"Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen": Giới làm phim lên tiếng
(Dân trí) - "Làm sao biết vì phim "Người phán xử" mà tỷ lệ tội phạm tăng? Tội phạm có khai là vì bắt chước phim "Người phán xử" không?", nhà báo Việt Văn - Ủy viên Hội đồng duyệt phim quốc gia nêu vấn đề.
Trước ý kiến cho rằng sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình "các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, nhà báo Việt Văn - Ủy viên Hội đồng duyệt phim quốc gia thể hiện góc nhìn riêng.
"Tội phạm gia tăng không phải do bắt chước phim ảnh"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, ông không đồng tình với phát ngôn "sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình "các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều".
"Tôi nghĩ rằng, nói gì thì cũng phải có số liệu, bằng chứng chứ. Phim "Người phán xử" có kịch bản nước ngoài, người ta mua về chỉnh sửa đi cho phù hợp. Tôi thấy nội dung không có gì ghê gớm lắm, cũng như những bộ phim chúng ta đang làm. Tuy nhiên, "Người phán xử" làm hấp dẫn hơn, thu hút khán giả xem phim nhiều hơn.
So với "Người phán xử", có nhiều bộ phim truyền hình bạo lực hơn nhiều, thế thì cấm hết à? Kể cả phim điện ảnh, cũng có nhiều phim dữ dội như "Hương Ga", cũng đánh đấm kinh lắm. Đấy là chưa kể những bộ phim nước ngoài được chiếu trên các kênh, trên mạng nội dung ghê gớm hơn nhiều.
Ở khía cạnh lo ngại nội dung phim tác động tiêu cực tới khán giả trẻ, cá nhân tôi cho rằng trẻ con bây giờ không dễ hư kiểu đó đâu. Sự gia tăng tội phạm là do nhiều nguyên nhân, chứ không phải vì bắt chước phim ảnh.
Còn để hạn chế khán giả nhỏ tuổi, tôi thấy ở nước ngoài, ngay cả phim phát sóng trên truyền hình người ta cũng có những khung giờ khác nhau. Ví dụ, trẻ dưới 13 tuổi thì không được xem phim thể loại này, trẻ dưới 16 tuổi thì không được xem phim kia. Phim dành cho khán giả lớn tuổi có thể chiếu sau 10 giờ đêm chẳng hạn…
Về vấn đề quản lý, kiểm duyệt phim, theo tôi cũng cần chặt chẽ", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói.
"Phim nào cũng hướng đến làm xã hội tốt đẹp lên"
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ với Dân trí: "Ý kiến cho rằng sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều" là thiếu căn cứ, cần có thống kê số liệu cụ thể.
Còn thực ra, trước khi có phim "Người phán xử", hàng loạt phim về băng nhóm tội phạm do Hồng Kông sản xuất, tràn ngập trên mạng. "Người phán xử" không phải bộ phim Việt Nam đầu tiên làm về đề tài hình sự mà chỉ là giọt nước nhỏ trong dòng phim về băng nhóm tội phạm.
Và bộ phim nào thì cũng phải vượt qua được khâu kiểm duyệt: nội dung phải có yếu tố giáo dục, tấm gương, nhân quả, gây án thì phải chịu tội, không có phim nào cổ súy cho tội phạm cả. Phim nào cũng hướng đến làm xã hội tốt đẹp lên".
"Phim truyền hình cũng cần có cảnh báo"
Nhà báo Việt Văn - Ủy viên Hội đồng duyệt phim quốc gia cho biết, cần phải rất thận trọng khi đưa ra ý kiến cho rằng sau phim "Người phán xử", tỷ lệ tội phạm tăng lên vì phải có những con số xác thực để chứng minh điều đó.
"Phải thống kê được, trước khi phim này chiếu tỷ lệ tội phạm là bao nhiêu và sau khi phim này chiếu thì tỷ lệ tội phạm là bao nhiêu? Làm sao mà biết được vì phim "Người phán xử" mà tỷ lệ tội phạm tăng? Tội phạm bị bắt có khai là vì bắt chước phim "Người phán xử" hay không?
Tôi nghĩ phải có con số thống kê rõ ràng từ các chuyên gia tâm lý, điều tra tội phạm. Bởi cũng có những tội phạm từ trước chứ không phải vì xem phim mới xuất hiện tội phạm như thế. Tội phạm ma túy khác, tội phạm giết người khác… có rất nhiều khía cạnh khác cần được kiểm tra thận trọng", nhà báo Việt Văn nêu quan điểm với Dân trí.
Bên cạnh đó, nhà báo Việt Văn cho rằng, "Người phán xử" có kịch bản nước ngoài, là phim "remake", phải đảm bảo một số yếu tố nguyên tác, không thể hoàn toàn Việt hóa 100%. Phim vẫn nhiều cảnh bạo lực, sử dụng ngôn ngữ đường phố.
Anh nói: "Tác động phim ảnh đến hành vi của người xem rất lớn, vì phim ảnh là loại hình nghệ thuật phổ biến, đại chúng và có sức ảnh hưởng rất mạnh đối với tâm lý, tình cảm, suy nghĩ và hành động của người xem. Nếu như phim chiếu rạp có sự phân định độ tuổi khán giả thì phim truyền hình cho đại chúng xem cần phải cân nhắc kỹ, có thể có cảnh báo không làm theo phim".
Theo nhà báo Việt Văn, trong Luật Điện ảnh cũng đã có quy định về cảnh bạo lực trong phim, nhưng nếu quy định quá chi tiết thì rất khó. Theo sự phát triển của xã hội, nếu Luật quá chi tiết thì sẽ bị lạc hậu, còn quá khái quát thì không được. Nhà làm phim cần phải dung hòa, cân đối cảnh bạo lực, thời lượng và mức độ thế nào cho hợp lý.