Người dân báo cảnh sát "đang sang đường thì gặp... ma"

Bích Ngọc

(Dân trí) - Người dân sống tại thành phố Sonoma, bang California, Mỹ, đã trình báo với cảnh sát về việc trên đường phố xuất hiện một nhân vật ăn vận giống kẻ sát nhân Ghostface trong seri phim kinh dị "Scream".

Người dân báo cảnh sát đang sang đường thì gặp... ma - 1

Người đi đường cảm thấy sửng sốt trước sự xuất hiện của nhân vật rùng rợn giữa "thanh thiên bạch nhật" (Ảnh: Daily Mail).

Nhân vật xuất hiện trên đường phố ở thành phố Sonoma ăn vận giống như nhân vật Ghostface rồi đứng ở các ngã tư. Người đi đường cảm thấy sửng sốt trước sự xuất hiện của nhân vật rùng rợn này giữa "thanh thiên bạch nhật", dù đây không phải mùa Halloween, nên họ đã nhanh chóng trình báo với cảnh sát.

Sau khi cảnh sát tìm hiểu sự việc, thông tin đã sáng tỏ. Hóa ra, đây là một chiêu thức của đoàn phim Scream VI để quảng bá cho phim trước ngày ra rạp trong tháng 3 này. Thực tế, chiêu thức này đã được nhà sản xuất phim Scream VI sử dụng cả ở một số thành phố khác tại Mỹ như New Orleans hay St. Louis.

Sau khi thông tin về việc người dân cảm thấy sợ hãi và trình báo sự việc tới cảnh sát được báo chí Mỹ đưa tin, tài khoản mạng xã hội của seri phim Scream đã có đăng tải chính thức nhằm trấn an công chúng: "Chúng tôi chỉ đang chăm sóc cho công việc làm ăn của mình mà thôi".

Seri phim Scream xoay quanh những vụ án mạng xảy ra trong một thị trấn giả tưởng có tên Woodsboro. Những kẻ sát nhân xuất hiện trong seri phim luôn có tạo hình giống nhau, đó là mặc áo choàng đen che kín người và đeo mặt nạ đầu lâu.

Người dân báo cảnh sát "đang sang đường thì gặp... ma" (Video: Daily Mail).

Seri phim Scream bắt đầu ra mắt công chúng từ năm 1996. Sát nhân Ghostface trong seri phim kinh dị Scream có tạo hình đặc trưng với chiếc mặt nạ trắng. Chiếc mặt nạ này vốn được thực hiện bởi một công ty chuyên sản xuất phục trang để dùng cho dịp lễ hóa trang Halloween.

Chiếc mặt nạ được thực hiện lấy cảm hứng từ loạt tranh The Scream (Tiếng thét) của danh họa người Na Uy - Edvard Munch (1863 - 1944). Kể từ năm 1996 khi ra mắt tập phim đầu tiên cho tới các phần phim sau này, các kẻ sát nhân xuất hiện trong seri phim kinh dị Scream đã luôn mặc áo choàng đen và đeo chiếc mặt nạ màu trắng.

Bên cạnh seri phim Scream còn có nhiều sản phẩm văn hóa đại chúng nổi tiếng khác cũng lấy cảm hứng từ loạt tranh Tiếng thét của danh họa Edvard Munch. Chẳng hạn biểu cảm của cậu bé Kevin trên poster phim Home Alone (Ở nhà một mình - 1990) cũng lấy cảm hứng từ bức tranh Tiếng thét.

Biểu tượng cảm xúc khắc họa gương mặt la hét sợ hãi xuất hiện trong một số ứng dụng tin nhắn cũng được thực hiện lấy cảm hứng từ bức tranh Tiếng thét.

Người dân báo cảnh sát đang sang đường thì gặp... ma - 2

Bức "Tiếng thét" (1893) (Ảnh: The Guardian).

Thực tế, danh họa người Na Uy Edvard Munch đã thực hiện 4 bức Tiếng thét, hai bức đầu tiên được ông thực hiện hồi năm 1893, hai bức còn lại lần lượt được thực hiện vào năm 1895 và 1910.

Loạt tranh Tiếng thét được mệnh danh là "chân dung tâm hồn", là "khuôn mặt thách thức các chuyên gia tâm lý", trong đó, họa sĩ khắc họa một khuôn mặt người méo mó với hai bàn tay ôm lấy mặt, còn mắt và miệng mở to. Cảnh nền là một cõi hỗn mang tựa như trong cơn ác mộng. Loạt tranh Tiếng thét được coi là một trong những biểu tượng trong văn hóa đại chúng.

Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm