Ngọc Trinh và những mỹ nhân Việt mặc lố lăng tại Cannes: Hình thức xử phạt là gì?
(Dân trí) - Theo nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa, nổi tiếng bằng tai tiếng như con dao hai lưỡi. Có thể, trước mắt Ngọc Trinh đã thu hút được sự chú ý với cách ăn mặc lố lăng của mình tại LHP Cannes, nhưng có lẽ nữ người mẫu nội y không lường hết được cái giá phải trả sau này...
Mỹ nhân Việt mặc hớ hênh đến LHP Cannes bằng con đường... nhà tài trợ?
Sự việc người mẫu nội y Ngọc Trinh “mặc như không” xuất hiện trên thảm đỏ của buổi ra mắt bộ phim “A Hidden Life” bị truyền thông nước ngoài và cư dân mạng chỉ trích, chê bai cho đến giờ vẫn chưa hết ồn ào.
“Cô ấy mặc váy xuyên thấu thiếu vải đến mức người ta nghĩ đó là nội y gợi dục”, Sina bình luận dưới bức ảnh nữ người mẫu nội y. Tờ Daily Express của Anh thì cho rằng, cô gái đến từ Việt Nam không mặc nội y và gọi bộ trang phục của Ngọc Trinh là “hở hang nhất liên hoan phim”.
Trước sự ồn ào về màn xuất hiện lố bịch của Ngọc Trinh tại LHP Cannes, không ít người đặt dấu hỏi: Không có dự án điện ảnh nào liên quan đến LHP Cannes, Ngọc Trinh có mặt tại Cannes để làm gì? Ngọc Trinh đến LHP Cannes bằng “con đường” nào?
Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ VH, TT&DL- chánh Văn phòng Bộ, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Cục Điện ảnh cũng như các cơ quan thuộc Bộ, không ai cử Ngọc Trinh đi tham dự LHP Cannes.”
Theo ông Nguyễn Thái Bình, nữ người mẫu nội y dự LHP Cannes với tư cách cá nhân. Có thể Ngọc Trinh đi theo lời mời của doanh nghiệp, nhà tài trợ và các nhãn hàng. Ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ thêm, những LHP quốc tế diễn ra trước đó, nhiều nghệ sĩ, cá nhân người Việt Nam tham dự sự kiện là do được mời riêng hoặc tự mua vé.
Không chỉ Ngọc Trinh, nhiều nghệ sĩ, “chân dài” Việt đã tham dự Cannes theo theo vé mời của một đại diện nhãn hàng thời trang, quảng cáo - đối tác của Cannes - chứ không theo đường “chính ngạch” từ Ban tổ chức.
Có thông tin cho rằng, cho đến nay, những nghệ sĩ Việt Nam dự Cannes theo lời mời chính thức của Ban tổ chức chỉ có đạo diễn Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp với bộ phim “Bi, đừng sợ” và “Đập cánh giữa không trung” được giới thiệu trong chương trình song hành tại LHP.
Còn từ năm 2010 đến 2014, một nghệ sĩ Việt Nam xuất hiện trên thảm đỏ là nhờ tấm vé của nhà tài trợ, nhãn hàng rượu. Ngay cả Lý Nhã Kỳ tham dự LHP Cannes năm 2016, 2017 cũng là với tư cách nhà bảo trợ cho hạng mục phim Cinéfondatio (dành cho các tài năng điện ảnh mới). Năm 2018, Lý Nhã Kỳ được mời bởi cô là nhà đầu tư của bộ phim Angel Face. Trước đó, cô xuất hiện trên thảm đỏ LHP 2013 là nhờ tấm vé của một hãng rượu...
Thực tế, không chỉ có Ngọc Trinh xuất hiện trên thảm đỏ với trang phục bị chỉ trích là lố lăng, gợi dục. Năm 2018, dù không có phim công chiếu, top 5 Hoa hậu Việt Nam 2012 Vũ Ngọc Anh cũng từng gây tranh cái khi mặc đồ xuyên thấu, hở 80% cơ thể trên thảm đỏ LHP Cannes...
Sự chỉ trích và xa lánh của dư luận là “hình phạt” thích đáng nhất
Trước sự xuất hiện hớ hênh, ăn mặc phản cảm, bị chỉ trích của một số người đẹp, “chân dài” Việt tại LHP danh tiếng khiến bạn bè quốc tế có cái nhìn sai lệch về con người, phụ nữ Việt Nam thì một vấn đề được không ít độc giả quan tâm đó là có biện pháp quản lý nào không?
Người đẹp Vũ Ngọc Anh và tranh phục gây tranh cãi tại LHP Cannes 2018.
Người phát ngôn của Bộ VH, TT&DL cho biết: “Ngọc Trinh và một số nghệ sĩ, người đẹp tham dự LHP Cannes với tư cách cá nhân chứ không phải do cơ quan quản lý cử đi. Bộ cũng không quản lý những hoạt động mang tính cá nhân. Họ phải chịu trách nhiệm với chính bản thân và với công chúng”.
Cho đến hiện nay, trong lĩnh vực điện ảnh cũng chưa có quy định về việc quản lý các cá nhân tham gia các sự kiện văn hóa phim ảnh quốc tế. Đó cũng là kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng xuất hiện để thu hút sự chú ý, gây scandal đánh bóng tên tuổi?
Dù không có hình thức quản lý cũng như xử lý với những trường hợp trên, nhưng theo ông Nguyễn Thái Bình thì khi tham gia các sự kiện quốc tế, mỗi cá nhân nên nâng cao ý thức giữ gìn hình ảnh. Với những trường hợp ăn mặc phản cảm tại LHP Cannes, cũng theo ông Nguyễn Thái Bình sự lên án, tẩy chay mạnh mẽ của cộng đồng chính là “hình phạt” hiệu quả nhất.
Đồng quan điểm trên, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng với trường hợp của Ngọc Trinh hay một số “chân dài” lợi dụng thảm đỏ tôn vinh nghệ thuật thứ 7 để “gây sốc” đánh bóng tên tuổi thì cách lên án hiệu quả nhất là tẩy chay và xa lánh.
“Với sự kiện LHP Cannes, những người không có đóng góp gì, không có phim tham dự lại xuất hiện đã là điều không nên. Thế mà, một số người mẫu, người đẹp lại cố tình ăn mặc lố lăng, gây sốc để thu hút sự chú ý thì chứng tỏ họ thiếu lòng tự trọng, thiếu hiểu biết. Pháp luật không cấm họ xuất hiện với tư cách cá nhân, ăn mặc như thế nào nhưng sự xuất hiện của họ tại sự kiện quốc tế, nơi những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh ăn mặc trang nhã, lịch sự thì rõ ràng ảnh hưởng đến ánh nhìn của bạn bè quốc tế.
Nổi tiếng bằng tai tiếng như con dao hai lưỡi. Có thể, trước mắt Ngọc Trinh đã thu hút được sự chú ý với cách ăn mặc hở hang của mình, nhưng có lẽ cô không lường hết được cái giá phải trả sau này.
Để tránh những trường hợp sau này tái diễn, theo tôi sự lên án, tẩy chay mạnh mẽ của cộng đồng là hình thức xử phạt hiệu quả hơn là mực phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa”, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.
Nguyễn Hằng