Nghỉ việc văn phòng, 9X Phú Yên làm giàu từ quần jeans lỗi mốt
(Dân trí) - Quyết định nghỉ việc văn phòng, Hải Dương thu gom những chiếc quần jeans đã cũ, bạc màu, lỗi mốt để may thành những chiếc túi xách, balo "có một không hai".
Trước khi gắn bó với may vá, Phạm Thị Hải Dương, 26 tuổi (Phú Yên) từng phụ trách biên tập ấn phẩm du lịch, văn hóa cho một công ty tư nhân. Sau đó, cô chuyển sang làm truyền thông nội bộ cho trường học quốc tế.
Trong thời gian làm việc văn phòng, Dương tranh thủ học lớp thiết kế thời trang như may đầm dạ hội, đầm cao cấp, đầm sân khấu, váy cưới, vest…
Nhưng cơ duyên lại đưa cô gái 26 tuổi quyết định chuyển sang làm balo, túi xách tái chế là bởi khi dọn dẹp nhà cửa, Dương phát hiện mình có rất nhiều quần jeans còn tốt nhưng lại bị lỗi mốt, nhiều chiếc quần có họa tiết trang trí đẹp nhưng không còn phù hợp với xu hướng nữa.
Dương bắt đầu quan tâm về tái chế và phát hiện quần jeans cũ có thể làm được rất nhiều thứ hữu ích như lót ly tách, lót ghế, thảm chân… đặc biệt là tái chế thành các sản phẩm túi xách, ba lô.
"Jeans là chất liệu hội tụ các yếu tố: Tuổi thọ vải dài lâu, bề mặt dày dặn, đặc biệt jeans cũ thường mang trong mình câu chuyện và cá tính riêng nên khi lên túi sẽ tạo được chiều sâu cho sản phẩm. Chất liệu này lại ít bị giãn nên làm túi rất bền", Hải Dương chia sẻ.
Bắt đầu với túi, 9X có ưu thế là biết sử dụng máy may, bàn ủi, cắt may, một số nguyên phụ liệu may mặc và đặc tính của vải.
Dương cũng phải học thêm từ các video hướng dẫn ở các trang nước ngoài, lên rập và mua các loại dụng cụ nguyên liệu như: Máy đóng nút, mếch bông, các khoen khóa, khoen mắt cáo…
Hiện tại Dương có 3 nguồn quần jeans cũ: Của khách hàng gửi đến may, mua từ các cơ sở bán quần jeans cũ và quần jeans do những người phụ trách tủ quần áo từ thiện ở các vùng xa gửi lại.
Để làm ra một chiếc túi từ quần jeans cũ Dương phải trải qua hàng chục công đoạn. Ban đầu là nghiên cứu kích thước, lên mẫu, cắt vải jeans, vải lót theo rập rồi bắt đầu trang trí họa tiết, may. Cuối cùng là tra khóa, quai, dây đeo và hoàn thiện sản phẩm.
Các sản phẩm từ quần jeans cũ của Dương rất đa dạng: Ba lô, túi đeo chéo, ba lô bucket, túi bucket hai dây đeo, túi bầu, túi vuông, ba lô mái vòm, túi tole quai jeans/quai da, túi tròn…
Dù được tạo ra từ những chiếc jeans cũ nhưng cô gái 9X luôn làm cẩn thận từng công đoạn đảm bảo chất lượng cũng như tính thẩm mỹ. Đam mê may vá, có nhiều hôm Dương phải thức thâu đêm để may cho xong một mẫu mới, bày biện và chụp ảnh chiếc túi đó lúc xong.
"Có khi tỉnh dậy vẫn đang ôm máy ảnh, nhưng nhìn chiếc túi đó mình rất mãn nguyện", cô gái Phú Yên trải lòng.
Để lan tỏa thông điệp tái chế giúp bảo vệ môi trường, Dương cũng mở các workshop hướng dẫn mọi người tự may vá nên những món đồ từ những chiếc quần áo jeans bỏ đi.
Hải Dương chia sẻ: "Mình không tham vọng sẽ độc bá thị trường bởi mục đích lớn nhất là mong muốn nhiều người sử dụng sản phẩm tái chế và có thói quen tái chế đồ cũ vẫn còn dùng được để bảo vệ môi trường".
Nếu có đủ tài chính và duyên với may vá, cô gái trẻ mong có thể tuyển được thợ để mở rộng sản xuất. Hiện đang trong mùa dịch nên không thể tổ chức các workshop, Dương mở các lớp dạy tái chế online từ quần Jeans, thu hút rất đông người tham gia.