“Ngộ độc" với những chiêu PR sản phẩm văn hóa

"Sex”, “gay”, “đồng tính”… - những từ khóa “hot” nhất, được tìm kiếm nhiều nhất cũng đồng thời là những chiêu trò rẻ tiền đang được khắp lượt các nhà làm phim, làm sách, làm đĩa… tận dụng triệt để nhằm gây chú ý tối đa để quảng cáo cho sản phẩm của mình bằng mọi giá.

Từ “đồng tính” đến tình… một đống



Từ “đồng tính” đến tình… một đống

Có thể nói, chưa bao giờ những chiêu trò của showbiz lại thâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực như hiện nay, từ PR sách đến PR phim… “PR hay là chết” xem ra đang là khẩu hiệu “tử vì đạo” của không ít nhà làm đĩa, làm phim, làm sách. Báo chí vừa ráo mực chuyện cô gái viết văn 27 tuổi tuyên bố “nói không với sex trước hôn nhân”, nhân sự kiện ra mắt cuốn sách mới “Đừng chết vì yêu” của cô thì ngay lập tức lại có thêm một kẻ “tử vì đạo” khác: Diễn viên Trung Dũng, cũng lại nhân dịp chuẩn bị công chiếu bộ phim mới do anh lên ý tưởng, đồng tác giả kịch bản và thủ vai chính. Như chính anh thừa nhận: “Trách nhiệm của mỗi diễn viên là phải quảng bá cho sản phẩm của mình - đó là đương nhiên”.

Và cái sự “đương nhiên” ấy đã được anh thể hiện một cách… tự nhiên hết sức: Hết tung ảnh khoe bụng 6 múi (ở vào cái tuổi nhẽ ra là đã đủ… độ đằm), cùng những phát ngôn lập lờ về giới tính, liên quan mật thiết đến nội dung phim; lại bất ngờ tiết lộ đã có vợ con tận bên trời Mỹ… khiến khán giả không thể không biết đến bộ phim “Lạc giới” sắp công chiếu. Cũng nhân dịp trình làng bộ phim ca nhạc “Tình nghèo có nhau”, một bộ hình không thể câu views hơn cũng ngay lập tức được tung ra: Đám cưới đồng tính giữa bà tám showbiz Long Nhật và “bạn trai tin đồn” lâu nay (mà sau đó được giải thích là trích từ phim).

Từ “đồng tính” đến tình… một đống



Thời PR, khán giả xem ra “bị lừa” dễ như ăn kẹo khi liên tục được mời ăn món thịt lừa “nói dzậy mà hổng phải dzậy” hoặc “muốn hiểu sao thì hiểu”. Không chỉ khán giả, mà ngay chính người trong cuộc đôi khi cũng bị đặt vào thế “cực chẳng đã”, trăm sự cũng chỉ bởi câu khẩu hiệu “PR hay là chết”. Chẳng hạn như buổi ra mắt bộ phim “Đoạt hồn” tại Hà Nội, thay vì giao lưu với khán giả, nhà sản xuất kiêm nữ diễn viên gạo cội Ngọc Hiệp và nam diễn viên chính Trần Bảo Sơn lại được mời chụp ảnh với… các chủ nhà hàng - là những nhà tài trợ thức ăn đồ uống cho buổi ra mắt phim hôm đó, khiến “hồn cốt” của buổi ra mắt phim cũng phần nào bị “đoạt”.

PR phản PR, PR chồng lên PR xem ra đã là “chuyện thường ở huyện”, khi mới đây, cũng tại buổi ra mắt phim “Hiệp sĩ mù” do mình sản xuất và sắp sửa công chiếu, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng tranh thủ chua thêm dòng chữ… “kỷ niệm 1 năm thành lập chuỗi nhà hàng Vua Biển”. Hay như mới đây, tại show diễn thời trang Đẹp Fashion Runway 3, nhà thiết kế Lý Quý Khánh cũng đã đưa ra quyết định: Chọn Hoàng Thùy Linh làm gương mặt vedette cho bộ sưu tập của mình và hẳn nhiên là dễ dàng đoán trước hiệu ứng truyền thông của nó, bất chấp cú lấn sân lạc lõng đó của cô người mẫu chân ngắn, không hề có duyên catwalk sẽ bị chê tơi tả tới mức nào…

Quá nhiều “kẻ đốt đền”

Chứng kiến nhiều “kỳ cuộc” “PR phản PR”, nhà văn Di Li - một chuyên gia về lĩnh vực PR, tác giả cuốn sách “Tôi PR cho PR” - lên tiếng: “Rất nhiều người đang hiểu sai về khái niệm PR hoặc nghĩ về nó quá đơn giản, nên thường tự tổ chức sự kiện mà không có sự tham vấn cần thiết từ các chuyên gia PR. Cái chết “PR phản PR” do đó có thể nói là chết do thiếu hiểu biết”.

“PR, hiểu theo nghĩa giản đơn nhất, là tạo dựng mối quan hệ (đương nhiên phải là tốt đẹp) với công chúng. Mà muốn tạo cảm tình thì đầu tiên phải gây được sự chú ý đã. Tiếc rằng, nhiều chiêu trò PR ở ta hiện nay mới chỉ đáp ứng được “điều kiện cần” đó: Gây được sự chú ý, mà chưa (hoặc cố tình phớt lờ) “điều kiện đủ”: Tạo dựng cảm tình. Do đó mà lợi bất cập hại” - chị nói - “Nổi tiếng thì có nhiều cách. Có thể nói, chưa bao giờ dễ như bây giờ, và có nhiều “kẻ đốt đền” như bây giờ - những người không những có khả năng chịu đựng sự tổn thương do chính họ gây ra, mà thậm chí còn có “khoái cảm bệnh hoạn” đó, chỉ cốt được nổi tiếng”.

“Nhiều người hiểu PR, đơn giản là lên báo. Trong khi, không hẳn cứ lên báo là đã tạo được hiệu ứng truyền thông. Vì thời nay, đăng một bài PR đâu khó, miễn là anh có tiền “mua đất”. Vấn đề là bài báo đó có được đọc không và chiếm được cảm tình của người đọc đến đâu. Còn hơn cả giá trị lan tỏa, điều tối quan trọng trong PR là khả năng kiểm soát được tin xấu. Vì vậy, trước khi chọn cách PR cho sản phẩm của mình, bạn hãy cân nhắc kỹ hơn giữa việc thà được ít người biết hơn, nhưng bạn dám chắc đó toàn là những người thực sự tôn trọng bạn, quan tâm đến sản phẩm của bạn, còn hơn là có nhiều người biết mà quá nửa số đó đánh mất cảm tình với bạn và vì thế, sẽ nói không với sản phẩm của bạn. Vì trên tất cả, trước hết và sau cuối, vẫn phải là vấn đề chất lượng sản phẩm” - nhà văn Di Li đưa ra lời khuyên.

Theo Thiên An