Ngôi làng cổ nhất Việt Nam sẽ được khai thác mọi tiềm năng kinh tế

(Dân trí) - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành quyết định thành lập Ban quản lý (BQL) Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) để nghiên cứu văn hóa và khai thác các tiềm năng kinh tế của ngôi làng cổ này.

Theo đó, BQL này là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện thực hiện các chức năng tham mưu UBND huyện trong công tác Quản lý về di sản, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia làng cổ Phước Tích.

Đơn vị sẽ bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và khai thác hiệu quả khu di tích nghệ thuật làng cổ Phước Tích. Phát huy các giá trị văn hóa làng cổ Phước Tích, từng bước phục hồi, nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của làng. Đồng thời từ đó sẽ nghiên cứu các giá trị văn hóa, môi trường, cảnh quan thiên nhiên gắn liền với giáo dục giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa. Khai thác mọi tiềm năng kinh tế, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ của các tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản nghệ thuật, văn hóa... góp phần quảng bá, phát triển du lịch địa phương.

Ngôi làng cổ nhất Việt Nam sẽ được khai thác mọi tiềm năng kinh tế
Một ngôi nhà cổ đặc trưng mang dáng dấp nhà rường Huế xưa với sân vườn, cây trái bao quanh tại làng cổ Phước Tích (ảnh: Ngọc Thụ)

Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) đã được hình thành trên 500 tuổi, thành lập vào thế kỷ XV. Qua thời gian, làng còn lưu giữ 37 ngôi nhà rường cổ, trong đó có trên 20 ngôi nhà rường còn nguyên vẹn và nhiều cây cổ thụ, miếu thờ cổ... Làng Phước Tích là ngôi làng thứ 2 ở Việt Nam được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, chỉ sau làng cổ Đường Lâm (Hà Tây). Làng hiện đang xuống cấp nhiều nơi, nên lần đầu có được BQL sẽ giúp nhiều trong công tác trùng tu, phục hồi nhà rường cổ ở đây cũng như giới thiệu đến du khách nhiều hơn nét độc đáo của ngôi làng cổ quý giá này.

 
Đại Dương

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm