Người già Trung Quốc phải tự tử để… có suất chôn cất

(Dân trí)- Trong những ngày gần đây, một số người già sống tại tỉnh An Huy, Trung Quốc đã tự tử để có được 1 suất chôn cất trong nghĩa trang.

Những người già này tự tử bởi họ muốn chắc chắn rằng cái chết “đúng thời điểm” sẽ giúp họ được đưa vào nghĩa trang địa phương an táng. Trước đó, chính quyền địa phương tỉnh An Huy đã khẳng định rằng sau ngày 1/6 này, các nghĩa trang địa phương sẽ đồng loạt đóng cửa, không tiếp nhận thêm hài cốt.

Bất cứ người nào trong tỉnh qua đời sau “hạn chót” đều sẽ phải hỏa táng. Theo như chính quyền địa phương, diện tích đất mà họ dành cho các nghĩa trang đã chiếm một tỉ lệ tương đối lớn trong tổng quỹ đất.

Một người đàn ông đưa con đi ngang qua một dãy quan tài đã bị nhà chức trách địa phương phá hỏng.

Một người đàn ông đưa con đi ngang qua một dãy quan tài đã bị nhà chức trách địa phương phá hỏng.

Để nhấn mạnh chính sách mới này, chính quyền địa phương đã đến các cửa hàng chuyên cung cấp dịch vụ tang lễ và phá vỡ một số quan tài để đảm bảo rằng một khi thời hạn thực thi chính sách mới đã đến, dù người dân có muốn phá luật thì cũng… không còn quan tài để mua mà phá luật.

Hành động thái quá này chỉ khiến những người già ở tỉnh An Huy thêm lo lắng và làm gia tăng tỉ lệ tự tử ở nhóm đối tượng này. Người già ở miền quê vốn rất quan trọng chuyện “mồ yên mả đẹp”.

Chính sách mới này vừa được thông báo rộng rãi từ ngày 1/4 vừa qua. Chính quyền địa phương khẳng định: “Người dân địa phương qua đời trước ngày 1/6 vẫn được chôn cất tại nghĩa trang trong vùng, nhưng sau thời điểm này, sẽ buộc phải hỏa thiêu”.

Đối với người dân ở các thành phố lớn thì một chính sách như vậy sẽ chẳng mấy tác động tới đời sống người dân, nhưng ở vùng nông thôn, quan niệm hỏa thiêu là không may mắn cho con cháu, là đày đọa người đã mất, khiến người già nơi đây rất sợ hình thức an táng này.

Một người đàn ông đưa con đi ngang qua một dãy quan tài đã bị nhà chức trách địa phương phá hỏng.


Truyền thông tại tỉnh An Huy cũng đã đưa tin về việc có hơn một chục trường hợp người già tự tử chỉ vì muốn đảm bảo có được một xuất chôn cất trong nghĩa trang địa phương.

Tiêu biểu là trường hợp bà Zhang Wenying, 81 tuổi, bà đã treo cổ tự vẫn ngày 13/5 vừa qua. Bà để lại một dòng nhắn gửi cho con cháu rằng bà làm điều này chỉ bởi bà cũng đã cao tuổi, cũng sắp đến ngày “gần đất xa trời” nên không có gì phải nuối tiếc. Giờ chỉ cần được chôn cất theo đúng mong muốn là bà thỏa lòng.

Ngày 12/5, bà cụ 97 tuổi Wu Lixiu tự tử. Ngày 5/5, bà cụ 91 tuổi Wu Zhengde treo cổ tự vẫn... Còn nhiều trường hợp khác, trong đó, người già nhảy xuống giếng hoặc uống thuốc độc kết thúc cuộc đời.

Một người đàn ông đưa con đi ngang qua một dãy quan tài đã bị nhà chức trách địa phương phá hỏng.


Theo hãng tin AFP, trường hợp của bà Zheng Shifang 83 tuổi đặc biệt gây nhức nhối. Một số người già ở vùng quê thường chọn gỗ tốt để đóng quan tài cho mình ngay từ khi còn sống. Bà Zheng là một trường hợp như thế. Chính quyền địa phương đã đến cưa đôi chiếc quan tài của bà. Ngay sau đó, bà Zheng đã tự tử.

Chính quyền địa phương đến giờ vẫn khẳng định với giới truyền thông rằng những vụ tự tử này hoàn toàn không liên quan tới chính sách mới kể trên, rằng người dân đã tự nguyện đem nộp những chiếc quan tài cho chính quyền, rằng “Trung Quốc rộng lớn thế, việc người già đau ốm, qua đời cũng là bình thường thôi”.

Một luật sư ở Bắc Kinh có tên Zheng Daoli đã trả lời phỏng vấn báo chí và khẳng định rằng nếu có việc chính quyền đi tịch thu quan tài thì đó là hành động bất hợp pháp bởi quan tài cũng được coi là tài sản của người dân.

Một người đàn ông đưa con đi ngang qua một dãy quan tài đã bị nhà chức trách địa phương phá hỏng.


Hiện nhiều vùng quê ở Trung Quốc đang tiến hành chính sách “san phẳng mộ”, đây là một chính sách có quy mô lớn nhằm giảm diện tích đất dành cho những nghĩa trang và tạo thêm đất dành cho phát triển nông nghiệp - công nghiệp. Chính quyền tỉnh Hà Nam đã từng phá bỏ 400.000 ngôi mộ hồi năm 2012, việc này đã gây ra nhiều luồng dư luận phản đối.

Những người già ở vùng quê Trung Quốc vốn dành số tiền ít ỏi cả đời tích cóp để cuối đời sắm cho mình một cỗ quan tài vừa ý. Đây là nơi an nghỉ, nương náu cuối cùng của họ khi từ giã cõi đời. Chính sách mới được thông báo từ đầu tháng 4 và bắt đầu có hiệu lực chỉ sau 2 tháng đã gây nên cú sốc, tâm lý cực đoan ở một số người già tại tỉnh An Huy, Trung Quốc.

 
Bích Ngọc
Theo AFP/Daily Mail