Người lính rưng rưng đoàn tụ gia đình đêm "Biển, đảo - Trái tim Việt Nam"
(Dân trí) - Tại buổi giao lưu, toạ đàm "Biển, đảo - Trái tim Việt Nam", khoảnh khắc đoàn tụ bất ngờ của Đại úy Phạm Văn Chiến - Đội phó Vũ trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia cùng vợ con trên sân khấu khiến tất cả chiến sĩ và đại biểu tham dự đều rưng rưng xúc động.
Tối 21/12, chương trình giao lưu, toạ đàm "Biển, đảo - Trái tim Việt Nam" đã diễn ra tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức nhằm kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2016) và 27 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2016).
Phát biểu tại buổi giao lưu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: “Biển, đảo là một phần “máu thịt” thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam chúng ta”.
“Trong những năm qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền về biển, đảo, đưa thông tin trực tiếp đến với cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân ta ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, cũng như đến bạn bè quốc tế khắp nơi trên thế giới”, Thứ trưởng thông tin.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng chương trình sẽ góp phần kết nối đất liền với đảo xa, kết nối gia đình với cán bộ, chiến sĩ lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng và các lực lượng chức năng khác đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo, truyền tải những tình cảm sâu đậm của đất liền tới những cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ biển, đảo của Tổ quốc”.
Trung úy Nguyễn Anh Sơn (SN 1991) hiện là Phó thuyền trưởng quân sự tàu cảnh sát biển 1011, Hải đội 102, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 chia sẻ: “Kỷ niệm đẹp của tôi là lần đầu tiên được thực hiện nhiệm vụ trên con tàu mà tôi đang công tác, khi ra tới cửa biển là khoảng 19h. Tôi đã phải thốt lên với thuyền trưởng: “Anh ơi sao biển đẹp thế này”.
Trên biển về đêm, đèn tàu cá của ngư dân rất sáng, giống như một thành phố trên biển. Tôi và đồng đội sẽ cố gắng hết sức mình giữ gìn an ninh biển đảo để ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu cho đất nước”.
Việc được gặp gia đình là một ước mơ giản dị nhưng lại là khát khao lớn lao với những người lính đảo. Trong chương trình, Đại úy Phạm Văn Chiến - Đội phó Vũ trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, anh hi vọng nhân dịp về đất liền tham dự buổi tọa đàm sẽ được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện về thăm gia đình.
Chương trình đã dành tặng Đại úy Phạm Văn Chiến đoạn video chân thực ghi lại hình vợ con anh nơi quê nhà. Bất ngờ hơn, ngay sau khi đoạn video kết thúc, vợ con anh đã xuất hiện ngay trên sân khấu. Người lính đảo xúc động ôm chầm vợ con sau thời gian xa cách. Khoảnh khắc đoàn tụ của gia đình nhỏ khiến khán giả rưng rưng xúc động.
Cậu bé Hoàng Nguyễn Việt Anh - công dân có tấm giấy khai sinh đầu tiên tại Đảo Trần, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) cũng được mời đến tham dự chương trình. Năm nay cậu bé đã học lớp 2. Sau phút bối rối, ngại ngùng ban đầu, Việt Anh đã dõng dạc đọc bài thơ “Chú bộ đội hành quân trong mưa” của tác giả Vũ Thùy Linh để dành tặng các chiến sĩ.
Các đại biểu cũng đã xem những phóng sự với những câu chuyện đầy xúc động của bà Mai Thị Hoa, vợ liệt sĩ Trần Văn Phương; chị Trần Thị Bích Thủy, vợ liệt sỹ Phạm Văn Huy - Vùng Cảnh sát biển 1, mẹ Đặng Thị Chúc, bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cũng là một trong những người già nhất trên đảo Vĩnh Thực.
Xen kẽ trong chương trình là các tiết mục văn nghệ ý nghĩa như: Ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" với phần thể hiện của ca sĩ Trọng Tấn, tiết mục "Nơi đảo xa" qua giọng ca Xuân Hảo,…
Phương Nhung