Nghệ sĩ Việt ám ảnh vì bị người thân bạo hành, ghẻ lạnh

(Dân trí) - Nổi tiếng, giàu có và được nhiều khán giả ngưỡng mộ nhưng có lẽ cả cuộc đời danh ca Khánh Ly, Diva Hồng Nhung hay Thủy Tiên… sẽ không bao giờ hết dằn vặt, đớn đau khi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ côi cút, bị người thân ghẻ lạnh, thậm chí bị bạo hành…

“Tôi là sự thất bại của mẹ”

Những ngày tháng cơ cực, nghèo khổ, sống lạnh lẽo trong sự thờ ơ, vô cảm của mẹ đẻ… ám ảnh Khánh Ly cả cuộc đời. Sự dằn vặt, ám ảnh về những năm tháng sứt sẹo về tâm hồn không chỉ được Khánh Ly trải lòng nhiều lần mà còn được bà kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký “Chuyện kể sau 40 năm”.

Những chuỗi ngày sống côi cút, bị bỏ quên của Mai (tên thật của Khánh Ly) bắt đầu từ khi bố mẹ ly hôn, bà ở cùng với mẹ, bố dượng và những anh em cùng mẹ khác cha. Trong đám con đông đúc, Mai ít được mẹ ngó ngàng, thậm chí bà luôn bị đối xử cay nghiệt.

Khánh Ly kể nhiều lúc bà chỉ mơ ước có được một vòng tay, một ánh mắt, nụ cười hay lời nói dịu dàng, ấm áp từ mẹ...
Khánh Ly kể nhiều lúc bà chỉ mơ ước có được một vòng tay, một ánh mắt, nụ cười hay lời nói dịu dàng, ấm áp từ mẹ...

“Bà nội mua cho tôi một chiếc xe đạp mà tôi luôn luôn chạy giữa đường chứ không bao giờ đi vào lối dành cho xe đạp. Đùng một cái, chiếc xe bị mất. Nó bị ăn cắp chứ không phải tôi sơ ý. Mẹ tôi bảo…mày cứ chờ đấy, bố mày về rồi mày sẽ biết. Tôi quỳ giữa nhà, bố tôi cầm chiếc giầy của ông đập túi bụi vào tôi. Mẹ tôi ngồi nhìn tôi bị đánh, thản nhiên, thỉnh thoảng thêm vào … đánh nữa đi, đánh cho nó chết, cho nó chừa đi, mất xe thì mày đi bộ, không có tiền đâu mà mua xe khác cho mày… Bố tôi vừa đi làm về mặt đỏ bừng vì rượu, được lời của mẹ, ông túm lấy tóc tôi, xoắn lại, tay kia tiếp tục giơ cao chiếc giầy…” (trích từ “Chuyện kể sau 40 năm”)

Cũng trong cuốn hồi ký, tuổi thơ của Khánh Ly chập chờn trong câu hỏi vì sao mẹ không yêu mình, vì sao mẹ thường đánh mình: “Bà thường tặng tôi những trận đòn nhớ đời mà tôi chẳng hiểu lý do vì sao. Tự nhiên mẹ tôi lôi ra đánh, bắt xin lỗi. Tôi có lỗi gì đâu mà xin. Đánh nữa cho bỏ cái tật lì lợm. Không khóc hả, đánh nữa, đánh nữa. Tôi không bao giờ khóc ngay lúc đó, thường là sau mỗi trận đòn, tôi trốn trong nhà tắm hoặc đầu ngõ, kiếm một chỗ khuất để khóc một mình”

Trong chuyến về Việt Nam lần này, nhắc đến người thân, nữ danh ca chia sẻ, nhiều lúc bà chỉ mơ ước có được một vòng tay, một ánh mắt, nụ cười hay lời nói dịu dàng, ấm áp từ mẹ. Ở cái tuổi gần đất xa trời, sự nhìn nhận quá khứ của bà đã khác đi. Thậm chí, bà còn nghĩ nếu nghe lời cha mẹ thì cuộc đời của bà sẽ đi theo chiều hướng tốt hơn.

"Nhà nào đông anh em nên chắc chắn sẽ có đứa không vừa lòng cha mẹ, trong trường hợp này là tôi. Có lẽ, tôi là sự thất bại của mẹ. Trong gia đình, tôi lại là đứa trái tính trái nết. Nếu ngày trước nghe lời cha mẹ, chắc giờ tôi đã có cuộc sống khá hơn. Nhưng mọi thứ không thay đổi được, tôi đành chấp nhận..", Khánh Ly bộc bạch.

“Tôi không có được tình cảm mẹ con sâu sắc”

Diva Hồng Nhung cũng chia sẻ rằng, những ca khúc thiếu nhi là nguồn sống, đã thắp lên ngọn lửa hạnh phúc duy nhất suốt thời niên thiếu của chị. Bởi thời đó, Hồng Nhung sống trong hoàn cảnh bố mẹ chia lìa. Sau sự ra đi của bà nội năm 11 tuổi, Hồng Nhung chỉ có một mình. Chị không được ở với mẹ, phải ở với dì ghẻ còn bố lại thường xuyên đi công tác xa.

Nỗi khát khao tình mẫu tử sau này trở thành suối nguồn yêu thương chị dồn tất cả cho hai con...
Nỗi khát khao tình mẫu tử sau này trở thành suối nguồn yêu thương chị dồn tất cả cho hai con...

“Cuộc sống của tôi không được sống gần mẹ, rất thiếu thốn tình cảm. Con gái lớn lên bị kinh nguyệt không ai bảo. Răng của tôi hỏng rồi, lẽ ra nhổ đi, chẳng ai nhổ cho nên mọc lung tung, tí tóe như thế. Không được sự chăm sóc của mẹ, tôi tủi thân lắm. Bố dù yêu mình cũng không thể chăm con như người mẹ được.

Tôi đã từng khóc rất nhiều khi hát ca khúc về mẹ. Sinh ra ai cũng cần tình cảm của mẹ. Khi hát ra bằng âm nhạc, mình bộc lộ ra khao khát tình mẹ…”, Hồng Nhung trải lòng.

Những tổn thương tình cảm ngày nhỏ cứ ám ảnh chị cho đến bây giờ. Dù bây giờ, mẹ của chị ở cạnh nhà, vẫn thường sang chơi và rất yêu các cháu nhưng tình cảm mẹ con vẫn có những khoảng trống không thể bù đắp. “Tôi không có được tình cảm mẹ con sâu sắc”, chị “Bống” cay đắng thừa nhận. Chính vì tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của mẹ và chị thấu hiểu nỗi khát khao tình mẫu tử đến nhường nào, nên sau này khi có con, tất cả tình yêu thương, nữ ca sĩ đều dồn cả cho các con.

“Tôi từng rất hận gia đình!”

Trong một bài báo, ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ rằng khi mới 10 tuổi, chị đã khắc chữ “Hận” lên chiếc bàn gỗ. Nữ ca sĩ hận những người họ hàng tưởng như máu mủ lại đối xử tàn nhẫn với mẹ con chị trong lúc gặp phải hoàn cảnh khốn cùng nhất: bố mất vì bệnh lao phổi, mẹ đau ốm phải nương náu nhà chùa.

Thủy Tiên từng khắc chữ hận những người họ hàng máu mủ.
Thủy Tiên từng khắc chữ "hận" những người họ hàng máu mủ.

Thủy Tiên kể: “Ba tôi mắc chứng lao phổi, phải mượn ông bà nội vài phân vàng để lên Sài Gòn mua thuốc chữa bệnh. Căn bệnh phải uống đủ sáu tháng thuốc nhưng chỉ được ba tháng, thì ông bà nội nằng nặc đòi tiền. Để trả nợ cho bên nội, ba tôi ngưng uống thuốc và đi làm kiếm tiền. Bệnh lờn thuốc, ba tôi phát bệnh nặng và mất”.

Không chỉ bị ông bà nội lạnh nhạt, không cho mẹ con Thủy Tiên ở trong nhà nữa, sợ lây bệnh…, hai mẹ con cô cũng bị ông bà ngoại xua đuổi. “Có lần tôi về nhà ngoại, cậu tôi nói: “Mày dắt xe của mày ra, để tao đẩy xe ra ngoài, xong hãy vô." Tôi vừa dời chiếc xe ra ngoài thì ông cậu lấy ổ khóa khóa bụp cửa lại”, Thủy Tiên cay đắng nói.

Nữ ca sĩ cũng từng chia sẻ, suốt đời cô không thể nào quên những cái tết bị ghét bỏ, lạc loài trong đại gia đình: “Tôi còn nhớ những lần ông nội tôi phát kẹo cho các cháu. Ông kêu mấy đứa xếp hàng lại rồi lần lượt phát cho từng đứa. Nhưng đến lượt tôi, ông lạnh nhạt quát mày đi chỗ khác chơi rồi bỏ qua tôi không một chút thương xót, không cần biết tôi bẽ bàng như thế nào, đau đớn như thế nào khi bị đối xử như thế.

Năm mới tết đến, cả nhà quây quần, ông ngoại tôi phát bao lì xì cho các cháu. Tôi cũng xếp hàng để đợi lì xì, nhưng đến lượt tôi ông cũng đuổi mắng, bảo mày đi chỗ khác. Tôi chỉ còn biết khóc và bỏ chạy đi khỏi chỗ đó ngay lập tức, vẫn còn nghe được thấp thoáng sau lưng câu nói ác ý của mọi người trong nhà, nói rằng kệ, để nó đi, nó là đứa con không cha…”

Nguyễn Hằng