Người đàn bà hơn 50 năm làm nghề sửa chữa ô tô
(Dân trí) - Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hồng Sâm (74 tuổi, Long Biên, Hà Nội). Nhiều năm qua, người dân nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ nằm dưới gầm ô tô để sửa chữa.
Theo bà Sâm, trước đây vì gia cảnh nghèo túng nên sau khi học xong lớp 10, bà đã đăng ký học ngành điện ô tô 4 năm với hy vọng sớm kiếm được tiền lo cho gia đình.
Sau khi tốt nghiệp, bà Sâm được phân công về làm đội trưởng đội xe 10 người tại xí nghiệp vận tải - xe khách Thái Bình.
"Đội xe chỉ có hai nữ chuyên sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe ô tô. Nhiều đồng nghiệp nam khi đó thắc mắc rằng tại sao tôi là con gái lại lựa chọn công việc nặng nhọc này, một thân một mình xa gia đình đi làm, tôi chỉ đáp rằng nhà nước phân công làm việc ở đâu, tôi về đó.
Ở xưởng tôi phải làm tất cả các công việc liên quan đến điện, kể cả điện sản xuất, ắc quy… nhiều việc tưởng chừng chỉ có nam giới có sức khỏe mới làm được, nhưng vốn xuất thân từ con nông thôn, nên tôi không nề hà việc gì, chỉ mong sao có được tiền lo cho bố mẹ và các em.
Cũng chính vì vậy mà đồng nghiệp quý mến và đặt cho tôi biệt danh người thép", bà Sâm cười.
Bà Sâm làm việc tại Thái Bình được 5 năm thì chuyển công tác về Hà Nội cùng chồng con. Đến năm 1993 khi về hưu, bà liền mua ngay đồ sửa chữa ô tô, dựng tấm biển: "Sửa chữa điện, thay ắc quy" để tiếp tục làm nghề.
Từ sửa chữa ô tô đến thay ắc quy, kiểm tra điện và thay dầu… tất cả bà đều làm rất điêu luyện.
"Là phụ nữ, nhưng hơn 50 năm qua đôi tay tôi cầm cờ lê, dầu mỡ còn nhiều hơn cầm phấn, son. Nghề của tôi suốt ngày mặc đồ bảo hộ, thì lấy đâu ra thời gian mà chải chuốt, kẻ vẽ", bà Sâm tâm sự.
Bất kể ngày hay đêm, nếu khách gặp sự cố hay muốn sửa gấp, bà Sâm đều sẵn lòng.
Bà nhớ lại, một trường trước đây là khách hàng nhưng bà vẫn thân thiết cho đến bây giờ, đó là vợ chồng anh Hùng ở (Gia Lâm, Hà Nội) làm nghề cho thuê loa đài, làm nhạc... Anh Hùng từng đến tiệm bà Sâm sửa xe và thay ắc quy vài lần.
Lần đó, vợ chồng anh Hùng có sự kiện diễn ra và buổi sáng, cần vận chuyển đồ đến địa điểm sớm. Tuy nhiên, 3 giờ sáng xe tải bỗng chết máy, các gara ô tô đều chưa mở. Lúc bế tắc, anh nhớ đến bà Sâm nhưng ngại gọi vì sớm quá. Anh phân vân chưa biết giải quyết ra sao thì vợ anh chủ động liên hệ bà Sâm.
Qua cuộc điện thoại, bà hỏi anh Hùng các triệu chứng của xe rồi chuẩn bị đồ đến đó sửa. Với vài thao tác đơn giản của bà, chiếc xe nổ máy giòn giã và lăn bánh.
Một lần khác, vào đúng đêm 30 Tết, anh Nguyễn Văn Đồng (Long Biên, Hà Nội) từ cơ quan ở quận Thanh Xuân về nhà. Xe đi đến phố Ngọc Lâm đột nhiên dở chứng, không thể đề lên được.
Phố xá vắng tanh, anh đưa mắt tìm quanh, bắt gặp biển hiệu nhà bà Sâm. Anh đánh liều gọi theo số điện thoại đề trên đó. Mặc dù bận chuẩn bị đồ cúng Giao thừa nhưng bà vẫn nhận lời sửa giúp. Câu chuyện này xảy ra đã 5 năm. Đến giờ, mỗi lần qua phố Ngọc Lâm anh Đồng vẫn ghé vào hỏi thăm bà Sâm.
"Tôi đề số điện thoại lên cửa cũng nhằm mục đích cứu hộ cho mọi người. Tôi giúp người ta, người ta đi giúp người khác, lòng tốt nhờ vậy được nhân lên", bà Sâm nói.
Mấy năm nay, các con bà đều khuyên bà nên dừng công việc này lại để an dưỡng tuổi già, nhưng bà Sâm vẫn đau đáu trong lòng vì bà chưa tìm được người chịu khó, thật thà, chất phác để truyền lại nghề.
"Tôi muốn có người để truyền nghề sửa chữa ô tô, nhưng ba đứa con chẳng đứa nào chịu theo", bà Sâm tâm sự thêm.