Quảng Trị:
Người hơn 10 năm góp công bảo tồn văn hóa Vân Kiều, Pa Kô
(Dân trí) - Mang tâm nguyện muốn tìm lại những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau, Kray Sức đã lặn lội đến các bản làng xa xôi dọc dãy Trường Sơn ở miền Tây Quảng Trị để tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu hướng phục hồi các truyền thống văn hóa đang có nguy cơ bị mai một theo thời gian.
Chúng tôi đã gặp gỡ, nghe kể về chuyện Kray Sức nghiên cứu văn hóa nhiều lần, nhưng phải trò chuyện với ông mới thấu hiểu được công việc, niềm đam mê trong con người này. Ông Kray Sức nằm trong số ít những người hiểu về văn hóa dân tộc, luôn mang tâm huyết muốn tìm lại nét văn hóa đặc trưng, những dấu ấn, tập tục, nghi lễ trong đời sống tinh thần của thế hệ trước.
Ông Kray Sức sinh năm 1964, người Pa Kô, ở thôn A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Kray Sức là người đồng bào dân tộc đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Từ bao đời nay, trong phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở Đakrông, Hướng Hóa chứa đựng nhiều nét đặc trưng. Những làn điệu dân ca, các điệu múa cồng chiêng, tiếng khèn… của người Vân Kiều-Pa Kô có vai trò quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân.
Trong cuộc sống lao động sản xuất, dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc.
Nếu ai đã sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đakrông huyền thoại, các thế hệ người Pa Kô, Vân Kiều tỉnh Quảng Trị luôn được nuôi dưỡng bằng những làn điệu dân ca, những khúc hát, phong tục văn hóa dân gian truyền thống.
Hướng Hóa, Đakrông là 2 huyện miền núi nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, là nơi hội tụ, giao thoa nền văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc của 3 dân tộc anh em Kinh, Vân Kiều, Pa Kô cùng sinh sống. Nét đặc trưng rất riêng trong đời sống văn hóa- những giá trị phi vật thể mà chỉ có đồng bào dân tộc Vân Kiều- Pa Kô có được đó chính là nét đẹp từ những giá trị về tinh thần qua các làn điệu dân ca.
Kray Sức nói rằng, những phong tục tập quán, những làn điệu dân ca, các điệu múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội… đang bị lãng quên dần trong đời sống hiện đại. Và, bản thân ông muốn tìm hiểu, nghiên cứu những nét văn hóa đặc sắc ấy với khát khao phục hồi, phổ biến, đưa nó quay trở lại trong đời sống tinh thần của bà con.
Nói đến công việc bảo tồn văn hóa, Kray Sức cho biết, ông bắt đầu công việc này từ năm 2004. Lúc đó, khi ông vừa làm công tác tuyên truyền, vận động bà con, ông nghĩ đến việc phải giữ gìn các nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, lễ hội đặc trưng.
Kray Sức xác định rằng, muốn bảo tồn thì phải đi, nếu ngồi chỉ có nghiên cứu, đọc tài liệu. “Có đi đến những vùng khó khăn nhất, xa xôi hẻo lánh nhất ta mới bắt gặp được những điều mình cần gặp. Thực tế đã kiểm chứng điều đó, nhờ đi nhiều mà tôi biết được nhiều nét văn hóa của bà con ở các vùng hoang sơ này còn giữ nguyên, những đồ họ cất giữ còn giá trị, những tập tục, nghi lễ… Tôi đã ghi chép tất cả để về tổng hợp đầy đủ, sau đó mời các già làng cùng xem, góp ý, gợi ý về hướng bảo tồn vì sao hiện nay các giá trị văn hóa này đang mất dần trong đời sống”.
Nhiều năm qua, bước chân của Kray Sức đã chạm đến nhiều bản làng dọc hai bên biên giới Việt-Lào để tìm và nghiên cứu văn hóa. Kray sức thừa nhận, việc bảo tồn văn hóa là việc làm vô cùng khó khăn, cần sự kiên trì, tìm hiểu chính xác các phong tục, kiểm chứng qua những người già còn sống. Có như vậy mới hy vọng phục dựng lại những nét cơ bản chứ chưa nói đến bảo tồn nguyên dạng. Công việc này cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các ngành chuyên môn.
Từ năm 2004 đến nay, ông đã sưu tầm, ghi chép, biên soạn 25 kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội, các làn điệu dân ca của người Pa Kô, sáng tác lời bài hát trên cơ sở làn điệu dân ca; xây dựng kịch bản múa cồng chiêng,…
Văn hoá dân gian, lễ hội, tín ngưỡng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô có nhiều nét tương đồng về ý niệm tâm linh. Tuy nhiên, các lễ hội không giống nhau về hình thức tổ chức, chỉ có điểm giống nhau là trong văn hoá truyền thống của hai dân tộc này thì hình thức “lễ” nhiều hơn “hội”.
Theo Kray Sức, người Pa Kô có nhiều lễ hội nhưng trong đó có 3 lễ hội chính là lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa) và lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả).
Lễ hội Puh Boh được tổ chức vào mùa rẫy và thường diễn ra tại nương rẫy của bản. Lễ hội Aya (hội mùa) thường diễn ra vào dịp lễ Tết.
Lễ Ariêu Piing (lễ bốc mả) là lễ hội lớn nhất của người Pa Kô và phải nhiều năm mới tổ chức một lần, không hạn định thời gian. Tất cả công đoạn, sản vật dâng cúng thần tại lễ Ariêu Piing được dân bản chuẩn bị công phu, chu đáo trước đó cả năm.
Đam mê tìm tòi, nghiên cứu về văn hóa, Kray Sức cho biết: “Bây giờ lớp trẻ người Pa Kô nhiều bản làng không còn mặn mà với phong tục, tập quán làm nên nét văn hoá độc đáo của người Pa Kô. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn văn hóa, phát huy nó trong đời sống càng trở nên khó khăn hơn”.
Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, ngoài những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Pa Kô đã được bạn bè trong và ngoài nước biết, địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn. Huyện Đakrông là địa phương còn nghèo thuộc chương trình 30a. Để bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc không hề là chuyện dễ dàng.
“Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa, trước hết cần giáo dục truyền thống trong các tầng lớp thanh niên, đội ngũ kế tục sự nghiệp. Ngoài ra, muốn bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể cần có sự quan tâm hơn nữa về vật chất, tinh thần. Bởi các vật dụng từ xa xưa để lại đã dần bị mai một. Từ trước đến nay, địa phương đã có nhiều chiến lược để bảo tồn văn hóa, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu”.
Đăng Đức