Người đẽo đàn cuối cùng đất Hà Thành

15 năm trước, trong lúc đi tìm nhà một người bạn trong ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên, tôi bất ngờ thấy biển đề trên cánh cửa một ngôi nhà cũ kỹ mang số 4: “Nhạc Sơn”. Tò mò, tôi hỏi thăm chủ nhân ngôi nhà đó và thật bất ngờ bởi đây là nơi gần như cuối cùng ở Hà Nội làm nên những cây đàn hoàn toàn theo cách thủ công nhất.


Anh Hoàng Minh Giang với cây đàn guitar được sản xuất theo phương pháp thủ công

Anh Hoàng Minh Giang với cây đàn guitar được sản xuất theo phương pháp thủ công

Danh tiếng một thời

Ngồi trước mặt tôi là ông Hoàng Dụng Nhiên. Ông Nhiên xấp xỉ 80 tuổi nhưng lịch lãm và tinh anh, vừa trò chuyện vừa tiếp tục công việc khéo léo tỉ mỉ của mình với cây đàn gỗ. Bên cạnh ông là những khuôn đàn, đồ mộc như cưa, đục, bào… Ông say sưa kể về lịch sử của nghề đẽo đàn guitar đất Hà thành. Thời thanh niên, ông làm thư ký cho hãng buôn Orphéo chuyên bán máy quay đĩa và nhạc cụ Tây phương trên phố Tràng Tiền. Sau đó hãng này chuyển xuống Hải Phòng, chàng thư ký xin rời khỏi hàng và bắt đầu nghiệp đẽo đàn guitar…

Ông Nhiên hồi tưởng, thời đó, người mở hiệu đàn sớm nhất Hà Nội lúc ấy là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ông Tước nổi tiếng là nghệ sĩ sáng tác và chơi nhạc Tây. Nhưng để khuếch trương phong trào tân nhạc trong thanh niên Hà Nội thì buộc phải có nơi sản xuất đàn cũng như sửa chữa đàn cho họ. Nhưng lúc đó, muốn có nghề phải học trường Bách Nghệ. Sau một thời gian học nghề, ông Hoàng Dụng Nhiên bắt đầu với nghề đóng đàn từ đó.

Trò chuyện với ông được chừng tàn một tuần trà thì tôi có việc đột xuất phải đi. Tôi hẹn ông ít bữa quay lại thưa nốt câu chuyện, nhưng…thật tiếc, sau đó ít lâu, cụ bán nhà chia cho các con và về làng Kim Liên mua nhà ở đó. Mãi khi tôi tìm đến thì nghệ nhân già Hoàng Dụng Nhiên đã ra người thiên cổ.

Một lần khác nhân trò chuyện về cây đàn guitar với nghệ sĩ guitar lừng danh Tạ Tấn, ông bảo, để có tiếng đàn đạt chuẩn, rung động phải biết chọn đàn. Người sành điệu thường đến các hiệu đàn đặt làm, thửa riêng cho mình cây đàn ưng ý. Hà Nội có những nhà làm đàn danh tiếng như Nhạc Sơn, Hồng Trung và Tạ Tấn. Trong khi cùng với văn hóa phương Tây, loại đàn này vẫn được nhập chủ yếu từ Pháp được bày bán trên phố.

Chiến tranh mấy mươi năm đã kéo cả dân tộc lên đường ra trận. Nghề chơi đàn guitar và đẽo đàn chung số phận bao nghề khác. Nhiều hiệu đàn danh tiếng lưu lạc bỏ nghề. Theo thời cuộc nhiều nghề đành bỏ lại, trong đó có sự mai một của các phường đàn lừng danh một thời từ Bắc vào Nam như hãng đàn: Nhạc Sơn, Tạ Tấn, Hồng Trung (Hà Nội), Tân Châu (Huế)...


Cửa hàng Nhạc Sơn trên phố Khương Trung

Cửa hàng Nhạc Sơn trên phố Khương Trung

Không bỏ nghiệp nhà

Rồi bẵng đi... Như là duyên kỳ ngộ, tôi tình cờ gặp lại cái tên Nhạc Sơn ở phố Khương Trung gần Ngã Tư Sở. Ngồi trước tôi là anh Hoàng Minh Giang, con trai Nhạc Sơn Hoàng Dụng Nhiên. Trên tấm biển đề ngoài cửa :Nhạc Sơn, đóng mới, sửa chữa đàn guitar, nhưng lại thấy ông chủ loay hoay với việc sửa... xe máy, xe đạp. Anh Hoàng Minh Giang như đoán được vẻ băn khoăn của tôi nên bảo: “Chú thấy anh lấy ngắn nuôi dài chuẩn không? Nghĩa là không bỏ nghiệp nhà là nghề đẽo đàn, nhưng để tồn tại phải “đa dạng hóa công việc” chú ạ!”.

Nói rồi anh Hoàng Minh Giang chậm rãi kể: “Ông cụ nhà tôi mất đã lâu rồi nhưng anh em tôi thì vẫn bảo nhau cố nối nghiệp nhà. Bây giờ không còn là thời hoàng kim của Tây Ban cầm (guitar) nên chỉ duy trì nghề cũ như một thú chơi, phục vụ cho những người yêu guitar thực sự...”.

“Tại sao lại gọi là Nhạc Sơn”? - tôi thắc mắc. “Đó là thương hiệu của gia đình. Chúng tôi mang theo cái tên ấy như một cái nghiệp gắn với nghề đẽo đàn guitar. Mười mấy tuổi đã được bố truyền nghề làm đàn, rồi lớn lên đi bộ đội, bị thương ở chiến trường, trở về tiếp tục gắn mình với đam mê là cây đàn guitar” - anh Hoàng Minh Giang kể về người cha tài hoa của mình cùng niềm đam mê cây đàn mà coi đàn như... vợ.

Cũng chính vì coi đàn như vợ mà ông Hoàng Dụng Nhiên có lần đã làm cho cả nhà thót tim, ấy là lúc gia đình đang quây quần bên mâm cơm, thì ông đột ngột bảo, ông còn một người vợ nữa… Cả nhà ngơ ngác nhìn ông chờ đợi câu chuyện gây “sốc”. Vợ ông buông đũa thì ông tiếp, rằng thì người đó, chính là nàng... guitar, sau đó mới đến nàng Mai (tên vợ ông). Tất nhiên, cái chuyện vợ cả của ông là nàng đàn guitar thì là… bình thường nên cả nhà thở phào nhẹ nhõm. Kể ra để thấy, ông cụ Hoàng Dụng Nhiên đã đam mê thứ nhạc cụ này đến thế nào.

Nghề đàn cũng sắp “đứt dây”…

Trở lại câu chuyện về người nối nghiệp làm đàn guitar Nhạc Sơn, trở về từ chiến trường, anh Hoàng Minh Giang bị vết thương ở sọ não hành hạ. Sức khỏe không cho phép, vì thế anh mặc nhiên chọn nghề đẽo đàn. Nghề này kén khách, bởi lẽ, giới bình dân, người yêu nhạc sơ sơ thì chọn đàn hàng chợ, nhập từ các nguồn khác nhau. Chỉ giới sành guitar, các nghệ sĩ guitar mới đi tìm mua hoặc đặt thửa những cây đàn loại tốt, gỗ đẹp, âm thanh vừa ý. Với đàn guitar, âm phải thô, không gắt. Người sành chỉ cần búng nhẹ tay vào thùng là biết chất lượng đàn tốt hay xấu. Đàn nào cũng vậy, chọn gỗ luôn là khâu thiết yếu.

Từng loại gỗ sẽ cho ra các âm sắc với chất lượng khác nhau. Gỗ làm đàn tùy khách chọn. Khách quý thì chọn pơmu, lát hoa... Công nghệ làm đàn tưởng như phức tạp lại rất đơn giản nhưng buộc phải là người hiểu guitar mới theo nghề được. Làm được một cây đàn đẹp, cả hình thức lẫn âm thanh là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tài hoa của người thợ. Đầu tiên phải có khuôn đàn.

Đó là một khuôn gỗ cứng, khoét rỗng ruột tạo hình thùng đàn. Có khuôn rồi bắt đầu bào thanh gỗ, hoặc đẽo gọt xong gò thanh gỗ vào khuôn, gõ đều rồi dùng keo cố định hình thù hộp đàn. Rồi đẽo gọt cần đàn, ép vào hộp đàn, sau đó là công đoạn đóng mặt và đáy hộp đàn bằng gỗ thông hoặc ván ép, khoan lỗ cắm các khóa đàn và đánh bóng thùng đàn, cần đàn... bằng sơn ta hoặc véc-ni tùy giá trị đẳng cấp của cây đàn... Có nhiều nghệ nhân còn tự sản xuất cả dây đàn.

Cùng giữ nghề với anh Giang còn có anh Hoàng Hội Nghĩa, dù đang làm nghề dạy học nhưng cũng theo đuổi nghiệp đẽo đàn của gia đình. Nhà anh Hoàng Hội Nghĩa hiện ở xóm Đầm, làng Kim Liên cũng là một trong những địa chỉ lui tới của giới mê guitar. Nghề nào cũng có lúc thịnh, lúc suy. Bây giờ anh Giang, anh Nghĩa vì đam mê mà giữ nghề, nhưng rồi lớp con cháu không ai theo nghề nữa.

Ngậm ngùi kết thúc câu chuyện về nghề đẽo đàn guitar, anh Hoàng Minh Giang bảo: Sau bao nhiêu ầm ĩ của các nhạc cụ hiện đại, tiếng guitar cổ điển vẫn có sức cuốn hút. Tiếng guitar bập bùng vẫn làm mê hoặc bao tâm hồn. Và người sành chơi đâu đó vẫn cất công tìm đến với Nhạc Sơn để thửa đàn, để chữa đàn...

Theo Tân Linh
An Ninh Thủ Đô