Người bỏ phố lên rừng để hiện thực hóa giấc mơ

(Dân trí) – Đang bận rộn đi về giữa xưởng vẽ và nhà, giữa bạn bè và cà phê chém gió, giữa các dự án thời trang và giúp nghệ sĩ trẻ làm triển lãm, bỗng dưng nghệ sĩ Đinh Công Đạt… biến mất khỏi thành phố.

Té ra, Đạt “rồ” về miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế cả tháng trời, dậy trẻ con cách làm các nghề thủ công truyền thống. Khi vừa chạm mặt thành phố, Đạt sực nhớ ra mình vừa bước sang tuổi 50, và cũng kịp cho Festival làng nghề Huế khai mạc từ 27/4 đến hết 1/5.

Từ sự thơ trẻ hồn nhiên

Dáng người thô tháp, nói năng thô kệch không tô son vẽ màu, ngày ngày chạy trên phố "con cào cào" không buồn cọ rửa, với cái đầu trọc nghênh nghênh, thêm râu dài có thể buộc túm được, thêm kiểu khi mới gặp cứ lờ lững tỏ vẻ không buồn tiếp chuyện, Đạt làm người mới gặp thấy ngại ngần. Nhưng sâu hơn là sự nồng nhiệt, và sâu hơn nữa, là thơ trẻ hồn nhiên khi đã thân là không giấu giếm. Thế nên, Đạt yêu trẻ con là đương lẽ, vì chúng mang bản chất giống như gã. Và Đạt làm đồ chơi cho trẻ con, hoặc các tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc mang dáng dấp đồ chơi trẻ con, cũng là dĩ nhiên.
 
Nghệ sĩ Đinh Công Đạt hướng dẫn nặn gốm cho trẻ em
Nghệ sĩ Đinh Công Đạt hướng dẫn nặn gốm cho trẻ em

Một năm trở lại đây, đi tìm hiểu về làng nghề thủ công truyền thống khu vực miền Trung, Đạt chú ý tìm hiểu về các nghề cùng kỹ năng trằm nón, hoa giấy, hoa lụa, gốm, làm quạt, mây tre. Khi đến với làng nghề mây tre đan Bao La và khu vực làng nghề lân cận, gã tiếc nuối khi thấy những nghệ nhân gần như không còn nữa. Làm quạt chỉ còn lại một người duy nhất, bồi giấy còn vài gia đình, mây trẻ đan có chừng mười cụ, lớp kế cận thì không có bởi thanh niên từ chối làm nghề. Đến làng gốm Phước Tích, nơi từng cung cấp toàn bộ nồi đất và các sản vật gốm cho kinh thành Huế thì chỉ còn lại cái bóng huy hoàng bởi hiện nay chỉ còn duy nhất một lò, thì lại dùng công nghệ kỹ thuật Bát Tràng và hàng tháng nay không còn nổi lửa.

Từng làm gốm, từng làm mặt nạ, gà bằng giấy bồi, và bán một vật phẩm không dưới ngàn đô, Đạt không khỏi xa xót cho sự dần biến mất của các nghề thủ công truyền thống.

Đến hiện thực hóa giấc mộng lớn đời mình

Cần có thời gian dừng bước để tìm hiểu, khi đến xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế,  Đạt nảy ra ý tưởng, vì sao không xây dựng một làng nghề truyền thống thu nhỏ ngay tại đây, thanh niên và trẻ con của chính vùng đất này, sẽ được tiếp xúc, học hỏi một cách tự nhiên nghề truyền thống của chính cha ông mình.

 
Rất đông trẻ em hào hứng làm và vẽ quạt giấy

Rất đông trẻ em hào hứng làm và vẽ quạt giấy

“Theo quy luật hà khắc của chọn lọc, sẽ có nhiều làng nghề mất đi, rồi sẽ có những kỹ năng mới được hình thành, những làng nghề kiểu mới sẽ xuất hiện. Thay vì một tiếng thở dài, hay một lời than vãn, tất cả những nỗ lực của tôi nhằm mang đến cho những người trẻ tuổi một hình dung gần đúng về người bạn già của cha ông chúng ta”. Đinh Công Đạt chia sẻ.

Lần đầu tiên, dự án Mô hình làng nghề thủ công, một phần trong chuỗi làm đồ chơi cho trẻ con của Đạt nhận được sự tài trợ. Được tiếp thêm lửa, không ngần ngừ, Đạt bỏ bẵng phố, ở luôn giữa núi rừng để hiện thực hóa giấc mộng lớn đời mình.

30 ngày sống giữa thanh niên và trẻ con của vùng đất Thanh Tân, buổi sáng tỉnh dậy đầu tiên, Đạt xòe mười ngón tay ra, nói: “Tôi không có hoa tay, bàn tay tôi xấu, ngón tay tôi ngắn nhưng tôi là một nghệ sĩ được mọi người thừa nhận và cũng đã đi khắp thế giới bằng nghệ thuật của mình, vậy nên các bạn không nên lo lắng rằng không biết gì về mỹ thuật, tình yêu nghệ thuật sẽ làm các bạn trở thành nghệ nhân giỏi”.
 
Mặt nạ giấy bồi - sản phẩm thủ công truyền thống đầu tiên của các em

Mặt nạ giấy bồi - sản phẩm thủ công truyền thống đầu tiên của các em

Và sau đó, bên cạnh chỉnh lại nét vẽ cùng những suy nghĩ sao cho đúng khái niệm về nghề gốm, làm hoa giấy Thanh Tiên, hoa voan, mặt nạ giấy bồi, quạt giấy, diều Huế, gã truyền đam mê, truyền tình yêu quê hương từ những vật dụng giản dị mà các bạn trẻ vẫn gặp hàng ngày.

“Ý tưởng này đã được xây dựng và hiện thực hóa thông qua nhóm các nghệ nhân và sự tư vấn về mỹ thuật của tôi”. Đinh Công Đạt bày tỏ.

“Trong không gian tại suối khoáng nóng, du khách được tương tác trực tiếp với nhiều nghề thủ công như gốm, diều Huế, mặt nạ giấy bồi.... với sự hướng dẫn của những nghệ nhân trẻ tại đây. Những người trẻ tuổi này đã được truyền lửa và truyền nghề từ những bàn tay vàng của nghề đang ngày càng bị mai một như: nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng (Diều Huế), nghệ nhân Phạm Anh Đạo (nghề gốm), và các nghệ nhân ở các làng thủ công khác

Với cách làm này, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng một ngày nào đó, sẽ có một nghệ nhân thành danh...”- Đinh Công Đạt hy vọng. 

Quỳnh Vũ