Người Mông đón Tết Nguyên đán
(Dân trí) - Mây trắng giăng phủ núi rừng, tiết trời giá lạnh là đặc trưng của xã vùng cao biên giới nhưng không làm giảm không khí náo nhiệt, vui tươi của bà con đồng bào Mông xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) phấn chấn đón Tết Nguyên đán.
Sáng 30 Tết cả dòng họ đều tập trung làm cây “nêu’’(theo tiếng Mông gọi là Gô Cay) để làm lễ giải xui xua đi những điều không may mắn, cầu mong những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Ngày tết, người Mông không gói bánh chưng, bánh giày mà gói bánh Mông (bánh đặc trưng của đồng bào Mông). Thứ bánh được làm bằng nếp nương. Nếp được hông chín, sau đó thanh niên trai tráng giã nhuyễn rồi đem gói vào lá dong. Bánh có thể để được hàng tháng trời, khi ăn có thể đem hấp nướng hoặc rán lại. Với người Mông ở Nậm Cắn (Kỳ Sơn) bánh Mông là thứ hết sức có ý nghĩa nó tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, nguồn gốc sinh ra vũ trụ và loài người.
Bàn thờ của người Mông ở Nậm Cắn được đặt giữa gian thứ 2 của nhà và bày biện đơn sơ. Đêm giao thừa mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con gà. Hai con gà được dùng để làm vía, một con được dùng để cúng tổ tiên. Trước khi làm thịt gà, thầy cúng làm lễ với trứng gà. Số lượng trứng gà thường bằng số người trong gia đình cộng thêm 3 quả để gọi hồn vía của tổ tiên, gia súc gia cầm và hồn vía hoa màu về ăn tết.
Trong 3 ngày đầu của năm mới người Mông ở Nậm Cắn- Kỳ Sơn thường kiêng không giết thịt gia súc gia cầm và không tiêu tiền, họ quan niệm tiêu tiền trong những ngày đầu năm mới cả năm sẽ không giữ được tiền. Ông Lầu Giống Dìa cho chúng tôi biết thêm về ý nghĩa của mâm cỗ ngày tết: “Tết đến người Mông ở Nậm Cắn- Kỳ Sơn thường làm thịt 3 con gà để cúng, làm lễ cúng là mong cho một năm sung túc, mời gọi tổ tiên về ăn tết, mong cho năm sau nhiều vật nuôi hơn, hoa màu tươi tốt hơn”.
Chúng tôi, ghé thăm gia đình anh Lầu Bá Rê ở bản Trường Sơn, có khách quý đến chơi, gia đình anh làm cơm mời khách theo phong tục đón năm mới của người Mông. Bên chén rượu thắm nồng tình nghĩa ngày xuân, niềm vui no ấm lại càng được nhân lên như bếp lửa hồng luôn cháy đỏ trong mỗi căn nhà của người Mông ở Nậm Cắn.
Cùng với gia đình Lầu Bá Rê, nhiều gia đình ở Nậm Cắn đã thoát nghèo nhờ biết biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo phương thức mới, có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Trong niềm vui hân hoan đón chào năm mới, ông Hờ Giống Nhìa- Chủ chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự đóng góp công sức của nhân dân, nhiều công trình an sinh xã hội phục vụ nhân dân ở Nậm Cắn ngày càng khang trang, hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động công sức của nhân dân, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đường giao thông từ trung tâm xã đến hai bản Huồi Pốc và Pà Ca với tổng chiều dài 13 km. Cùng với đó, lưới điện hạ thế cũng được đầu tư xây dựng cho một số bản trong xã. Đến thời điểm này đã có trên 60% hộ gia đình có điện thắp sáng. Không chỉ phục vụ sản xuất, điện về còn giúp bà con mở mang tầm nhìn, tiếp cận nhiều cách làm ăn mới thông qua xem truyền hình, nghe đài... Bà con đón cái Tết đầm ấm, vui tươi hơn”.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trong mấy ngày Tết đến xuân về, người Mông ở Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn gác lại mọi bồn bề, lo toan. Họ vui chơi thoải mái để chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới. Tết ở miền xuôi đang ngày càng mất đi hương sắc cổ xưa thì ngược lên vùng đồng bào Mông người ta vẫn cảm nhận được một cái tết đơn sơ mà ấm cúng với những nét truyền thống bao đời được đồng bào lưu giữ.
Một mùa xuân mới đã về. Sắc xuân đang ngập tràn khắp mọi nẻo trên vùng biên cương của Tổ quốc. Và trên các bản làng ở xã vùng biên Nậm Cắn - Kỳ Sơn, mùa xuân năm nay sẽ càng ấm áp hơn, yên vui hơn với những thành quả mà người dân nơi đây đã nỗ lực giành được.
Cùng với sự đoàn kết, vươn lên vượt mọi khó khăn, thách thức, đời sống đồng bào các dân tộc miền biên giới này sẽ ngày càng ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc từng tấc đất chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Nguyễn Phê - Lê Thanh