Người M'Nông mang chiêng đi đánh xứ người

Đặng Dương

(Dân trí) - Lần thứ 2, tiếng chiêng M'nông được vang lên tại sự kiện văn hóa thế giới. Đó không chỉ là niềm tự hào khi nghệ thuật dân gian vươn tầm quốc tế mà còn là kết quả của những nỗ lực bảo tồn.

Nhịp chiêng Pi Nao

Con đường nhỏ chạy quanh co giữa bạt ngàn cà phê dẫn chúng tôi đến Nhà văn hóa cộng đồng bon Pi Nao (xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông). Trong tiếng M'nông, bon có nghĩa là ngôi làng, còn Pi Nao có nghĩa trảng cỏ lớn. Người dân trong bon sống quây quần với nhau, lấy một căn nhà giữa làng để làm nơi sinh hoạt chung cho cả cộng đồng.

Người MNông mang chiêng đi đánh xứ người - 1

Nghệ nhân M'nông trình diễn chiêng trong hang động núi lửa Đắk Nông (Ảnh: Thanh Hải).

Từ đầu bon, nhịp chiêng Pi Nao theo gió len lỏi vào những căn nhà của đồng bào bản địa. Càng đến gần, tiếng chiêng càng ngân vang, mang đặc trưng của Cao nguyên M'nông mà không lẫn với bất cứ tiếng chiêng của dân tộc nào.

Anh Y Lanh, đội trưởng đội chiêng của bon Pi Nao niềm nở dẫn khách vào bên trong căn nhà văn hóa, nơi đội chiêng đang cấp tập chuẩn bị cho các tiết mục biểu diễn chiêng tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE).

Nam nghệ nhân tự hào khoe, cuối năm 2021, đội chiêng và đội dệt thổ cẩm bon Pi Nao sẽ biểu diễn trong chương trình Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai. Dù đã là lần thứ hai được đi nước ngoài, được mang nhạc cụ và văn hóa của dân tộc giới thiệu đến bạn bè quốc tế, song trong lòng ai cũng khấp khởi. Lo lắng có, hồi hộp có mà tự hào, hãnh diện cũng có.

Người MNông mang chiêng đi đánh xứ người - 2

Anh Y Lanh (bên trái) cùng đội chiêng Pi Nao tập luyện chiêng trước khi ra nước ngoài biểu diễn.

Anh Y Lanh kể, bon Pi Nao trải qua những thăng trầm khi tiếng chiêng đã có lúc đứt đoạn. Thế nhưng nhờ sự hỗ trợ của ngành chức năng và niềm tin, sự trân trọng với những giá trị văn hóa của người dân trong bon, nhịp chiêng Pi Nao đã sống lại, hòa vào dòng chảy văn hóa của Đắk Nông, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh con người của vùng đất phía Nam Tây Nguyên này.

"Những năm đầu thế kỷ 21, những bộ chiêng cổ lần lượt biến mất khi nhiều gia đình không còn thích nghe tiếng chiêng. Ngày đó, một bộ chiêng cổ được làm bằng đồng đen cũng đáng giá một con trâu mộng nên nhà ai có chiêng cũng không muốn giữ trong nhà. Riêng nhà tôi thì bị trộm mất hai bộ chiêng cổ từ thời ông bà để lại, thành ra muốn nghe tiếng chiêng cũng không biết lấy gì để đánh", anh Y Lanh nhớ lại thời điểm văn hóa dân tộc gần như mai một.

Được thành lập từ năm 2008, đội chiêng bon Pi Nao đã quy tụ được gần 15 thành viên tham gia sinh hoạt. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên luôn cố gắng sắp xếp, dành thời gian để tham gia luyện tập vào những lúc rảnh rỗi. Khi tiếng chiêng "thập thoong" vang lên cũng là lúc các chàng trai, cô gái hòa mình theo từng giai điệu.

Người MNông mang chiêng đi đánh xứ người - 3

Nghệ nhân Y Lanh (bên phải) và Y Nhép chỉnh chiêng.

Định kỳ ngày cuối tháng, các thành viên cùng các nghệ nhân trong bon lại cùng nhau luyện tập đánh chiêng, Vì vậy, mỗi khi trong bon có sự kiện gì quan trọng thì tiếng cồng, tiếng chiêng lại ngân vang. Đặc biệt, đội chiêng còn đại diện cho tỉnh Đắk Nông đi tham gia trình diễn tại các sự kiện văn hóa lớn trong nước.

"Khác với người Ê Đê, người M'nông không có cồng mà chỉ có chiêng. Bộ chiêng của M'nông Prâng có 6 chiếc, thể hiện 6 âm thanh khác nhau. Chiếc lớn nhất là chiêng mẹ. Khi tiếng chiêng mẹ vang lên, các chiêng khác lần lượt hòa nhịp, tạo thành âm thanh trầm bổng, ngân vang như hợp khúc của núi rừng, nương rẫy, hối thúc trai gái hòa vào nhảy múa", nghệ nhân Y Lanh nói về thứ âm thanh của đồng bào mình bằng một niềm tự hào mãnh liệt.

Hai lần mang chiêng "xuất ngoại"

Theo anh Y Lanh, cuộc sống của người M'nông đã gắn liền với tiếng chiêng, thấm đẫm bản sắc văn hóa mà ông bà để lại. Tiếng chiêng vốn là âm thanh đặc biệt, vừa mang tính văn hóa, giải trí, vừa mang yếu tố tâm linh, truyền thống. Trong suốt những năm qua, hầu như năm nào đội chiêng cũng vinh dự được đại diện cho các dân tộc anh em tỉnh Đắk Nông đi trình diễn tại các sự kiện văn hóa lớn nhỏ trong nước.

Với lối diễn tấu chuyên nghiệp, đội chiêng đã để lại ấn tượng mạnh trong bạn bè gần xa bởi sự mới lạ trong cách sử dụng tiết tấu cũng như phong cách trình diễn. Cũng chính nhờ sự miệt mài, trách nhiệm, hơn 10 bài chiêng cổ của đồng bào M'nông như Pep Kon Jun, Ching ngăn, Thơt tinh thoa, Têt tơ wer, Speh Dfoor... được đội chiêng bon Pi Nao bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Người MNông mang chiêng đi đánh xứ người - 4

Năm 2016, đội chiêng Pi Nao được chọn tham gia biểu diễn tại Đan Mạch (Ảnh: UBND tỉnh Đắk Nông cung cấp).

Ông Y Nhép - thành viên lão luyện nhất của đội chiêng Pi Nao - cho biết, các thành viên trong đội đều luôn cố gắng hết mình để có thể gìn giữ linh hồn của dân tộc. Năm 2016, đội chiêng được chọn tham gia biểu diễn tại Hội thảo về âm nhạc bộ gõ do Học viện âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch. Lần đầu tiên trong cuộc đời, những nghệ nhân đánh chiêng M'nông được mang nhạc cụ của dân tộc ra thế giới, đó chính là vinh dự đặc biệt nhất mà đồng bào bon Pi Nao có được.

Vốn là người con của núi rừng, được cha là một nghệ nhân cồng chiêng nổi tiếng của Tây Nguyên truyền dạy kỹ thuật âm nhạc từ năm 10 tuổi, thế nhưng chính ông Y Nhép cũng không nghĩ rằng, có ngày tiếng chiêng M'nông được vang xa đến thế. Thứ âm nhạc truyền thống đã ngấm vào máu người đàn ông 50 tuổi khiến ông tự hào và hãnh diện vô cùng.

Người MNông mang chiêng đi đánh xứ người - 5

đội chiêng bon Pi Nao biểu diễn trong chương trình Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai (Ảnh: UBND tỉnh Đắk Nông cung cấp).

"Cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được sang Châu Âu biểu diễn, bỡ ngỡ lắm nhưng cũng vui lắm. Giữa trời tuyết trắng xóa, tiếng chiêng M'nông vang lên khiến tất cả khách mời đều hứng khởi, hòa vào nhịp múa xoang như một ngày hội lớn. Nhiều người hỏi rằng, tại sao một khối đồng lại phát ra âm thanh thu hút đến như vậy. Họ nói, sẽ đến Việt Nam để học cách sử dụng nhạc cụ của đồng bào mình!", ông Y Nhép nhớ lại kỷ niệm lần đầu được đưa chiêng M'nông xuất ngoại.

Bên bếp lửa bập bùng, bên ngoài gió mùa khô thổi lạnh buốt, nghệ nhân Y Nhép nhấp một ngụm rượu cần rồi ngẫu hứng hát một bài sử thi M'nông bằng chất giọng hào sảng. Nam nghệ nhân bảo rằng, chất "men say của núi rừng" trong người làm nhịp chiêng có hồn hơn, kết hợp với những bài hát truyền thống cùng điệu múa xoang của người con trai, người con gái tạo nên không gian trình diễn chiêng sinh động và sử thi hơn.

Chia sẻ về "kịch bản" trong lần trình diễn sắp tới, ông Y Nhép nói: "Chúng tôi tập rất kỹ, vừa đánh chiêng, vừa hát sử thi. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi biểu diễn kết hợp như thế này tại một sân khấu lớn. Hy vọng, tiếng chiêng M'nông sẽ được mọi người đón nhận".