Nghiêm khắc đúng cách sẽ giúp vun đắp tâm hồn con trẻ (kỳ 3)
(Dân trí) - Để phát triển nhân cách và nuôi dạy con trở thành một người có khả năng sáng tạo dồi dào, phụ huynh cần phải nghĩ đến việc dạy dỗ sao cho con có khả năng chịu đựng gian khổ và vượt qua khó khăn. Những đứa trẻ không có ý chí mạnh mẽ không thể phát triển cá tính của riêng mình.
Nền tảng của kỷ luật là giúp con trở thành người có ý chí mạnh mẽ
Trước khi cân nhắc về việc nên rèn luyện tính kỷ luật cho con như thế nào, đầu tiên bạn cần phải hiểu rằng, mục đích thật sự của việc áp dụng kỷ luật trong quá trình nuôi dạy trẻ chính là nuôi dạy con trở thành người có ý chí mạnh mẽ. Có ý chí mạnh mẽ không có nghĩa là ích kỷ và tự mãn. Ngược lại, một đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ sẽ có thể vượt qua những ham muốn, đòi hỏi và cảm xúc cá nhân.
Khi trẻ lên ba, trẻ sẽ bắt đầu hình thành khả năng chịu đựng và sức mạnh ý chí. Nếu cha mẹ đợi đến giai đoạn sau ba tuổi, nghĩa là khi con đã có khả năng nhận biết mọi việc mới rèn luyện tính kỷ luật cho con thì mọi nỗ lực của bạn đều đã muộn rồi. Đến lúc đó, cá tính của con bạn đã hình thành, rất khó thay đổi. Thế nên, trong ba năm đầu tiên ấy, phụ huynh cần phải thiết lập các nguyên tắc và giới hạn cho trẻ, về những giá trị mà trẻ không được phép phá vỡ. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ phạm tội khi lớn lên là do thiếu khả năng chịu đựng. Những trẻ này không có cơ hội để phát triển ý chí, không biết cách kiềm chế cảm xúc trong suốt quá trình trưởng thành. Do vậy, chúng không có khả năng kiểm soát bản thân, dễ rơi vào con đường phạm tội. Khuynh hướng phạm tội bắt đầu khi đứa trẻ bị làm hư từ nhỏ. Nhiều người phương Tây đến Nhật, thấy cách mọi người đối xử với trẻ em tại Nhật, họ thường bảo: “Ở Nhật, trẻ em và người già là hai đối tượng được phép ích kỷ và tự do nhất. Nhật Bản thực sự là thiên đường của trẻ em”. Người phương Tây thường nuôi dạy con rất nghiêm khắc nên họ lấy làm lạ khi thấy các bà mẹ Nhật Bản nuông chiều con mình.
Ở Nhật, khi một đứa trẻ khóc, người mẹ dù đang làm gì cũng sẽ ngừng lại và nhanh chóng bế con lên. Thói quen này khiến trẻ bỏ lỡ bài học quan trọng nhất: kiểm soát bản thân. Trong thực tế, nhiều người tin rằng việc trẻ con khóc rất có lợi cho hệ hô hấp. Do vậy, thay vì vội chạy đến bên con, hãy cứ để bé khóc một lúc rồi hẵng cho con thấy mặt bạn. Đừng vội bế con lên. Thay vào đó, hãy kề sát mặt bên con và hỏi: “Sao vậy con? Con đói rồi à? Hay tã ướt làm con khó chịu?”. Chỉ bế con lên sau khi con đã thôi khóc sẽ tập cho con bạn có được thói quen tốt. Con sẽ biết chờ đợi và có thói quen tự kiềm chế bản thân ngay từ khi con còn nhỏ. Mỗi khi khóc, bé sẽ nghe thấy tiếng chân bình tĩnh của mẹ, cánh cửa mở ra và bé sẽ nhìn thấy khuôn mặt mẹ mỉm cười với mình. Rồi mẹ nhìn bé, dịu dàng nói chuyện với bé. Đến khi bé ngừng khóc, mẹ sẽ ôm lấy bé. Dần dần, trẻ sẽ ghi nhớ quy trình này. Nhờ đó, sự khó chịu đối với việc chờ đợi sẽ giảm dần. Các bậc phụ huynh nên áp dụng phương pháp này ngay từ khi con còn nhỏ để giúp con học cách chờ đợi.
Khi con yêu cầu bạn mua một thứ gì, nếu đó là thứ mà bạn không muốn mua thì bạn cần dứt khoát nói: “Không!”. Hãy nghiêm khắc và kiên định, cho dù con bạn có la hét và gào khóc bao nhiêu lần. Ngay từ nhỏ, trẻ phải học cách chờ đợi và phát triển thói quen kiểm soát bản thân. Nhờ đó, các thói quen xấu mới không có cơ hội phát triển. Nếu bạn cứ chiều theo mọi yêu cầu của con thì bạn sẽ không thể nuôi dạy con thành một đứa trẻ tự chủ, bạn chỉ tạo nên một đứa trẻ ích kỷ.
Rèn luyện khả năng tự kiềm chế
Cha mẹ cần tập cho trẻ sơ sinh khả năng chờ đợi và tự kiểm soát bản thân. Bạn có thể bắt đầu quá trình “huấn luyện” này khi cho con bú. Hãy để con khóc trong một khoảng thời gian nhất định và chờ cho đến khi con ngừng khóc rồi mới cho con bú. Đây là bước khởi đầu của quá trình rèn luyện, giúp con biết cách chờ đợi và kiểm soát bản thân.
Một trong những bài tập thể chất quan trọng khi nuôi dạy trẻ sơ sinh là cho con khóc hết sức bình sinh. Margaret A. Ribble, một bác sĩ nghiên cứu về các vấn đề hô hấp ở trẻ em, đã khẳng định rằng khi khóc, trẻ sẽ học được cách hít thở sâu. Bình thường, trẻ thở rất nông. Nhưng khi trẻ khóc dữ dội, phần cơ hoành của trẻ được tập luyện; đồng thời, phúc mạc, bao tử, ruột và các cơ quan nội tạng khác cũng được tác động tương ứng. Người ta cho rằng việc khóc lớn giúp trẻ hít thở sâu và cải thiện sự phát triển của nhiều cơ quan nội tạng khác nhau.
Nếu bạn cho bú ngay khi con khóc, con sẽ không thể làm quen với việc chờ đợi và không thể đạt được khả năng tự kiểm soát bản thân. Do vậy, con bạn sẽ mất đi cơ hội được rèn luyện đầu đời.
Tập cho con bạn biết tự kiềm chế là bước giáo dục quan trọng, giúp hình thành tính kỷ luật cho trẻ. Như đã nói ở trên, nền tảng của sự giáo dục là dạy con biết sống có mục đích. Điều đó nghĩa là cha mẹ cần giúp trẻ hình thành ý chí mạnh mẽ và khả năng kiểm soát cảm xúc cũng như các nhu cầu của bản thân chứ không phải là cho phép trẻ làm mọi điều chúng muốn một cách ích kỷ. Tuy nhiên, quá trình này thường bị hiểu sai. Khi hiểu sai vấn đề, cha mẹ thường nói những câu như: “Tôi tôn trọng mong muốn của con, vì vậy tôi để con mình được làm những gì nó muốn”. Cách nghĩ này cho phép trẻ từ chối làm những điều mà chúng không muốn. Sự dung túng này là một sai lầm. Khi làm một việc trẻ không muốn, trẻ sẽ học được cách chiến thắng sự ích kỷ của bản thân. Đó mới chính là sự tự do thực sự. Bởi vì nền tảng của sự tự do là khả năng tuân thủ nguyên tắc và luật lệ một cách triệt để.
Các bậc phụ huynh nên nghiêm khắc với chính mình
Ba nguyên tắc vàng trong việc nuôi dạy con – yêu thương, nghiêm khắc và tin tưởng – thực ra không phải là thử thách đối với trẻ mà chính là thử thách đối với các bậc cha mẹ. Sự nghiêm khắc tôi đang đề cập đến là sự nghiêm khắc mà các bậc cha mẹ nên dành cho chính mình. Bạn cần phải kiên nhẫn nói: “Không” – Không là không! – mỗi khi con bạn nhõng nhẽo hay vòi vĩnh. Bạn cần hiểu được rằng đó là sự nghiêm khắc với chính bản thân mình chứ không chỉ là nghiêm khắc với con. Thường thì cứ hễ con khóc là cha mẹ gần như bỏ cuộc. Như vậy có nghĩa là bạn chưa đủ nghiêm khắc với chính mình. Một trường hợp khác: ngay cả khi phụ huynh biết rằng họ không nên la mắng con trong trạng thái xúc động, họ vẫn sẽ làm như vậy mỗi khi không kiểm soát được mình. Đây là một ví dụ khác chứng tỏ cha mẹ chưa thật sự nghiêm khắc với bản thân. Do đó, cha mẹ cần phải hiểu đúng ý nghĩa của từ “nghiêm khắc” mà tôi đang nói tới.
Dạy con bằng cách thường xuyên la mắng và luôn luôn cấm cản không phải là cách nuôi dạy con nghiêm khắc thực sự. Đó chẳng qua chỉ là một hình thức bao bọc con quá mức bằng lời nói. Nếu cha mẹ liên tục xét nét con thái quá thì họ sẽ khiến con cái mất đi cảm giác độc lập. Nghe lời cha mẹ là việc quá dễ dàng. Có điều, nếu tình trạng này kéo dài thì trẻ sẽ không còn khả năng tư duy và tự mình suy nghĩ nữa. Phương pháp này bao gồm các mệnh lệnh và những lời lẽ mang tính cấm đoán, tiêu cực. Tôi khuyên bạn nên tự đánh giá lại, xem bản thân có đang vô tình áp dụng phương pháp này trong việc dạy con không. Vì nếu bạn cứ dùng những lời lẽ mang tính bao bọc quá mức để cản trở con thì sự tò mò và nhạy bén của con sẽ dần bị thui chột. Con sẽ mất đi óc phiêu lưu mạo hiểm và trở nên lệ thuộc thái quá, và rồi con bạn sẽ trở thành một người thiếu động lực và không quyết đoán.
Thật lòng mà nói, những bà mẹ có thói quen cằn nhằn, nuôi dạy con bằng cách thường xuyên la mắng là mối nguy hiểm lớn nhất đối với quá trình nuôi dạy con trẻ. Những bậc cha mẹ khó tính, những người hay chỉ trích và la mắng, sẽ khiến trẻ dễ nổi giận, nóng tính và hay to tiếng. Khi trẻ lớn dần lên, cơn giận cứ tích tụ dần. Khi ra khỏi nhà, trẻ sẽ dễ gây sự với những đứa trẻ khác. Các bậc phụ huynh có thói quen này thường là những người có khuynh hướng kìm hãm con cái trong nhiều nguyên tắc cứng nhắc. Vì vậy, con họ không thể phát triển nhanh và đúng hướng. Nếu tình trạng này kéo dài, sự bất mãn của trẻ sẽ bị dồn nén lại. Chúng đâm ra chống đối cha mẹ và dần trở nên bướng bỉnh. Thậm chí khi cha mẹ cố gắng dạy bảo con một cách nhẹ nhàng, con cũng sẽ cố tình làm trái ý cha mẹ.
Trích sách "Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận: Bí quyết nuôi dạy con theo phương pháp Shichida"
Sách do First News phát hành