1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Người giữ hồn tính tẩu, hát then trên đất Đắk Nông

(Dân trí) - Hơn 20 năm nay, người cựu chiến binh gốc Cao Bằng vẫn say mê, gắn bó với đàn tính, hát then. Ông tự hào rằng mình đã tạo ra hơn 200 cây đàn tính, sáng tác gần 150 bài hát then về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Những ngày cuối tháng 10, Nghệ nhân ưu tú Nông Thanh Hưu (xã Nam Dong, Huyện Cư Jút) vẫn tất bật ngược xuôi từ xã đến huyện. Ông đang tích cực chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn hóa của cộng đồng người Tày giữa hai địa phương của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Những chiếc đàn được nghệ nhân Nông Thanh Hưu chế tác
Những chiếc đàn được nghệ nhân Nông Thanh Hưu chế tác

Theo lời ông lão tuổi 65, buổi giao lưu sắp tới có “quy mô nhất từ trước tới nay tại Đắk Nông”. Nó sẽ là cơ sở để tạo ra sân chơi cho hoạt động văn nghệ dân gian của cộng đồng Tày tại Tây Nguyên, với uớc mong tiếng đàn tính, điệu hát thensẽ luôn được cất lên ở vùng đất này.

Người cựu chiến binh mê đàn tính

“Đối với người Tày, tính tẩu được coi là Thiên cầm tức cây đàn được trời ban cho. Tấu đàn tính lên sẽ thông tới tận trời xanh. Nghe được những âm thanh của đàn, Ngọc hoàng sẽ sai người xuống giúp đỡ nhân dân. Cây đàn trở thành vật thiêng trong tín ngưỡng người Tày, những gia đình có trong nhà chiếc đàn tính là những gia đình đức độ, danh giá”, ông Hưu gẩy nhẹ những dây đàn rồi chậm rãi kể lại truyền thuyết đàn tính của đồng bào mình.

Cũng giống như bao gia đình đồng bào Tày khác, bên trong căn nhà nghệ nhân già này, ông dành một chỗ để treo hơn chục cây đàn tính một cách trân trọng. Những chiếc đàn tính do tự ông chế tác với đủ loại kích cỡ, cho cả người lớn và trẻ em. Có những chiếc đã nhuốm màu thời gian, nhưng cũng có những chiếc lớp sơn còn mới, màu sơn còn bóng loáng.

Những chiếc đàn đủ loại kích cỡ, cho cả người lớn và trẻ em.
Những chiếc đàn đủ loại kích cỡ, cho cả người lớn và trẻ em.

Nghệ nhân Nông Thanh Hưu bảo rằng, ông không phải xuất thân từ gia đình có truyền thống văn hóa văn nghệ nhưng được sinh ra, lớn lên tại Cao Bằng- cái nôi của nền văn hóa đàn tính, hát then. Ông yêu đàn tính, say mê âm thanh ngọt ngào, ấm nồng, tha thiết của nó. Chẳng thế mà, mỗi lần trong bản mời thầy cúng về hát then, ông lại trốn bố mẹ để đi xem hát. Tiếng đàn tính, lời hát then cứ thế theo ông lớn lên từng ngày.

Năm 1992, ông đưa gia đình vào xã Nam Dong này sinh sống. Nơi đây vốn tập trung đông đồng bào dân tộc Tày gốc Cao Bằng, song vì phải “tha phương cầu thực” nên những bản sắc văn hóa ngày một rơi rụng, đi vào quên lãng.

Thời điểm ấy ông cất công lặn lội ngược về Cao Bằng quyết mang văn hóa Tày vào Đắk Nông. Có được công thức, số liệu,ông đi nhặt nhạnh tất cả quả bầu, mo tre rồi tự mầy mò làm đàn tính. Những ngày đầu thiếu thốn, ông phải tận dụng mọi thứ, từ những quả bầu của người Ê Đê, Mơ Nông đến những bát nhựa, tre nứa, gỗ vụn…để chế tác đàn.

Ông chia sẻ:“Người Tày quan niệm sam căm tẩu, cẩu căm càn. Khi làm đàn tính, phải dựa vào thước Lỗ ban để không đụng vào cung xấu. Phải chọn những cung Mỹ thuận, Quan lộc, tránh cung Sinh tang, Kiếp đạo mà làm đàn. Những chiếc đàn làm từ quả bầu khô sẽ mang lại âm thanh chân thực nhất. Tiếng đàn cất lên giống như tiếng người.”

Người Tày quan niệm khi làm đàn tính, phải dựa vào thước Lỗ ban để không đụng vào cung xấu
Người Tày quan niệm khi làm đàn tính, phải dựa vào thước Lỗ ban để không đụng vào cung xấu

Bây giờ, sau gần 20 năm chế tác đàn tính, ông tự hào khoe rằng đã tự chế tác được hơn 200 chiếc đàn tính, lưu hành Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước thậm chí cả ở Cao Bằng, Tuyên Quang. Tuy còn hạn chế về thẩm mỹ nhưng đảm bảo về chất lượng âm thanh. “Những cây đàn ấy đãmang theo ước mong đàn tính, hát then mãi ngân vang.”

Nặng lòng với những “chiếu then”

Nhiều năm trước ông có cơ hội đi thăm quan một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Ở đây, ông đặc biệt ấn tượng với thể loại đờn ca tải tử, thứ âm nhạc ăn sâu đời sống tinh thần của người dân miền sông nước. Rồi nhớ lại những năm tháng đang còn trong quân ngũ, ông được tiếp xúc với những làn điệu quan họ, chèo, ả đào…Ông nhận ra rằng, những thể loại văn hóa ấy đều có cách tổ chức giống với cách tổ chức hát then.

“Nhưng tại sao người ta có chiếu chèo mà mình không có chiếu hát then?” Chính câu hỏi đã thôi thúc ôngquyết tâm vực dậy văn hóa hát then lâu nay tưởng như đã bị đồng bào Tày bỏ rơi từ khi đến Đắk Nông này.

Ông Hưu tâm sự, ông chỉ mong có những chiếu then như những chiếu chèo ở Đồng bằng Bắc bộ
Ông Hưu tâm sự, ông chỉ mong có những chiếu then như những chiếu chèo ở Đồng bằng Bắc bộ

Năm 2005, ông Hưu cùng nhiều nghệ nhân khác thành lập câu lạc bộ hát then xã Nam Dong. Trải qua nhiều thăng trầm, câu lại bộ hát then duy nhất của tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều thành công trong các lần liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc.

Bên cạnh đó, nhận thấy những bài hát then đã quá cũ, không còn nhiều người yêu thích, ông tự sáng tác những làn điệu then mới. Ông nói: “Không thể hát mãi những bài hát về gốc cây ấy, bãi cỏ ấy. Phải viết ra những bài hát then mang âm hưởng Tây Nguyên, thể hiện sự thay da đổi thịt của đất nước…”

Bài hát đầu tiên được giải cao trong chương trình văn nghệ của địa phương đã tiếp thêm động lực cho ông sáng tác thêm nhiều bài hát khác. Đến thời điểm hiện tại, ông là chủ nhân của hơn 150 ca khúc với nội dung ca ngợi sự đổi mới quê hương đất nước, ca ngợi lãnh tụ, cha ông…

Tuy nhiên, vẫn chưa thỏa mãn niềm đam mê với văn hóa dân tộc, ông còn có ước muốn sâu khấu hóa sinh hoạt hát then của đồng bào Tày.

Ông cho biết, đàn tính, hát then từ trước tới nay trong quan niệm của người Tày là để phục vụ việc thờ cúng, chỉ những thầy cúng được cấp sắc, có những bí truyền mới được sử dụng. Để đưa ra ngoài biểu diễn trước công chúng quả là một điều khó khăn.

“Nhưng đã có một thời, văn hóa dân tộc Tày bị tổn thương rất nặng. Những giá trị văn hóa, những buổi sinh hoạt đàn tính, hát then bị coi là một hủ tục. Hậu quả là văn hóa Cao Bằng, văn hóa Tày tưởng chừng đã bị xóa sổ,nên tôi nuôi hy vọng “phổ cập” lại hát then cho đồng bào Tày nơi đây.”

Ông tâm sự rằng, chỉ mong có những chiếu then như những chiếu chèo ở Đồng bằng Bắc bộ. Thế nên bây giờ, trong làng có công có việc gì, câu lạc bộ sẵn sàng mang đàn, loa đến biểu diễn. Không cần phô trương, quy mô, chỉ cần vài cây đàn, một chiếc loa thùng là đã thành một “chiếu then”.

Đánh giá về đóng góp của nghệ nhân Nông Thanh Hưu, chủ tịch xã Nam Dong Bùi Trọng Tuấn cho biết: “Ông Hưu là người có tâm huyết, năng lực. Trong những năm gần đây, nhờ nỗ lực của ông mà những giá trị truyền thống của đồng bào Tày địa phương được bảo tồn, phát huy. Năm 2015, những đóng góp, cống hiến của ông đã được Nhà nước công nhận bằng việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú Nông Thanh Hưu.”

Trong khi đó, theo ông Ngô Lãm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư Jút, những năm qua địa phương có những chính sách để thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương. Đồng bào dân tộc Tày, chiếm khoảng 30% tổng số dân của địa phương, lại có câu lạc bộ hát then nên mỗi khi có chương trình giao lưu, biểu diễn ở các địa phương khác thì xã, huyện đều có hỗ trợ về mặt kinh phí và nhân lực.

Bài, ảnh: Dương Phong