Người dân Hà Nội đội mưa đến xem vở cải lương "Thầy Ba Đợi"
(Dân trí) - Trong hai ngày 27 và 28/5, mặc dù Hà Nội xuất hiện những cơn mưa như trút nước, nhưng nhiều người dân Hà Nội vẫn lặn lội tới Nhà hát Lớn Hà Nội để xem vở cải lương “Thầy Ba Đợi”.
“Thầy Ba Đợi” là tác phẩm dàn dựng công phu từ kịch bản của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Vở kịch kể về cuộc đời của nhạc quan Nguyễn Quang Đại (Thầy Ba Đợi) - người được xem là đã có công lớn trong việc truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam Bộ. Đồng thời, ông cũng là người cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử (sau này phát triển thành ca ra bộ rồi đến cải lương). Thầy Ba Đợi được xem là người sáng lập ra nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Nội dung chính vở nói về giai đoạn ông vào Nam và bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương. Tại đây ông đã được con gái quan Tổng đốc giúp đỡ và có mối tình dang dở cùng nàng. Vở diễn đã khắc hoạ một cách rõ nét số phận của Thầy Ba Đợi cũng như bối cảnh xã hội lúc bấy giờ một cách sinh động với nhiều tình tiết, cao trào.
Vở kịch có sự tham gia của 86 nghệ sĩ trong làng cải lương ở cả 2 miền Nam - Bắc, gồm cả các nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” của cải lương như: NSND Vương Hà, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm…
Có thể gọi “Thầy Ba Đợi” là một bữa tiệc về âm nhạc cải lương với những làn điệu lòng bản đặc trưng của cải lương và những giọng ca vàng của cải lương. Có thể cảm nhận được sự hào hứng và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của từng giọng ca trong vở qua những tràng pháo tay tán thưởng từ khán giả Hà Nội. Bên cạnh những bài ca lòng bản đặc trưng thì đạo diễn cũng đã khéo léo đưa vào những làn điệu rất đắt như Lý giao duyên của dân ca quan họ Bắc Ninh hay dân ca Nam Bộ, Nam Bình (Ca Huế)...
Nhân vật trung tâm Thầy Ba Đợi xuyên suốt cả vở được bốn nghệ sĩ thể hiện ở nhiều thế hệ: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Lê Tứ và nghệ sĩ Quang Khải. Thật ngạc nhiên vì một nhân vật nhưng khán giả không hề cảm thấy có sự khác biệt trong tính cách hay quá chênh về sự thay đổi về hình thức. Có thể khẳng định phải là những nghệ sĩ tài năng đã xoá đi những sự khác biệt về hình thức, giọng ca, phong cách vùng miền để làm toả sáng hình tượng Thầy Ba Đợi.
NSƯT Thanh Tuấn thể hiện Thầy Ba Đợi ở chặng cuối của vở khi chia sẻ: “Nghệ sĩ sân khấu cải lương xã hội hoá chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi được tham gia một chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu và chuyên nghiệp như thế này. Đã lâu lắm rồi tôi mới có một vai diễn được trau chuốt đầu tư như Thầy Ba Đợi.
Tôi xin cảm ơn các nhà tổ chức, đặc biệt là hai nhà hát đầu ngành là Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã cùng kết hợp để xây dựng nên một công trình nghệ thuật hết sức có ý nghĩa cho nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Cảm động vô cùng khi chứng kiến anh chị em nghệ sĩ cải lương ở phía Bắc đi gần 2000 cây số đến TP.HCM, ăn ở tại chỗ để tập vở cùng nghệ sĩ phía Nam. Một tinh thần nghệ thuật rất đáng được trân trọng và giờ chúng tôi lại được ra Hà Nội để diễn 2 đêm phục vụ khán giả Thủ đô”.
Hà Tùng Long
Ảnh: Thuý Hiền.