Quảng Trị:
Người lưu giữ và “truyền lửa” âm nhạc cho thế hệ trẻ
(Dân trí) - Gần trọn cuộc đời cống hiến tâm sức cho việc lưu giữ, nghiên cứu và truyền thụ văn hóa, âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ, già Hồ Văn Tư (hay gọi là Pả Hôm, SN 1932, ở bản Cợp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) luôn ước nguyện những giá trị văn hóa truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc sẽ được lưu giữ, phát triển cho mai sau.
Nỗi lòng của già Tư cũng xuất phát từ việc những nét đẹp văn hoá của người Vân Kiều, Pa Kô đang đứng trước nguy cơ bị mai một trong đời sống hiện nay. Đặc biệt, sau những năm chiến tranh, người ta ít được nghe những tiếng đàn ta lư trong trẻo, hay những tiếng khèn bè, tiếng sáo du dương…
Say mê nghiên cứu âm nhạc dân tộc
Để tiếp xúc và trò chuyện với già Hồ Văn Tư, chúng tôi và anh Hồ Văn Lượng, cán bộ văn hóa xã Húc Nghì phải vượt quãng đường hơn 15 km, “đánh vật” với những cung đường nhão nhoẹt, dốc dựng đứng. Nhà của cụ Tư nằm giữa lưng chừng núi thuộc dãy Trường Sơn.
Anh Hồ Văn Lượng cho biết, già Tư thuộc số ít người lưu giữ, sử dụng và hiểu sâu sắc các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Pa Kô - Vân Kiều. Không những thế, già còn truyền dạy âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ. Với những cống hiến của già Tư, tỉnh Quảng Trị đang đề xuất Bộ Văn hóa công nhận cụ là nghệ nhân ưu tú.
Giới thiệu cho chúng tôi tỉ mỉ từng loại nhạc cụ, ý nghĩa và việc sử dụng các nhạc cụ này, già Hồ Văn Tư cho biết, ông đam mê âm nhạc từ thuở còn thanh niên. Lúc nhỏ được bố truyền dạy về âm nhạc. Những năm tháng tham gia kháng chiến, ông đã gặp gỡ những người chế tác, chơi nhạc cụ dân tộc ở dọc dãy Trường Sơn và từ đó đem lòng yêu mến âm nhạc dân tộc. Ông Tư cũng đã có quá trình học hỏi và chơi nhạc say mê.
Già Tư nói, hầu hết các nhạc cụ dân tộc đều mang bản sắc của đồng bào Vân Kiều - Pa Kô. Dù mỗi dân tộc có bản sắc riêng nhưng nhạc cụ có phần giống nhau. Mỗi loại nhạc cụ lại có ý nghĩa riêng, mang ngôn ngữ, sắc thái riêng.
Theo già Tư, khèn được sử dụng vào dịp lễ hội, các hoạt động văn hóa tạo không khí vui, đàn tro thường biểu diễn theo đàn ta lư, biểu diễn trong các dịp đi sim nhằm thể hiện tình cảm với người yêu…
Ông Tư nói rằng, những tiếng đàn ta lư, khèn bè, khui, tro… như đã ăn sâu vào tâm hồn ông, để những lúc buồn, lúc vui ông lại ngân lên những điệu nhạc giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Theo lời anh cán bộ văn hóa xã, người dân khắp vùng núi rừng Húc Nghì không ai không biết già Tư, người có nhiều tài năng, am hiểu về âm nhạc dân tộc.
Trở về sau chiến tranh, ông Tư mang suy nghĩ muốn sưu tầm, chế tác nhạc cụ dân tộc để vừa thỏa sức đam mê, vừa để lưu giữ lại cho thế hệ mai sau. Ông Tư đã nhiều lần khăn gói đến các bản làng xa xôi để nghiên cứu, tìm hiểu và cùng tham gia biểu diễn. Những lúc khỏe, ông Tư còn vào xã Tà Rụt chơi và biểu diễn âm nhạc. Đối với ông Hồ Văn Tư, tiếng hát, tiếng đàn đã trở thành một phần máu thịt, ông xem đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống.
Nhờ chơi nhạc hay, chế tác giỏi mà ông Tư có cơ hội gặp gỡ với bà Hồ Thị Lai (SN 1942), vợ của ông bây giờ. Bà Lai cho hay, hồi trẻ nghe ông Tư chơi nhạc trong những lần tham gia biểu diễn văn nghệ nên đem lòng yêu mến. Khi về sống với nhau đến nay, bà vẫn say sưa nghe tiếng khèn, tiếng sáo của chồng. Chính vì vậy, trong nhà không bao giờ thiếu tiếng cười, hai ông bà vẫn thủy chung son sắt đến bạc đầu, những khi rảnh đều đưa nhạc cụ ra đàn hát.
Hai vợ chồng già Tư có 7 người con và người con lớn của ông là anh Hồ Văn Hôm đã tiếp nối niềm đam mê với bố. Anh Hôm thông thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc và còn biết chơi cả đàn bầu.
Thắp lên “ngọn lửa” đam mê âm nhạc cho giới trẻ
Giữa “dòng xoáy” âm nhạc hiện đại, những nét đẹp văn hoá của người Vân Kiều, Pa Kô đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Lớp trẻ thích những nhạc cụ đắt tiền, sôi động hơn chiếc khèn bè, cồng chiêng, đàn ta lư... Trăn trở trước điều đó, ông Hồ Văn Tư thường cùng những người có uy tín tìm đến từng nhà để trò chuyện, động viên lớp trẻ.
Ông nói về cái hay, cái đẹp của văn hoá người Vân Kiều và đặc biệt là sự quý giá của các loại nhạc cụ dân tộc. Ông luôn cố gắng sức khơi dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê âm nhạc, nhạc cụ dân tộc trong tâm hồn mỗi đứa trẻ Vân Kiều, Pa Kô. Già Tư nói rằng, ông mang tâm nguyện lớn với hy vọng lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Già Tư luôn cố gắng truyền "ngọn lửa" âm nhạc cho giới trẻ
Với những cố gắng trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa giữa đại ngàn Trường Sơn, già Tư vừa nghiên cứu, chế tác nhạc cụ, vừa ra sức truyền thụ cho giới trẻ những âm điệu độc đáo của tiếng đàn ta lư, sáo khui, khèn bè… Nhờ đó, một bộ phận giới trẻ trong bản đã bắt đầu có tình cảm với âm nhạc dân tộc.
Dù đã gần tuổi 85, già Tư vẫn cống hiến tâm sức cho việc gìn giữ và phát triển những nét đẹp văn hóa dân tộc Vân Kiều - Pa Kô. Ông cũng trăn trở, nếu một mai ông không đủ sức khỏe để làm công việc này thì rất mong các cơ quan chuyên trách về văn hóa hãy phát triển thêm, nếu không sẽ là sự thiếu hụt cho nền âm nhạc dân tộc.
Đăng Đức