Người Hà Nội sẽ được chiêm ngưỡng hoa Tam Giác Mạch tại phố đi bộ
(Dân trí) - Người dân dân Thủ đô sẽ được chiêm ngưỡng hoa Tam Giác Mạch của Hà Giang trong sự kiện “Không gian văn hoá dân tộc Mông – Hà Giang tại Hà Nội sẽ diễn ra vào 3 ngày: 11, 12, 13/11 tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ - Hà Nội, cạnh phố đi bộ.
Sáng nay (8/11), tại văn phòng Bộ VHTTDL đã diễn ra buổi hợp báo giới thiệu về sự kiện “Không gian văn hoá dân tộc Mông - Hà Giang tại Hà Nội”. Theo đó, sự kiện sẽ diễn ra vào 3 ngày: 11, 12, 13/11 tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ - Hà Nội.
Chương trình sẽ tái hiện không gian văn hoá đồng bào dân tộc Mông ngay giữa lòng Hà Nội bằng một loạt các hoạt động đặc sắc như: khèn sáo Mông, gậy sinh tiền, kèn lá, kèn môi…
Khách đến tham dự sự kiện sẽ có cơ hội tham gia các trò chơi, biểu diễn nghệ thuật độc đáo, điển hình như: múa khèn, đánh yến, xem trình diễn se lanh vải, các nghệ nhân Mông biểu diễn quy trình dệt lanh truyền thống, tái hiện lễ hội Gầu Tào - Lễ hội mùa xuân hàng năm của người Mông, thử trang phục đồng bào. .. Các tiết mục được trình diễn bởi các nghệ nhân người Mông và diễn viên chuyên nghiệp.
Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều nét văn hoá ẩm thực đặc trưng của dân tộc Mông - Hà Giang như: đặc sản hồng không hạt, cam sành Hà Giang, bánh kẹo thủ công, rượu hoa Tam Giác Mạch…
Đặc biệt, tại sự kiện này, các nghệ nhân cũng sẽ đưa hoa Tam Giác Mạch, một loại hoa nổi tiếng của Hà Giang xuống Hà Nội để bài trí tại khuôn viên diễn ra sự kiện.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, đại diện UBND tỉnh Hà Giang và Bộ VHTTDL cũng giới thiệu về “Ngày hội văn hoá dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II, tại tỉnh Hà Giang 2016” diễn ra từ ngày 18/11 đến hết ngày 19/11 tại TP. Hà Giang.
Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hoá thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đây đồng thời là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên… gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày hội có 13 tỉnh tham gia: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk. Lễ Khai mạc được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV5 và Truyền hình Hà Giang lúc 20 giờ ngày 18/11.
Trong những ngày diễn ra ngày hội sẽ có các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng: Liên hoan nghệ thuật quần chúng; Trình diễn nét đẹp trong trang phục phụ nữ dân tộc Mông; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc Mông; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của dân tộc Mông; Ẩm thực dân tộc Mông; Thi đấu một số môn thể thao và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Mông: Bắn nỏ, Đánh tu lu; Ném Pao; Đánh yến; Trải nghiệm du lịch vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Hà Tùng Long