp một bức ảnh cạnh bức tranh do con trai vẽ

 

“Cho đến bây giờ, tôi vẫn sinh hoạt cùng đoàn Thiếu nữ Tiền phong thành Hoàng Diệu. Cứ vào những ngày tháng 9 như thế này, chúng tôi cùng nhau sinh hoạt ở nhà vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 30 Hoàng Diệu. Chúng tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của thời đó. Chúng tôi thường sinh hoạt trước ngày Quốc khánh tầm 10 ngày, để cùng nhau sống lại những thời khắc lịch sử của dân tộc, mà mình đã được chứng kiến…”- Bà Nghiêm Thúy Băng kể lại.

“Hoa khôi trường Đồng Khánh” vẫn nhớ, trong không khí ấy, những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao như “Chiến sĩ Việt Nam”, “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít” đã ra đời. “Hồi ấy, khi đi diễu binh, chúng tôi cùng nhau hát bài “Chiến sĩ Việt Nam”. Lúc đó chưa có ca khúc “19 tháng 8”. Một tháng sau đó ca khúc này mới ra đời”.

 

Người phụ nữ đẹp đằng sau tác giả “Quốc ca” - 3

Và nhắc đến những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, “Hoa khôi trường Đồng Khánh” vẫn còn xúc động. Bà nhớ, khi hát “Tiến quân ca” dưới lá cờ đỏ sao vàng, bà chưa thuộc lời, không thể hát theo, nhưng nước mắt cứ ứa ra…

Sau ngày 2/9/1945 lịch sử ấy, “Hoa khôi trường Đồng Khánh” Nghiêm Thúy Băng đã quen nhạc sĩ Văn Cao trong các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại nhà nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên. Và đến năm 1947, họ kết hôn. Hai vợ chồng nhạc sĩ có tất thảy 5 người con hiện đều đã thành đạt, trưởng thành.

 

Người phụ nữ đẹp đằng sau tác giả “Quốc ca” - 4

Vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao trong ngày cưới của con trai

 

Nhớ lại những năm tháng kết hôn và sống cùng nhạc sĩ Văn Cao vẫn luôn là chuỗi những ngày tươi đẹp, hạnh phúc của bà. Người phụ nữ đẹp của tác giả “Quốc ca” ở tuổi 87 vẫn nhớ những ngày theo chồng lên Việt Bắc, vẫn nhớ lễ cưới được tổ chức giản dị ở ven sông Đáy, vẫn nhớ cả bài “Làng tôi” ông đã sáng tác tặng bà như một món quà cưới…

Và ở tuổi 87, bà Nghiêm Thúy Băng vẫn xúc động nghẹn ngào khi nghe “Tiến quân ca” giữa những ngày tháng 9 lịch sử.

Quốc ca với sự trình bày của 300 nghệ sĩ

 

H.H  

 

Người phụ nữ đẹp đằng sau tác giả “Quốc ca” - 5